Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế là tác phẩm: "Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949. Trong đó Người nhấn mạnh: "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh” và "Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to… thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc”. Khắc sâu lời dạy của Người, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, từ thanh niên đến người cao tuổi, từ nông dân đến trí thức… đã nỗ lực "mỗi ngày làm một việc tốt” nhỏ bé mà ý nghĩa thiết thực để cùng chung tay xây dựng bản làng, quê hương. Hàng nghìn tấm gương gần gũi, bình dị là điển hình trên tất cả các lĩnh vực, đời sống đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trên đất Mường Hòa Bình.


Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, thành phố Hòa Bình (thứ 2 bên phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác rau an toàn.

Trong "Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” nhân dịp Tết Nguyên đán 1946, Bác Hồ viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người luôn dành nhiều tình cảm, sự yêu thương và tin tưởng vào thế hệ trẻ "người chủ tương lai của nước nhà”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, tuổi trẻ Hoà Bình ra sức rèn đức, luyện tài, hăng hái góp sức trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xung kích, đoàn kết xây dựng quê hương Hoà Bình ngày càng giàu đẹp.

Lời Bác dạy là "kim chỉ nam”

Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: "Tỉnh Đoàn Hòa Bình luôn đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện việc học tập và làm theo Bác với những công trình, phần việc cụ thể. Những năm gần đây, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được đẩy mạnh, có chiều sâu; tích cực đem nhiệt huyết của tuổi trẻ để lan tỏa giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng, xã hội, thực hiện tốt những lời dạy, chỉ bảo của Bác”.

Hoạt động xung kích của thanh niên tập trung vào những mũi nhọn mà công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra. Các hoạt động thanh niên tình nguyện hướng vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn của cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; những công trình, phần việc có ý nghĩa từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của ĐVTN đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã hoàn thành 2 công trình thanh niên cấp tỉnh, trong đó có 17 công trình "Đoạn đường giao thông nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp”, 24 công trình "Nhà nhân ái”; 23 công trình thanh niên cấp huyện; gần 180 công trình thanh niên cấp cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động an sinh xã hội, thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả. Toàn tỉnh có trên 120 nghìn lượt ĐVTN tham gia triển khai 104 hoạt động tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội. Có 6 thôn, xóm đặc biệt khó khăn được ĐVTN tham gia hỗ trợ để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Cùng với các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi), hàng nghìn lượt thanh niên trong tỉnh đồng loạt ra quân, xung kích, trách nhiệm vì cộng đồng. Tất cả đã tạo nên hình ảnh đẹp về "thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”.

Đặc biệt, để xứng đáng là "những người chủ tương lai của đất nước”, thanh niên Hòa Bình đã nỗ lực, tiên phong thi đua khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới. Những tấm gương thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp thành công là minh chứng cho tinh thần, ý chí quyết tâm học tập và làm theo lời Bác "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.

Hạnh phúc khi được góp sức xây dựng quê hương

Từ TP Hòa Bình, ngược theo con dốc quanh co, chúng tôi lên xã vùng cao Độc Lập tìm gặp chàng thanh niên trẻ Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Độc Lập. Anh Kiên là 1 trong 2 điển hình tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024. Trước đó, anh vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2019 - 2021, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước năm 2023; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho cá nhân có thành tích trong các phong trào nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra"Lời kêu gọi thi đua ái quốc”…

Vừa trở về sau buổi thăm đồng, tư vấn kỹ thuật chăm sóc rau màu vụ đông cho bà con, anh Kiên chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở xóm Nội, xã Độc Lập (TP Hòa Bình), tôi luôn đau đáu với câu chuyện đồng đất quê hương trù phú mà bà con cấy lúa chỉ đủ ăn, nghèo mãi hoàn nghèo. Do đó, tốt nghiệp Khoa Dân tộc học, Đại học Văn hóa nhưng mang trong mình "máu” đam mê nông nghiệp, nên tôi bắt đầu công việc tại Công ty Bảo vệ thực vật 1 Trung ương. Sau 2 năm làm việc tại công ty để tích lũy kiến thức, kỹ năng, xây dựng các mối quan hệ với tư thương, tôi trở về quyết tâm khởi nghiệp trên quê hương. Tôi mạnh dạn thử nghiệm đưa giống bí xanh Nova về Độc Lập và một số xã lân cận. Thực tế cho thấy cây bí xanh phù hợp với đồng đất Độc Lập và các xã lân cận như Đú Sáng (Kim Bôi), cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Để đảm bảo kinh tế cho gia đình cũng như theo đuổi đam mê nông nghiệp, tôi mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật.

Bằng những kiến thức, kinh nghiệm đã học được, anh Kiên trực tiếp đến các hộ để tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm kiếm thị trường đầu ra bao tiêu sản phẩm. Nhằm tạo dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định, tránh trường hợp nông dân bị thương lái ép giá, anh vận động một số hộ thành lập HTX. Tháng 11/2020, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập được thành lập. Từ 10 thành viên ban đầu với diện tích sản xuất bí xanh chỉ 3,5ha, đến nay, HTX đã có 100 thành viên, diện tích sản xuất 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 30ha theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của địa phương, HTX đẩy mạnh phát triển chăn nuôi dê, gà. Việc tham gia HTX đã giúp đầu ra cho sản phẩm của bà con được đảm bảo. Anh kết nối với các tư thương cung cấp nông sản cho nhiều chợ đầu mối ở Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội… Hiện anh tiếp cận và giới thiệu sản phẩm rau an toàn Độc Lập cho các siêu thị như Đức Thành, Vinmart. Đặc biệt, nỗ lực của anh đã góp phần quan trọng giúp xã Độc Lập chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đất trồng lúa một vụ sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước xây dựng được thương hiệu rau an toàn cho xã vùng cao Độc Lập.

 Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh Nguyễn Trung Kiên chia sẻ thêm: "Tôi mong muốn từ chính thực tế, những nỗ lực và kết quả đạt được của mình sẽ lan toả, truyền cảm hứng vượt khó vươn lên phát triển kinh tế cho ĐVTN cũng như bà con trong xã. Từ một hộ nghèo, người trẻ chưa có tiếng nói, tôi mạnh dạn khởi nghiệp. Đã có thất bại khi chưa có kinh nghiệm nhưng tôi không từ bỏ hay nản lòng mà luôn cố gắng, kiên trì học hỏi, rút ra bài học để trưởng thành hơn. Tôi rất hạnh phúc khi được góp một phần sức lực nhỏ bé cho sự đổi thay của mảnh đất quê hương. Mong các bạn trẻ nếu có thể thì không cần phải đi làm ăn xa, hãy cố gắng làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình và luôn khắc sâu lời Bác dặn "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.


(Còn nữa) 


Nhóm P.V

Các tin khác


Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 3 - Thách thức sau giai đoạn phát triển “nóng”

Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Giai đoạn 2014 - 2017, cam Cao Phong là thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản, nhiều hộ trồng cam đã trở thành tỷ phú. Do đó người người, nhà nhà đổ xô đi mua đất hoặc phá bỏ cây trồng khác để trồng cam. Hết chỗ bằng phẳng, cam được trồng trên sườn đồi, dốc núi, bờ ao... Vì thế diện tích cam tăng chóng mặt. Đến năm 2018, diện tích cam của huyện Cao Phong tăng lên trên 3.000 ha, gấp đôi năm 2014. Theo quy luật, phát triển "nóng” ắt nảy sinh những hệ lụy nhãn tiền!

Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 2 - Cây cam lên ngôi trên đất Cao Phong

Năm 2013, toàn huyện Cao Phong có trên 160 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 16 hộ thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng nhờ cam, quýt. Thời điểm này, bình quân 1 ha cam, quýt cho giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng. Những con số thống kê của hơn 10 năm về trước cho thấy hiệu quả kinh tế mà cây cam đem lại đối với người trồng cam tại huyện Cao Phong, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2017. Thành quả có được khi Hoà Bình đã xây dựng thành công thương hiệu Cam Cao Phong.


Phát triển bền vững thủ phủ cam cao phong: Bài 1 - Cây cam bén duyên với đất Cao Phong

Hơn nửa thế kỷ hiện diện qua bao thăng trầm, rồi trụ vững trên đồng đất Mường Thàng với thương hiệu Cam Cao Phong nức tiếng gần xa. Những năm gần đây, cam Cao Phong định hình lại hướng đi, tổ chức lại sản xuất như một lẽ tất yếu, nhất là sau giai đoạn phát triển "nóng” với nhiều bất cập.

Bản “không chồng” trên đỉnh núi mờ sương

Đêm cuối thu, trên con đường vào bản Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) hun hút như đi sâu vào lòng núi. Đâu đó vọng lên tiếng khóc hờ ai oán giữa bốn bề mờ sương...

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ''vùng lõm" hồ Hoà Bình Bài 5: Giải pháp để người dân vùng hồ sông Hòa Bình thoát nghèo

Sau nhiều năm thực hiện các đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác, đời sống người dân vùng hồ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vùng hồ còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân thấp hơn so với mặt bằng chung… Đặc biệt, người dân vẫn thiếu đất sản xuất, thiếu mặt bằng làm nhà ở, điện chưa ổn định, nguy cơ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, thiên tai.

Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xoá ‘vùng lõm” hồ Hoà Bình Bài 4: Nhường đất giờ vẫn thiếu đất, đối mặt với thiên tai, trượt sạt

Các xã vùng hồ Thuỷ điện Hoà Bình địa hình chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Hơn 40 năm sau chuyển dân phục vụ công trình Thủy điện Hòa Bình, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định, thường đối mặt với thiên tai, trượt sạt, biến đổi khí hậu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục