Với nhiều cựu chiến binh từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù cho bao năm trôi qua thì trong tâm trí họ vùng đất Yên Thủy luôn là "Km số 0” của những đoàn quân Nam tiến. Sau thời gian huấn luyện, từ vùng đất này những chàng trai "vai đồng, chân sắt, ý chí thép” đã tiến thẳng vào chiến trường...


Ông Bùi Văn Ngằm (phải) ở xóm Phủ Vệ, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy kể chuyện giúp đỡ tân binh huấn luyện tại địa phương trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.

Cùng với Yên Trị, xã Đoàn Kết là nơi xuất phát của những đoàn quân Nam tiến. Với ý nguyện muốn tìm hiểu sâu hơn về thời kỳ các đơn vị bộ đội tổ chức huấn luyện tân binh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi được đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết: Không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mà ngay từ thời chống Pháp địa phương đã được cấp trên lựa chọn làm nơi huấn luyện tân binh; tổ chức diễn tập bắn đạn thật phục vụ chiến trường. Là vùng giải phóng nên ngay từ những năm 1947 - 1948, xã Đoàn Kết đã được chọn để trở thành một trong những căn cứ hậu cần quan trọng phục vụ cho chiến đấu của ta. Trong đó, thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào năm 1950, xã vinh dự được Khu ủy Khu 3 chọn làm nơi tổ chức hội nghị Khu ủy để họp bàn công tác kháng chiến tại hang Trâu trên núi Bai Bương. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã còn là nơi đóng quân, tổ chức huấn luyện bộ đội cho các mặt trận. Đặc biệt, tháng 11/1953, xã Đoàn Kết vinh dự được Tổng Quân ủy lựa chọn làm nơi "thử lửa” các khẩu sơn pháo từ 75 - 105mm thông qua cuộc tập trận của các đơn vị bộ đội Liên khu 3 phối thuộc với Sư đoàn 320 để chuẩn bị cho cuộc quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Cuộc tập trận này diễn ra liên tục trong 7 ngày tại Đồng Tưa - Cửa Lũy. Đây cũng là lần đầu tiên bộ đội ta sử dụng trọng pháo và bắn đạn thật.

Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bắt đầu từ năm 1965, xã Đoàn Kết đã tổ chức tiếp nhận các đơn vị quân đội về đóng quân và tổ chức huấn luyện tân binh. Trong năm 1970, xã đón 1 tiểu đoàn về đóng quân và tổ chức huấn luyện tân binh. Thời kỳ này, do chưa xây dựng được lán trại nên người dân đã đón bộ đội về ở cùng. Nhớ lại thời kỳ đó, ông Bùi Văn Ngằm, năm nay đã hơn 80 tuổi ở xóm Phủ Vệ, xã Đoàn Kết cho biết:Thời điểm đó, 100% hộ dân trong xã đều có bộ đội về ăn, ở cùng. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng, 6 tháng, những người lính lại lên đường vào Nam chiến đấu. Thời kỳ cao điểm nhất, vào những năm 1970 - 1972, khi đó xã nhiều lần tổ chức tiếp đón bộ đội về huấn luyện. Mỗi đợt có hàng nghìn người, mỗi nhà có đến cả tiểu đội ở cùng. Thời kỳ này, bộ đội với người dân như là một. Bộ đội về đây đều được các gia đình coi như con, cháu trong nhà. Những lúc rảnh rỗi sau ngày huấn luyện, bộ đội lại tham gia giúp dân việc đồng áng, cấy hái. Thời kỳ đó, anh em ai cũng muốn nhanh chóng lên đường ra mặt trận nên ai cũng hăng say huấn luyện. Các anh được huấn luyện về chiến thuật chiến đấu bộ binh từ bắn súng B40 tiêu diệt xe tăng, bắn súng, sử dụng bộc phá... "Sau mỗi đợt huấn luyện, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng lần nào cũng vậy, trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, các gia đình đều tổ chức làm bữa cơm chia tay. Chẳng có gì nhiều, chỉ là cải thiện hơn so với bình thường, ấy thế mà bịn rịn, tình cảm lắm. Chẳng vậy mà đến nay, thi thoảng vẫn có người trở về tìm đến những gia đình đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc trong thời kỳ huấn luyện tân binh...”, ông Bùi Văn Ngằm cho biết thêm.

Cho đến bây giờ cũng chưa có số liệu thống kê chính thức là từng có bao nhiêu tân binh được huấn luyện ở Yên Thủy trước khi vào Nam chiến đấu. Nhưng trong những trang sử của vùng đất này đã ghi: "Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ Yên Thủy đã có lớp lớp cán bộ, chiến sỹ sau khi kết thúc thời gian huấn luyện tân binh đã lên đường vào Nam chiến đấu. Và trong thời kỳ đó, nhân dân các dân tộc huyện Yên Thủy đã ra sức đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Yên Thủy đã đóng góp, cung cấp 3.793 tấn lượng thực, 1.149 tấn thực phẩm, 672 tấn đậu tương, 379 tấn lạc và 575 tấn thuốc lá; đào đắp 18.812 hầm, hố cá nhân cùng với 80.795m giao thông hào phòng tránh máy bay; huy động 634.000 ngày công phục vụ nhu cầu quốc phòng”. Với những đóng góp to lớn đó, cho đến nay Yên Thủy vẫn luôn tự hào là một trong những vùng đất "Km số 0” của những đoàn quân Nam tiến hướng về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây vừa tròn 50 năm.


Hùng Mạnh


Các tin khác


Hân hoan niềm tự hào

Những ngày tháng Tư, không khí hào hùng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hòa cùng cả nước, người dân thành phố Hòa Bình cũng thể hiện tình yêu nước bằng những hành động ý nghĩa và thiết thực. Trong những hành động ấy, dù nhỏ bé hay lớn lao đều chứa đựng niềm hân hoan của tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và khát vọng hoà bình. 

Mở đường - mở kỳ vọng mới: Bài 2 - Đánh thức những tầng địa mạch

Có những con đường không chỉ mở qua núi, mà mở cả vận mệnh một vùng đất. Những mũi khoan thăm dò đầu tiên vang lên giữa sương mù Tây Bắc như gọi dậy những tầng địa mạch đã ngủ yên bao đời trong lòng đá. Hòa Bình đang chứng kiến một cuộc chuyển mình ngoạn mục, nơi mà hạ tầng giao thông không còn là khái niệm quy hoạch - mà trở thành thực thể sống, len lỏi đến từng xóm núi, bản sâu, từ thành phố bên sông Đà tới những sườn đèo Hang Kia, Cun Pheo.

Mở đường - mở kỳ vọng mới: Bài 1 - Tư duy mở đường, tầm nhìn mở lối

Trong 5 năm qua, hàng loạt con đường đã được nối dài. Những cây cầu vươn mình qua sông, qua suối, phá thế chia cắt của núi rừng Hòa Bình. Từ cao tốc hiện đại đến các tỉnh lộ xuyên qua bản làng, mỗi công trình giao thông mang trong mình một sứ mệnh: mở đường để phát triển, khai mở tương lai cho một vùng đất từng nhiều năm "đứng sau". Phía sau những con số hàng nghìn tỷ đồng đầu tư là sự chuyển mình từ tầm nhìn chiến lược - giao thông đi trước một bước. Chủ trương ấy không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng, mà còn thổi luồng sinh khí mới đến các vùng quê, từ miền núi đến đô thị. Đường mở, đời sống khởi sắc, du lịch có cơ, đầu tư có lối - Hòa Bình bước vào giai đoạn phát triển mới với hạ tầng giao thông làm lực đẩy.

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài cuối: Ta xây lại đất nước đẹp hơn

Những ngày tháng Tư năm 2025, mỗi người con đất Việt đều cảm nhận giá trị thiêng liêng của non sông một dải.

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 4: Lời hẹn ước sắt son

Để hiện thực khát vọng đất nước thống nhất, cả triệu người con ưu tú ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tù đày. Giữa sự khốc liệt đó có những tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc.

Cho Tổ quốc đứng lên - Bài 3: Vui sao nước mắt lại trào

Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm cấp quốc gia chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng 4/2025, hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại bay tập luyện chuẩn bị trình diễn, tiếng động cơ tiêm kích rền vang bầu trời phương Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục