Người dân Mường Bi tổ chức Lễ hội khai hạ hàng năm để tỏ lòng tôn kính đối với những người đã có công lập đất, lập mường

Người dân Mường Bi tổ chức Lễ hội khai hạ hàng năm để tỏ lòng tôn kính đối với những người đã có công lập đất, lập mường

Phần I: Chuyện lập đất, lập Mường

(HBĐT) - Chiều buông dần trên trên con đường làng. Ánh nắng nhàn nhạt sau rặng tre. Đây đó vương vấn làn khói mảnh mai từ những đụn rơm sau mùa gặt. Tiếng mõ trâu lách cách về chuồng... Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.

 

Trở lại xóm Lầm lần này, chúng tôi có mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của những người dân ở vùng đất cổ của người Mường – Nơi được coi là một trong những cái nôi của người Mường, làng Mường và văn hóa Mường Hòa Bình.

 

Để bắt đầu câu chuyện, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Ểu - một già làng, một người hiểu khá rõ về vùng đất này cũng như những phong tục tập quán, những câu chuyện về vùng đất cổ Mường Bi. Sau khi rót nước mời khách, ông Ểu giục vợ, con chuẩn bị bữa tối.

 

Người Mường ở Hòa Bình rất hiếu khách. Mỗi khi có khách quý đến nhà chơi là họ phải mời bằng được khách ở lại dùng cơm. Người Mường thường có câu: “Trâu ra đồng ăn cỏ, khách đến nhà ăn cơm”. Và họ coi đó lẽ đương nhiên trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hàng ngày.

 

Bữa cơm nhanh chóng được dọn ra. Trên mâm cơm có đủ các món thịt lợn luộc, cá rán, rau đồ, măng luộc… Ông Ểu bảo: Tất cả thực phẩm đều có sẵn trong nhà, do gia đình tự làm ra và thu hái được từ thiên nhiên.

Ở Hòa Bình có bốn vùng Mường lớn là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động. Không phải ngay từ buổi đầu lịch sử, dân tộc Mường đã có tộc danh như ngày nay. Và đương nhiên trước đây, người Mường cũng không dùng danh từ này làm tên gọi cho dân tộc mình. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Từ Chi, Mường là từ dùng để chỉ một vùng cư trú của đồng bào bao gồm nhiều làng. Mỗi vùng được đặt dưới sự cai quản của một nhà Lang. Từ đó được phân thành bốn vùng Mường lớn là: Nhất Bi, nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động.

 

TMường vốn là từ mương đồng bào dùng để chỉ nơi cư trú chứ không liên quan gì đến tộc danh ngày nay của mình. Mặc dù vậy, cùng sự biến động của lịch sử cũng như quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá với các dân tộc anh em khác, cho đến nay, “Mường” đã được đồng bào chấp nhận và coi đó là tộc danh của mình, và hiển nhiên, họ tự nhận mình là người Mường như ngày nay. Do đó, Mường đã trở thành tên gọi chính thức và duy nhất của tộc người này để phân biệt với các dân tộc khác.

 

Nói về việc hình thành người Mường và bản Mường, ông Ểu kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về “Đẻ đất, đẻ nước”. Do người Mường không có chữ viết riêng nên các câu chuyện đều tồn tại thông qua việc truyền miệng, từ đời này qua đời khác, người già kể cho con cháu nghe và cứ thế lưu truyền cho đến nay. Truyền thuyết kể lại rằng: Thuở xưa, khi con người chưa xuất hiện, trời làm hạn hán, cây cối khô mà chết, rồi trời lại mưa. Một trận mưa to chưa từng thấy. Nước chảy thành suối, thành sông. Đất lở bồi thành đồng bằng. Đá lăn chất đầy thành gò, thành đống, thành đồi, thành núi. Từ dưới đất mọc lên một cây si (tiếng Mường gọi là cây Pi). Cây si lớn như thổi trở thành to lớn, cành lá che kín cả bầu trời. Cây si bị sâu đục ăn làm cho gãy cành rụng lá. Từ gốc cây si đẻ ra một đôi chim. Chim Ây là đực, Chim Ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ. Cành si gãy. Chim bay lên cây đa làm tổ. Cây đa đổ. Chim Ây và Ứa lại rủ nhau bay lên núi đá lấy cỏ làm thành tổ Hang Hao. Chim Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng. Trứng chim nở ra thành muôn loài muôn vật. Còn lại một trăm cái trứng thì nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh. Nhớ ơn cây si, người Mường đã đặt cho vùng đất này là Mường Pi. Về sau người ta gọi trệch ra thành Mường Bi.

 

Hàng năm, cứ sau dịp đầu xuân, sau Tết nguyên đán, người Mường Bi lại tổ chức Lễ hội khai hạ. Lễ hội là dịp để người dân Mường tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh; là nơi để con người cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển; là nơi gặp gỡ, giao lưu, gạt bỏ những lo toan, vất vả trong cuộc sống thường nhật, để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Có lẽ điều quan trọng hơn cả là trong Lễ hội, mọi người cùng nhau viết tiếp câu chuyện của vùng đất cổ Mường Bi.

 

Đêm xuống, vùng đất Mường Bi trở nên thanh bình như cuộc sống thường nhật vốn có của nó. Ánh trăng dìu dịu quạt mát giấc ngủ của những người dân chất phác. Và câu chuyện người Mường Bi lập đất, lập làng mà ông Ểu kể cho nghe cũng đã theo chúng tôi vào giấc mơ đầy sắc màu huyền thoại.

 

 

> Phần II: Một ngày ở đất cổ Mường Bi

 

                                                                                          Ngọc Vinh

 

Các tin khác


Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Bài 1 - Giá trị trường tồn của Mo trong đời sống người Mường xưa và nay

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là Mo Mường. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường. Hiện nay, Chính phủ đã gửi hồ sơ Mo Mường để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa di sản Mo Mường vươn tầm thế giới. 

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục