Cuộc sống của người dân trong vùng lõi Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đang được cải thiện

Cuộc sống của người dân trong vùng lõi Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đang được cải thiện

(HBĐT) - Bao lần nhỡ hẹn, cuối cùng tôi với anh Đức Hà, một nhà nghiên cứu sinh vật học mới thu xếp được thời gian để đến với vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò nằm trên địa bàn huyện Mai Châu.

Suốt dọc tuyến đường lên Tây Bắc, anh không ngớt lời ngợi ca cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Anh bảo: Mặc dù đã nhiều lần được đặt chân đến vùng núi cao này, thế nhưng trong anh luôn có một cảm giác mới lạ. Từ trên đỉnh thung Khe nhìn về hướng thị trấn Mai Châu, chúng tôi thầm cảm phục những người đi mở cõi năm xưa khéo chọn một thung lũng đẹp và trù phú để định cư. Những ngọn núi xanh quanh năm mây trắng vờn quanh xếp san sát nhau bao bọc lấy một vùng thung lũng với những bản làng ấm áp, ruộng vườn tươi tốt.

 Sau khi đã vượt qua những cung đèo ngoạn mục uốn lượn quanh sườn núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến: Cửa rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò. Nằm ngay gần đường Quốc lộ 6 nối liền Tây Bắc với miền đồng bằng Bắc bộ, khó ai có thể hình dung được nơi đây vẫn còn tồn tại những cánh rừng với thân cây to hai, ba người ôm không xuể, ngọn cây phải ngửa hẳn cổ mới nhìn thấy được. Tôi thấy nhà nghiên cứu sinh vật học Đức Hà lộ rõ sự xúc động khi được đứng giữa đại ngàn Tây Bắc, hít thở sự thanh khiết của thiên nhiên. Gương mặt của anh toát lên vẻ háo hức, chờ đợi, khám phá những điều bí ẩn, thiêng liêng ở Khu bảo tồn này.

Anh Nguyễn Mạnh Dần, Trưởng Ban Quản lý Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò giới thiệu cho chúng tôi hiểu khái quát về Khu bảo tồn. Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, Khu bảo tồn có tổng diện tích 5.258 ha, nằm trên độ cao từ 800 – 1.500 m, trải dài trên địa phận của 6 xã thuộc huyện Mai Châu, gồm: Pà Cò, Hang Kia, Tân Sơn, Bao La, Cun Pheo và Piềng Vế. Hầu hết Khu bảo tồn nằm trên núi đá vôi điển hình, có tính đa dạng sinh học cao. Từ những năm 1986, Hang Kia – Pà Cò đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng và đến năm 1997 được chuyển đổi thành Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN). Đây là một trong số những điểm quan trọng trong cả nước còn lưu giữ được nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Trong buổi Hội thảo khoa học “Đa dạng sinh học ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò” do Trung Tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Ban Quản lý Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò tổ chức trong tháng 8 vừa qua, nhiều nhà khoa học đã công bố những kết quả điều tra và nghiên cứu của mình về hệ sinh thái động, thực vật của Khu bảo tồn. Theo đó, tổng số loài thực vật hiện có ở đây lên đến 877 loài, thuộc 498 chi của 153 họ, 6 ngành thực vật. Trong đó có khá nhiều loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới IUCN. Điển hình là các loài loài cây lá kim quí hiếm như Thông Pà Cò, Thông đỏ, Pơ mu, Dẻ tùng, Thông tre và các loài cây gỗ có giá trị như Trai lý, Nghiến…

Không phải bây giờ anh Hà mới có dịp tìm hiểu về hệ sinh thái ở Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, cách đây khoảng 5 năm, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh đã từng đọc rất nhiều sách, thậm chí đã một vài lần đến tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại một số Khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Hòa Bình. Anh bảo: Không chỉ có giá trị bảo tồn những loại cây quý hiếm, Khu bảo tồn còn là nơi sinh sống của nhiều loài cây đẹp, có tiềm năng cao trong việc sử dụng làm giống cây cảnh. Nổi bật là sự phong phú các loài phong lan, địa lan với khoảng 70 loài khác nhau, trong đó có không ít những giống lan quí và đẹp như Lan hài xanh, Ngọc vạn hoa vàng, Kim điệp tua, Lan kiếm, các loài Lan Kim tuyến... Điều đặc biệt là ở Khu bảo tồn còn đa dạng về thực vật làm thuốc. Hang Kia – Pà Cò vốn được xem là vùng dược liệu quan trọng của tỉnh. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được 359 loài cây thuốc mọc tự nhiên, thuộc 290 chi và 126 họ thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, phát hiện 20 loài thuộc Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam tại Khu BTTN, như Ba gạch vòng hải nam, Cỏ nhung, Đảng sâm, Hoàng tinh cách …

Được nghe những thông tin mà người cán bộ quản lý Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò và nhà nghiên cứu sinh vật học trao đổi với nhau, tôi nhận thấy việc bảo tồn một khu thiên nhiên như thế này là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nếu gắn bảo tồn với phát triển, có nghĩa là đưa những cánh rừng thiên nhiên này vào khai thác làm du lịch thì phát huy được việc bảo tồn. Đem vấn đề này gợi mở, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn cho biết: Hiện nay, các khu vực dân cư và cả ngay một số cửa rừng cũng đã mở ra những tuyến du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng. Nhiều địa điểm đang thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, như: Chợ phiên Pà Cò ở bản Xà Lĩnh xã Pà Cò được tổ chức định kỳ vào chủ nhật hàng tuần; bản văn hóa cộng đồng Hang Kia, xã Hang Kia… Đặc biệt là những tour du lịch mạo hiểm, địa hình xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh cũng tạo sự quan tâm của nhiều du khách. Tuy nhiên, do chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mực, việc quảng bá hình ảnh còn hạn chế, bên cạnh đó là việc người dân bản địa, đặc biệt là không ít du khách trong nước thiếu ý thức bảo vệ tài nguyên, xâm hại và gây ảnh hưởng đến hệ động, thực vật của Khu bảo tồn. Dẫn đến việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ của các cơ quan chức năng; hạn chế sự phát triển của các tour, tuyến du lịch.

Thăm những cánh rừng, đến một số bản làng của người dân sinh sống trong vùng lõi của Khu bảo tồn, có một điều mà anh Đức Hà băn khoăn và nhiều lần nói với tôi trên suốt chặng đường. Đó là hiện nay, đời sống của người dân nơi đây còn gặp quá nhiều khó khăn, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông vẫn còn mang nặng tư tưởng du canh, du cư. Nếu để song song tồn tại giữa sự giàu có của thiên nhiên và khó khăn của con người như vậy thì rất khó giữ được rừng. Theo như Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn cho biết, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã giành nhiều sự quan tâm cho nhân dân vùng này. Hầu hết các công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng, người dân được cung cấp giống cây trồng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.  Đặc biệt là từ năm 2008, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã xây dựng và triển khai dự án “Thí điểm tiếp cận thị trường tổng hợp nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên. Nâng cao đời sống cộng đồng vùng đệm để giảm thiểu tác động lên tài nguyên” tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò. Những hoạt động này đã góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng.

Chia tay với những cánh rừng nguyên sinh, với Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, chúng tôi vẫn canh cánh câu nói của Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn: Bảo tồn phải gắn với phát triển bền vững và đem lại lợi ích cho địa phương. Những cư dân ở đây rất cần được hỗ trợ, giúp họ có thể phát triển các mô hình trồng cây, con đặc sản, vừa nâng cao thu nhập cho bà con, vừa quảng bá địa phương và thu hút khách du lịch. Có như vậy, cộng đồng mới bảo vệ rừng hiệu quả.

 

                                                                               Đỗ Quyên

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục