Đêm cuối thu, trên con đường vào bản Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) hun hút như đi sâu vào lòng núi. Đâu đó vọng lên tiếng khóc hờ ai oán giữa bốn bề mờ sương...
Con trai đi tù vì ma túy, con dâu bỏ đi lấy chồng khác, hai vợ chồng già Sùng A Lứ ở bản Thung Mài, xã Hang Kia (Mai Châu) trở thành điểm tựa cho 2 cháu nhỏ.
Chuyện của Phếnh
Định thần. Rồi cũng chỉ dám ghé tai Đại úy Vàng A Hua, Phó trưởng Công an xã Hang Kia dè dặt hỏi. Sau tiếng thởi dài Hua bảo, đó là tiếng khóc của Phếnh. Từ ngày chồng của Phếnh là Khà A Dơ bị bắt và chịu án phạt 17 năm tù về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy”, 2 đứa con lớn của Phếnh không chịu được nỗi tủi hổ đã bỏ nhà đi đâu không rõ. Giờ trong ngôi nhà chênh chếch góc núi chỉ còn Phếnh với cậu con trai út năm nay lên 10. Mới đó cũng đã 5 năm rồi. Hầu như đêm nào, nơi góc núi cũng vọng lên tiếng khóc nỉ non, ai oán của người đàn bà không chồng.
Nói về tuổi, Vàng Y Phếnh chỉ vừa bước qua 40. Nhưng cái khổ, cái tủi và cả những tiếng khóc tủi hờn hàng đêm trong nỗi nhớ chồng, nhớ con, thương cho phận mình đã kéo Phếnh vụt nhanh qua thời xuân sắc. Trước mặt chúng tôi Phếnh như cái cây đang dần khô héo với khuôn mặt già đanh, góc cạnh như đá núi. Nỗi buồn khổ đâu đó còn len trong cả nụ cười... Trò chuyện với Phếnh như chạm tới tận cùng nỗi đau. Từ ngày chồng bị bắt, 2 đứa con lớn bỏ đi biệt xứ, chẳng có đêm nào Phếnh ngủ ngon giấc. Nhiều đêm đang ngủ, giật mình tỉnh giấc lại thao thức cả đêm. Để không phải tỉnh giấc lúc nửa đêm, nhiều khi Phếnh làm việc cật lực trên nương cả ngày cho đến khi mệt nhoài, về đến nhà cũng là lúc con gà lên chuồng. Thế nhưng, nhiều khi lên giường nhắm mắt lại, hình ảnh chồng và con lại hiện về. Thế là những đêm dài thức trắng của Phếnh lại nối tiếp.
Người Mông thường bảo "nhà vắng người đàn ông, người phụ nữ sẽ trở thành con trâu, cái cột”. Điều đó như vận vào cuộc đời của Phếnh. Năm 15 tuổi Phếnh bị Khà A Dơ "bắt” về làm vợ. Sống và có với nhau 3 mặt con, nhưng cuộc đời của Phếnh chưa bao giờ hết khổ. Nhà nghèo, con đông nên cả hai vợ chồng phải cố gắng hết sức, gùi từng nắm đất bỏ vào hốc đá tai mèo sắc lẹm ở mãi đỉnh núi nơi cuối trời Hang Kia. Thương vợ, thương con, trong cái nghèo cùng cực Khà A Dơ đã liều mình đi vận chuyển ma túy thuê cho những ông trùm giấu mặt. Ngay trong chuyến hàng đầu tiên, Khà A Dơ bị bắt quả tang. Với 1 bánh heroin giấu trong người, Khà A Dơ bị xử phạt 17 năm tù. Ngày Khà A Dơ bị bắt, cậu bé Khà A Chư mới 5 tuổi. Đến giờ, sau 6 năm ký ức, hình ảnh về người cha chỉ là những hình ảnh còn lưu lại trong chiếc điện thoại cũ. Mỗi lần nhớ cha, cậu lại mở ra để rồi cả hai mẹ con lại nức nở nơi góc bếp mong cho đến những ngày tháng yên bình, trong ngôi nhà gỗ nhỏ chênh vênh bên sườn núi đủ đầy hơi ấm, có tiếng nói, cười của những người đi xa trở về...
Chuyện của già Lứ
Ở bản Thung Mài của xã Hang Kia có lẽ chẳng ai khổ như già Sùng A Lứ. Tính ra năm nay vợ chồng già Lứ cũng ngót nghét tuổi 70. Những tưởng được vui hưởng tuổi già quây quần bên con cháu, nhưng những cái chép miệng thở dài của đôi vợ chồng già đã đưa chúng tôi trở về thực tại. Dù tuổi đã cao nhưng hai vợ chồng già Lứ vẫn phải leo đồi, làm nương nuôi 2 đứa cháu nội lên 2, lên 3. Bởi con trai của già trong cơn mụ mị vì đồng tiền đã theo chúng bạn đi buôn ma túy và phải chịu mức án tù chung thân. Ngay sau khi chồng bị bắt và bị tuyên phạt mức án cao, cô con dâu để lại 2 đứa con nheo nhóc cho vợ chồng già, lặng lẽ bỏ đi biệt xứ. Qua dò hỏi, vợ chồng già biết con dâu phiêu bạt lên mãi mạn Lào Cai, vừa rồi đã tìm được cho mình một người chồng mới, có lẽ không bao giờ trở về vùng đất Hang Kia gian khó này nữa...
Không có điểm tựa, 4 con người của nhà già Lứ gồm 2 già, 2 trẻ nương tựa, đắp đổi cùng nhau qua những ngày gian khó. Nhưng với hai vợ chồng già, đó chưa phải là điều đáng sợ, mà điều đáng lo nhất là khi già khuất núi, những đứa cháu côi cút biết nương tựa vào ai. Thấm những giọt nước mắt như đặc quánh trên khuôn mặt nhăn nheo thống khổ, già Lứ nói mà cứ như khóc: Con trai thì đi tù vì miếng cơm manh áo, con dâu thì bỏ đi biệt xứ. Tôi mong bà con dân bản lấy đây làm bài học, biết sống chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật. Đừng để lũ trẻ được sinh ra nhưng không được nuôi dạy nên người.
Đó không chỉ là nỗi lòng của vợ chồng già Lứ mà còn là nỗi niềm, sự trăn trở của nhiều người làm cha, làm mẹ luôn ngậm ngùi, giấu sâu vào tận đáy lòng mỗi khi nghĩ đến nỗi đau mà ma túy mang đến cho con cháu mình, cho thung lũng Hang Kia này... Nói như anh Vàng A Váu, Bí thư Đảng uỷ xã Hang Kia: Khi gia đình mất đi trụ cột là người cha, người chồng thì người phụ nữ và người già trong gia đình đó rất vất vả, con cái bơ vơ, thống khổ. Với gia đình có người thân phạm tội về ma tuý, nỗi đau lớn nhất là những đứa trẻ sinh ra không có điểm tựa khi bố đi tù, mẹ bỏ đi biệt xứ hoặc đi lấy chồng khác. Đáng buồn là điều này đang xảy ra ở nhiều gia đình trong xã.
Vì ma túy, nhiều người phụ nữ ở Hang Kia (Mai Châu) phải sống trong cảnh "không chồng”.
Và chuyện của bản Mông
Ngược về thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi cây thuốc phiện bị phá bỏ, nhưng cơn mộng mị về thứ "ma dược" chết người vẫn không giảm. Từ năm 1997, ở xã Hang Kia bắt đầu xuất hiện hoạt động mua bán trái phép chất ma túy. "Cơn gió độc” này đã nhấn chìm cuộc sống người dân ở thung lũng Hang Kia, làm quên đi những mùa nương rẫy bội thu. Cuộc sống bình yên giữa đại ngàn bỗng chốc nóng lên bởi những người không làm chủ được mình vùi sâu vào con đường tội lỗi... Với địa thế gần đường biên, ma túy được vận chuyển từ nước ngoài vào địa bàn, sau đó được các đối tượng người Mông ở đây móc nối và hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Trước năm 2009, trong 13 bản của 2 xã Hang Kia, Pà Cò thì có đến 8 bản là "điểm nóng” về tội phạm ma túy. Trong đó, với địa thế biệt lập, bốn bề xung quanh là núi cao, đường đi khó khăn, hiểm trở đã đưa Hang Kia thành một "đại bản doanh” của những "ông trùm” ma túy khét tiếng như Vàng A Khua, Vàng A Sùng, Vàng A Dơ...
Theo thống kê của lực lượng Công an, tính đến tháng 10/2024, cả xã Hang Kia có 120 người đang chấp hành án về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy thì xóm Hang Kia chiếm gần 1/2, số còn lại chia đều cho các xóm. Hầu hết những người bị bắt về tội liên quan đến ma túy đều bị xử phạt mức án rất cao, trong đó, hàng chục đối tượng bị tuyên án tử hình, còn lại mức án từ 18 - 20 năm hoặc chung thân. Trước "cơn bão” ma túy hoành hành, lực lượng công an đã vào cuộc. Giữa đại ngàn Hang Kia là cuộc chiến khốc liệt giữa những "người lính chiến thời bình” với tội phạm ma túy. Có nhiều trận đánh làm rung chuyển núi rừng, buộc những tên "cáo già”, những "ông trùm” ma túy phải đền tội và có những người lính trẻ đã hy sinh để giành lại bình yên cho từng mái nhà, cho mỗi con người ở vùng đất này... Tuy không còn là điểm nóng về ma túy, nhưng hiện Hang Kia vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp về tội phạm ma túy. Vẫn còn những kẻ như con thiêu thân lao vào ngọn lửa ma túy, để lại sau lưng những tiếng khóc hờ nỉ non, ai oán của những người đàn bà "không chồng”; ánh mắt buồn của những đứa trẻ với ước mong gia đình có bố, có mẹ trong màn sương nơi cuối trời...
Phóng sự xã hội của Mạnh Hùng
Công trình Thủy điện Hòa Bình là một kỳ tích được tạo dựng bằng ý chí, quyết tâm, mồ hôi, công sức của cán bộ, Nhân dân cả nước trong hành trình trị thủy, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước thành dòng năng lượng điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - điện đại hóa đất nước. Đến nay, sau hơn 40 năm thực hiện cuộc di dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều nơi đã tiến xa nhưng vẫn còn những vùng trũng, khoảng tối trong cuộc sống người dân vùng hồ từng "hy sinh" rất lớn phục vụ công trình thế kỷ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp phụ thuộc vào hoạt động của mỗi đại biểu dân cử. Mỗi đại biểu trên địa bàn tỉnh đã và đang khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Hoà Bình.
Khi được cử tri tin tưởng bầu chọn, các đại biểu đều quyết tâm thực hiện lời hứa để xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, sự tin tưởng của Nhân dân. Thực hiện lời hứa với Nhân dân là nhiệm vụ đau đáu đối với mỗi người đại biểu dân cử tỉnh Hoà Bình.
Với quan điểm "lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân”, "vấn đề được lựa chọn chất vấn phải đúng và trúng, vừa có tính thời sự, gắn với đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan chức năng”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh Hoà Bình đã đưa lên nghị trường đầy ắp tiếng dân.
Những năm qua, các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp tỉnh Hòa Bình đã gắn với vấn đề nóng, bức xúc được cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. Các vấn đề đã được xem xét, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định. Đại biểu dân cử quyết tâm theo đuổi, bám sát đến cùng đối với những kiến nghị chính đáng của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, xác định được vị thế, trọng trách của mình, Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp tỉnh Hoà Bình có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, xứng đáng là người đại biểu dân cử (ĐBDC), đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng, Nhân dân giao phó.