Đất nước ta từ xưa đến nay có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Điều này đã đi vàotiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Dù trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào của đất nước thì nhân dân ta vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong nạn đói năm 1945, Bác Hồ đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào "Hũ gạo cứu đói”, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa. Tấm gương về đạo đức, tình cảm, nhân cách chan chứa yêu thương con người của Bác đã và đang lan tỏa sâu rộng, được nhân dân tỉnh Hòa Bình tích cực noi theo.
Bà Trần Thị Oanh (đứng giữa), Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Lạc Thủy thăm, tặng quà gia đình anh Bùi Văn Thương, xóm Hiệu, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy).
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Đến huyện Lạc Thủy hỏi thăm về lương y Trần Thị Oanh hầu như ai cũng biết. Bà Oanh không chỉ là thầy thuốc đông y giỏi mà còn là người hoạt động sôi nổi trong phong trào thiện nguyện. Căn nhà nhỏ của lương y Trần Thị Oanh tại khu 2, thị trấn Chi Nê vừa là phòng khám, vừa là nơi tập kết hàng hóa của Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Lạc Thủy. Khoảng sân, mái hiên trước nhà được sử dụng làm sân phơi thuốc nam và để các bao gạo nhỏ chất cao cùng dầu ăn, mắm, muối, bột giặt… chuẩn bị cho những chuyến thiện nguyện.
Chia sẻ với chúng tôi bà Trần Thị Oanh cho biết, là người thầy thuốc với mong muốn chữa bệnh cứu người, từ lâu bà thường xuyên tặng thuốc, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, người già trên 75 tuổi, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm đều đặn bà tổ chức 2 đợt đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại các tỉnh lân cận Hà Nam, Ninh Bình… Từ năm 2013, bà mở rộng các hoạt động thiện nguyện khi chứng kiến người dân tại huyện Lạc Thủy chịu thiệt hại nặng nề bởi bão lũ, bà cùng chị em ở thị trấn Chi Nê nấu cơm cứu trợ các gia đình. Nhìn những căn nhà bị tốc mái, sập đổ, những đứa trẻ chẳng có cơm ăn, áo mặc khiến bà ngủ không ngon giấc. Bà tâm sự với gia đình về mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và được mọi người ủng hộ. Bắt đầu từ việc sử dụng tài chính tiết kiệm được của gia đình, dần dần sau đó bà vận động bạn bè, người thân. Đồng thuận với con đường nhân ái bà đã lựa chọn, nhiều chị em cùng khu phố và trên địa bàn thị trấn Chi Nê đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Sau 5 năm hoạt động cá nhân, trở thành người có uy tín trong công tác thiện nguyện của huyện, được sự ủng hộ, động viên của mọi người, bà Trần Thị Oanh thành lập CLB thiện nguyện Lạc Thủy, đến nay có hơn 10 thành viên hoạt động sôi nổi.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong những hành trình thiện nguyện của mình, bà Oanh tâm sự: "Tháng 9 vừa qua chúng tôi có chuyến đi thiện nguyện tại Sơn La sau bão số 3 (Yagi). Đoàn gồm 1 xe 29 chỗ cùng 3 xe tải chở hàng hóa lên hỗ trợ bà con tại huyện Mường La. Đến nơi đã quá trưa nhưng hai bên đường nhiều người dân vẫn đứng đợi. Những cánh tay với lên thùng xe chờ lấy hàng cứu trợ khiến chúng tôi ai cũng khóc vì thương. Trước đó chúng tôi đã đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, đồng bào miền Nam bị ảnh hưởng do dịch Covid-19… Những hành trình xa xôi, khó khăn, vất vả là vậy nhưng chúng tôi luôn tâm niệm san sẻ yêu thương sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ngoài những chuyến thiện nguyện xa, CLB thiện nguyện Lạc Thủy cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ bà con huyện Lạc Thủy cũng như các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm CLB vận động được khoảng 1,5 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Với những đóng góp không mệt mỏi, bà Trần Thị Oanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023.
Lan tỏa rộng khắp tình yêu thương nhân ái
Bà Oanh là một trong số rất nhiều tấm gương trong học tập và làm theo Bác tinh thần tương thân tương ái. Ở khắp thôn xóm, bản làng trên địa bàn tỉnh đều có những tấm lòng nhân ái hàng ngày, hàng giờ âm thầm sẻ chia sự yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh. Cùng với đó là nhiều CLB hoạt động hiệu quả, uy tín như: CLB thiện nguyện Áo xanh, CLB Nhân ái huyện Tân Lạc, Hội lái xe 28…
Tháng 9 vừa qua, miền Bắc chịu sự tàn phá nặng nề của siêu bão Yagi. Tại Hòa Bình có 7 người thiệt mạng, 3 người bị thương, hơn 2.300 hộ dân phải sơ tán để đảm bảo an toàn, ước tính tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Ngay trong lúc gian khó, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào được lan tỏa một cách mạnh mẽ. Rất nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tích cực, chung tay quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm gửi tới đồng bào các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Điển hình như nhóm Bạn hữu đường xa Hoà Bình 28 được sự ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp đã tập hợp được 15 xe ô tô (trong đó có 2 xe tải chở hơn 20 tấn hàng hoá) trực tiếp đưa nhu yếu phẩm đến với đồng bào lũ lụt tỉnh Yên Bái. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Thanh (Cao Phong) gói trên 1.000 chiếc bánh chưng cùng nhiều hàng hoá thiết yếu gửi tới đồng bào các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang... Nhiều nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm như: CLB Kết nối trái tim (TP Hòa Bình), CLB thiện nguyện Lạc Thủy, kênh review Lang thang Hòa Bình… tổ chức chương trình tặng quà, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai tại các xã: Tân Minh, Tân Pheo, Mường Chiềng (Đà Bắc)… Sau 1 tháng triển khai (từ ngày 10/9 - 10/10/2024), Quỹ Cứu trợ tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận được gần 58 tỷ đồng, trong đó hơn 12 tỷ đồng do các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ khắc phục bão số 3. Ngoài ra còn các tổ chức, cá nhân thông qua Hội Chữ thập đỏ các cấp ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3 hơn 2,3 tỷ đồng.
Ngoài đợt cao điểm khắc phục hậu quả bão số 3 thì các hoạt động từ thiện, nhân ái vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, từ trường học, bệnh viện đến các khu dân cư, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh bằng những việc làm thiết thực như: tặng tiền, quà, phát cơm, gạo, nhu yếu phẩm, sách vở, hỗ trợ tiền sửa nhà, viện phí… Tiêu biểu như mô hình "Bữa ăn chia sẻ” tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, năm 2024, Hội Chữ thập đỏ các cấp phối hợp các nhóm tình nguyện cấp phát hơn 22 nghìn suất cơm, cháo, trị giá 340 triệu đồng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các tấm lòng nhân ái thường xuyên thăm hỏi, chăm nuôi hàng tháng cho 612 lượt địa chỉ nhân đạo bằng tiền và nhu yếu phẩm, trị giá hơn 600 triệu đồng/năm. Phong trào "Người tốt, việc thiện - chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái trên địa bàn tỉnh. Riêng trong Tháng nhân đạo năm 2024, toàn tỉnh đã huy động được 4,5 tỷ đồng trợ giúp, hỗ trợ các đối tượng khó khăn sửa chữa, xây mới nhà, tặng quà, nhu yếu phẩm; trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh nghèo vượt khó; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí… Công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt trên 24 tỷ đồng, trợ giúp cho 47.328 lượt người. Đặc biệt, trong năm tỉnh Hòa Bình có 13.502 lượt người tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện, tiếp nhận được 11.791 đơn vị máu, đạt 124% kế hoạch giao và có 176 người đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo.
Những con số "biết nói” trên đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân trong tỉnh. Nạn đói năm 1945 đã lùi xa vào ký ức, nhưng đâu đó xung quanh chúng ta vẫn còn những mảnh đời yếu thế, những số phận bất hạnh và hình ảnh "hũ gạo cứu đói" của Bác Hồ năm xưa luôn là lời nhắc nhở để mỗi chúng ta học tập, noi theo về sự yêu thương, sẻ chia.
(Còn nữa)
Nhóm P.V