Hệ lụy của giai đoạn phát triển "nóng” đã khiến hàng nghìn ha cam ở huyện Cao Phong buộc phải phá bỏ, nhiều "tay mơ" chịu cảnh thua lỗ, nợ nần. Thế nhưng vẫn còn nhiều chủ vườn đều đặn thu tiền tỷ nhờ cây trồng này. Họ là những người nông dân vắt mồ hôi trộn lẫn công sức, áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm bẵm cho những vườn cam.




Với phương châm sản xuất "Tốt giống - tốt đất - tốt từ tâm",  Hợp tác xã 3T Farm Cao Phong đã gặt hái được nhiều thành công. 

Yêu thích nghề trồng cam, nhưng vì nhiều lý do, đến cuối năm 2014, chị Thủy 3T - chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 3T nông sản Cao Phong (3T Farm), thị trấn Cao Phong mới quyết định lập nghiệp với cây cam. Vừa là người trồng cam, vừa là người cung ứng sản phẩm cam Cao Phong ra thị trường, chị Thủy nhận thấy, mặc dù được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm cam Cao Phong còn khá hẹp.     

Như vậy, nguy cơ được mùa, mất giá luôn hiện hữu. Để sản phẩm cam của Cao Phong có chỗ đứng bền vững trên thị trường, chị thấy cần phải sản xuất an toàn, minh bạch quy trình, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. 

Nghĩ là làm, chị Thuỷ tập trung thay đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2016, chị đăng ký với Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh thành lập nhóm cây ăn quả có múi an toàn Thanh Thủy. Đến năm 2018, chị đứng ra vận động thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong, liên kết các hộ có cùng chí hướng sản xuất cam sạch. Đến nay, 3T Farm có 15 thành viên với 21ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các vườn cam đang cho thu hoạch. Sản lượng hàng năm đạt gần 400 tấn. Với nhiều nỗ lực nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong, sản phẩm cam quả và một số sản phẩm từ cam của 3T Farm như: mứt cam, detox cam, bột cam nguyên chất đã được chứng nhận OCOP 4 sao và chứng nhận ISO 9001. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các thành phố lớn và cửa hàng thực phẩm sạch. 

Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, chị Thủy sáng kiến mở thêm dịch vụ du lịch trang trại với dự án "Du lịch trải nghiệm - Cây cam nhà tôi”. Thông qua mô hình du lịch này nhằm quảng bá sản phẩm cam của HTX được sản xuất theo quy trình an toàn để khách hiểu, tin dùng sản phẩm. Vì thế, cho dù thị trường có nhiều biến động, thăng trầm nhưng cam và các sản phẩm từ cam của HTX 3T Farm luôn ở thế "được mùa, được giá”. 

Cũng là một người trẻ tâm huyết với việc nâng tầm giá trị thương hiệu cho cam Cao Phong, anh Lê Văn Cương, Giám đốc HTX Hà Phong (thị trấn Cao Phong) đã liên kết các hộ trồng cam để gia tăng nguồn lực, tạo ra giá trị sản phẩm. Hiện vùng cam được anh Cương và những người cộng sự xây dựng đạt tiêu chuẩn VietGAP gần 300 ha, có niên vụ sản lượng đạt hàng nghìn tấn cam. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX Hà Phong đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà hàng, siêu thị lớn tại Thủ đô Hà Nội như: Big C, Hapro và duy trì mối quan hệ đối tác tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc, gồm: Hải Phòng, Nam Định, Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Phú Thọ. 

Với quyết tâm nâng tầm giá trị cho cam Cao Phong, HTX  Hà Phong đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, cùng với cam tươi, HTX Hà Phong lần lượt cho ra đời các sản phẩm chế biến từ cam như: nước cam lên men, tinh dầu, mứt, siro, rượu, xà phòng, tinh dầu treo xe. Cam tươi và các sản phẩm làm từ cam của HTX Hà Phong đã được chắp cánh vươn xa.

Đó là những người trẻ chọn hướng khởi nghiệp từ cây cam. Bằng sự năng động, sáng tạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, họ đã sớm trở thành những tỷ phú vùng cam khi   tuổi đời còn rất trẻ và tuổi nghề trồng cam thậm chí còn chưa hết 1 chu kỳ.

Không năng động được như giới trẻ, nhưng những người trồng cam kỳ cựu ở huyện Cao Phong như các ông, bà: Đặng Thị Thu, Nguyễn Đức Mạnh, Nguyễn Đức Huy, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Văn Sơn, Bùi Cảnh Hưng, Phạm Văn Cường ở thị trấn Cao Phong và một số xã lân cận vẫn bền bỉ bám sát định hướng của chính quyền địa phương, tranh thủ sự trợ giúp của các cấp, các ngành hữu quan để phát triển cây cam một cách bền vững. Đầu tư ứng dụng sản xuất an toàn nên chất lượng, giá trị thương hiệu của cam Cao Phong ngày càng được nâng cao. Cam Cao Phong đã có mặt ở các siêu thị lớn như: Big C, VinMart, Metro, BRG..., được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. 

Đầu năm 2023, cam Cao Phong chính thức xuất khẩu chuyến đầu tiên sang Vương quốc Anh với tổng khối lượng khoảng 7 tấn. Đó là dấu ấn đặc biệt và cũng là nguồn động viên, khích lệ lớn để người trồng cam Cao Phong tiếp tục phát triển, nhân rộng thêm những khu vườn bạc tỷ. Tiếp tục khẳng định cam Cao Phong là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình.

Do nhiều vườn cam đã hết chu kỳ khai thác nên đến niên vụ 2024 - 2025, huyện Cao Phong chỉ còn 715,21 ha cam, trong đó, 673,8ha đang trong thời kỳ kinh doanh, 41,41ha trong thời kỳ khai thác cơ bản. Năng suất dự kiến đạt 302 tấn/ha, giá cả ổn định, ước tính trong niên vụ này vẫn có hàng trăm hộ gia đình ở huyện Cao Phong thu bạc tỷ từ những vườn cam.

(Còn nữa)

Thúy Hằng - Viết Đào

Các tin khác


Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ''vùng lõm" hồ Hoà Bình Bài 5: Giải pháp để người dân vùng hồ sông Hòa Bình thoát nghèo

Sau nhiều năm thực hiện các đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác, đời sống người dân vùng hồ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vùng hồ còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân thấp hơn so với mặt bằng chung… Đặc biệt, người dân vẫn thiếu đất sản xuất, thiếu mặt bằng làm nhà ở, điện chưa ổn định, nguy cơ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, thiên tai.

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ‘vùng lõm” hồ Hoà Bình Bài 4: Nhường đất giờ vẫn thiếu đất, đối mặt với thiên tai, trượt sạt

Các xã vùng hồ Thuỷ điện Hoà Bình địa hình chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Hơn 40 năm sau chuyển dân phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định, thường đối mặt với thiên tai, trượt sạt, biến đổi khí hậu.

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá " vùng lõm" hồ Hoà Bình: Bài 3 - “Trả nợ” người dân vùng hồ Hòa Bình

Nhằm hỗ trợ đồng bào vùng chuyển dân sông Đà phục vụ xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình sản xuất, nâng cao đời sống, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nguồn sinh kế. Các chương trình, dự án được triển khai từ năm 1994 đến nay góp phần cải thiện sinh kế, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước đổi thay, đời sống người dân dần được cải thiện.

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ''vùng lõm" hồ Hoà Bình: Bài 2 - Cuộc sống người dân hết sức khó khăn sau di dân

Khi hoàn thành cuộc ngăn sông lịch sử lớn nhất thế kỷ 20, Thủy điện Hòa Bình là bản hùng ca về về ý chí, tinh thần, nghị lực Việt Nam; là những ca từ xúc động trên công trường rộn tiến ca; là khí thế thi công ngày đêm rầm rập vượt tiến độ, đưa công trình vào vận hành khai thác tốt các chức năng điều tiết nước, chống lũ, chống hạn, đảm bảo giao thông đường thủy, phát điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Song cũng là lúc người dân vùng hồ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, co cụm trên núi đồi, hình thành các chòm xóm, hầu hết cách biệt và cô lập…

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá “vùng lõm” hồ Hoà Bình: Bài 1 - Cuộc chuyển dân lịch sử phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình

Công trình Thủy điện Hòa Bình là một kỳ tích được tạo dựng bằng ý chí, quyết tâm, mồ hôi, công sức của cán bộ, Nhân dân cả nước trong hành trình trị thủy, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước thành dòng năng lượng điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - điện đại hóa đất nước. Đến nay, sau hơn 40 năm thực hiện cuộc di dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều nơi đã tiến xa nhưng vẫn còn những vùng trũng, khoảng tối trong cuộc sống người dân vùng hồ từng "hy sinh" rất lớn phục vụ công trình thế kỷ.

Thực hiện lời hứa với dân, quyết sách các vấn đề tạo động lực phát triển - thực tiễn từ tỉnh Hòa Bình: Bài 5 - Quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Để nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp phụ thuộc vào hoạt động của mỗi đại biểu dân cử. Mỗi đại biểu trên địa bàn tỉnh đã và đang khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Hoà Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục