Cuộc sống thường nhật của người dân xóm Trại, xã Tân Lập

Cuộc sống thường nhật của người dân xóm Trại, xã Tân Lập

(HBĐT) - Trong hành trình tìm về vùng đất cổ của người Mường, chúng tôi được anh Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đưa về thăm hang xóm Trại ở xã Tân lập, huyện Lạc Sơn – trung tâm của vùng Mường Vang và là địa điểm mà các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết còn nguyên vẹn của con người sinh sống cách đây gần 21 ngàn năm.

 

Chuyện kể từ vùng đất cổ Mường Vang

 

Con đường dẫn vào hang “người tiền sử” (cách gọi của Tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á ) như một sợi chỉ mảnh nằm giữa cánh đồng lúa vàng rộm chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Xung quanh đó là bản làng trù phú với nếp nhà sàn xinh xắn ẩn mình sau những rặng cây ăn quả. Ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã trầm trồ: Đồng ruộng Tân Lập được thiên nhiên ưu đãi lắm. Cây ngô, cây lúa cứ cắm xuống là lên bông, kết bắp. Hạt lúa, bắp ngô ở đây luôn dẻo thơm hiếm nới nào có được. Người dân Mường Vang bao đời nay không mấy khi thiếu đói. Người xưa đã đúc kết rằng “Cơm Mường Vó, Lọ Mường Vang” là ý muốn nói tới sự trù phú của vùng đất này.

 

Theo lời ông Khánh, xã Tân Lập được coi là trung tâm của vùng Mường Vang. Cách đó không xa là xã Quý Hòa, nơi được coi là nóc nhà của vùng Mường. Nơi ẩn chứa nhiều câu chuyện kể mang tính sử thi về mảnh đất, con người. Đặc biệt, chứa đựng trong lòng những dãy núi hùng vĩ này là một mạch nước khoáng thiên nhiên với những giá trị dinh dưỡng cao không chỉ có lợi cho sức khoẻ con người mà còn là nguồn nước nuôi dưỡng tươi tốt cây trồng. Có lẽ từ nguồn nước quý giá này đã tạo nên một vùng đất Mường Vang trù phú như bao đời nay. 

 

Vùng đất Mường Vang, Mường Vó nằm gọn trong một thung lũng rộng lớn, với diện tích lúa nước lên đến hàng ngàn ha, thuộc 7 xã: Miền Đồi, Quý Hòa, Tuân Đạo, Tân Lập, Mỹ Thành, Văn Nghĩa và Nhân Nghĩa của huyện Lạc Sơn. 

 

Theo chân đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh và lãnh đạo xã Tân Lập, chúng tôi dần được khám phá những nét độc đáo của núi Khụ Trại và những huyền tích về hang Trại nói riêng và vùng đất Mường Vang nói chung. Dọc theo lối nhỏ dẫn vào cửa hang là những rặng tre xanh mướt mắt. Xung quanh hang được cây rừng bao phủ tạo nên vẻ huyền bí. Trên những bậc thang là hàng vạn con ốc nhỏ nằm xen với đất, đá vang lên tiếng lạo sạo mỗi khi có chân người bước qua. Anh Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Từ khi hang Trại được phát hiện và Bộ VH-TT (nay là Bộ VT-TT-DL) xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật vào năm 1995, di tích đã được đầu tư tôn tạo trên cơ sở bảo tồn và giữ nguyên những giá trị vốn có của lịch sử. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu cũng như thăm quan, lối lên, xuống hang đã được ghép lại bằng những vỏ sò, vỏ ốc, đất đá lấy xung quanh núi.

 

Hang Trại nằm ở lưng chừng núi. Đứng ở cửa hang có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn dọc theo suối Lạn và cánh đồng Mường Vang trù phú. Đang trong mùa gặt nên cánh đồng có khá đông người. Con người và cảnh vật dưới chân núi giống như một bản nhạc mà nốt nhạc là những người nông dân miệt mài trên cánh đồng lúa vàng rộm. Đứng trước phong cảnh thiên nhiên kỳ thú đó, ông Bùi Văn Vựng, cán bộ văn hoá xã Tân Lập kể cho chúng tôi nghe một số câu chuyện mà người dân vẫn lưu truyền cho đến nay. Chuyện kể rằng, dòng suối Lạn hiền hòa cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân quanh năm. Thế nhưng cũng có thời điểm con suối trở nên hung dữ. Nước từ các con suối nhỏ chảy vào suối Lạn, dâng lên ngập hết hoa màu, nhà của của người dân. Trời mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm làm người dân lo lắng. Thế là mọi người rủ nhau lên núi Khụ Trại để tránh mưa, lũ. Khi nào nước rút, mưa hết mới quay trở về nhà. Có khi họ phải ở lại đó dăm, bảy ngày để chờ nước rút. Cũng có câu chuyện kể rằng, bọn trẻ chăn trâu thường để trâu, bò ăn cỏ dọc con suối, rủ nhau lên trú nắng tại hang Trại. Ở đây, chúng được hưởng không khí mát lành, được nô đùa thoả thích và điều quan trọng là đứng ở cửa hang, chúng vẫn quan sát, theo dõi được đàn trâu của mình ở đâu, không lo bị mất. Các câu chuyện kể đều cho rằng, khi đến với hang Trại, mọi người đều tìm thấy sự bình yên và cảm thấy như được che chở bởi một điều gì đó rất thiêng liêng.

 

Trong số câu chuyện ông Vựng kể cho nghe, chúng tôi chú ý nhất là chuyện về vị Chánh Quan Lang Quách Vị mà người dân trong vùng vẫn gọi ông với cái tên thân mật là Lang Đá Quách Vị. Xứ Mường Hòa Bình xưa, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hà nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. Toàn tỉnh có một hội đồng Quan Lang gồm 12 thành viên. Trong đó đứng đầu là Chánh Quan Lang mà quyền thế như ông vua một vùng.

 

     

Chánh quan Lang Quách Vị ở cung đình Huế (người đứng giữa)

 

Khi xưa, cai quản vùng đất trù phú, nên thơ này là dòng lang họ Quách mà dinh thự đặt tại trung tâm xã Tân Lập để thay nhau ăn lang ở vùng Chiềng Vang. Quách Vị sinh năm 1883 trong một gia đình dòng dõi quan Lang, đó là Lang Cun (Lang to) Quách Tiết. Quách Vị được nuôi dưỡng chu đáo và được ăn học cẩn thận. Xác định bổn phận sau này thay cha làm Lang Cả cai quản thần dân nên Quách Vị càng cố gắng học tập và rèn luyện, tiếp cận vị thế tương lai của mình. Năm 1903, khi mới 20 tuổi, Quách Vị được bổ nhiệm làm Thông sự Tri Châu Lạc Sơn. Năm 25 tuổi, được thăng làm Phó Tri châu, rồi Tri châu Lạc Sơn. Đến 1920, Quách Vị mới được bầu vào Hội đồng Quan Lang gồm 12 người. Hội đồng Quan Lang lại bầu ra 6 vị từ Chánh Quan Lang và 5 chức sắc tiếp theo. Trong 6 người ấy, Quách Vị được bầu là Quan Án Sát. Đến năm 1925, Quách Vị trúng liền 2 khóa làm Chánh Quan Lang tỉnh Mường – tương đương với quan Tuần phủ người Kinh.

 

Chuyện mà cho đến ngày nay, nhiều người vùng Mường Vang hay nhắc đến là Quan Lang Quách Vị có một cô con gái nuôi xinh đẹp nổi tiếng, được coi là bông hoa đẹp nhất núi rừng Tây Bắc – Đó Là Quách Thị Tẻo. Năm 1932, trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên do người Pháp tổ chức tại các tỉnh Đông Dương, Quách Thị Tẻo đã giành ngôi hoa hậu xứ Mường. Quan Lang Quách Vị rất cưng chiều người con  nuôi này và đã gả cho con trai là Quách Hàm, Quan Tri Châu Lạc Sơn. Đi đâu Quách Vị cũng đưa người con gái nuôi này đi theo. Đặc biệt là trong lần được vua Bảo Đại mời vào kinh đô Huế để yết kiến, Quách Vị đã đưa người con gái nuôi xinh đẹp cùng đi. Trong lần ấy, Quách Vị được vua ban cho một bộ cẩm bào và mũ cánh chuồn.

 

Sử sách đã ghi nhận nhiều công lao đóng góp của tầng lớp Lang đạo trong việc giữ yên bờ cõi ở những vùng phên giậu của đất nước. Đặc biệt các nhà Lang dòng họ Đinh, Quách, Bạch, Hà của Hòa Bình tuyệt đối trung thành với Nhà Lê. Thế nhưng, thời kỳ của Quan Lang Quách Vị lại theo giúp việc cho vua Bảo Đại và thực dân Pháp. Tuy nhiên, Quách Vị không làm việc gì hại dân, hại nước. Cuối đời, do tính bộc trực, bất mãn với triều đình, nên năm 1934, ông đã từ quan về ở ẩn tại vùng Mường Vang và sinh sống ở núi Pol, thuộc xóm Đồi Thung, xã Quý Hoà. Khi trở về quê, người dân ở đây thân mật gọi ông là Lang Đá (Lang Ông). Quan Lang Quách Vị mất và năm 1943 khi vừa tròn 60 tuổi. Sau này, con cháu của ông đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Hệ thống Lang đạo bề thế, chặt chẽ từ ngàn xưa được sinh dưỡng, ủ ấp trong miền núi rừng Hòa Bình với những quy tắc bền chặt của “Đất có Lang, làng có phép”. 

 

 

> Bài 2: Khám phá vùng đất người tiền sử

 

                                                                                      Đỗ Quyên

 

Các tin khác


Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục