Cô giáo Ninh Thị Lý với các em học sinh ở chi Vôi.

Cô giáo Ninh Thị Lý với các em học sinh ở chi Vôi.

(HBĐT) - “Hôm nào cũng vậy, các em phải đi học từ lúc tờ mờ sáng. Mấy em trên một chiếc thuyền nan, thay nhau chèo lái. Nhiều hôm thời tiết xấu, đang chèo thuyền giữa hồ, gặp mưa giông, các em đành phải vào bờ trú ẩn, nên bị muộn học” - Cô giáo Ninh Thị Lý (chủ nhiệm lớp ghép 4,5 chi tiểu học xóm Vôi, xã Thái Thịnh - TPHB) phảng phất một nụ cười buồn khi kể về những đứa học trò nhỏ bé của mình.

 

Nhọc nhằn đường đến trường

Nhà ở xóm Vôi, em Nguyễn Văn Lợi (lớp 7) vẫn ngày ngày vượt sông đi học. Chiếc thuyền đã gắn bó với em suốt 2 năm nay. Còn cái áo phao màu cam thơm phức này, em được nhà trường cấp phát để sử dụng như một hành trang không thể thiếu mỗi khi đến trường. Lợi kể: “Mặc dù gia đình khó khăn với 8 miệng ăn nhưang cả nhà dành dụm nuôi em ăn học đến nơi, đến chốn. Cả cô giáo nữa luôn động viên em chăm chỉ đến trường nên em quyết tâm dù hoàn cảnh nào cũng không được bỏ học giữa chừng”. 13 tuổi, hoàn cảnh thiệt thòi khiến cách nói chuyện của Lợi già dặn hơn các bạn cùng trang lứa. Lợi tâm sự: “Ngày nào cũng thế, em phải đi học từ lúc tờ mờ sáng cùng hai bạn nữa trên chiếc thuyền nan này. Chúng em thay nhau chèo lái. Có hôm thời tiết xấu, đang chèo thuyền giữa hồ, gặp mưa giông, chúng em đành phải  vào bờ trú ẩn nên bị muộn học.  Nhiều hôm vừa tan học, trời đổ mưa lớn, chúng em không thể chèo thuyền về, đành phải đợi cho mưa nhỏ mới trở về nhà khi trời đã tối. Ngồi trên thuyền, người chèo, người dùng tay tát nước mưa để thuyền khỏi chìm...Do đi học bằng thuyền nên hôm nào ở lại học buổi chiều, các em mang theo cơm trưa luôn. Mùa đông lạnh giá, đi học bằng thuyền vất vả trăm bề”.   

 

     

Hàng ngày các em học sinh ở 4 xóm Bích, Vôi, Trụ, Tháu phải đến trường trên những chiếc thuyền nan mong manh.

 

Vất vả là vậy nhưng cứ 7 h sáng, hàng chục chiếc thuyền nan nhỏ được úp xuống, thứ tự dưới bến cảng Thái Thịnh, đó là những người bạn thân thiết đưa các em học sinh tới trường. Những chiếc thuyền nan  do tự tay các ông bố, bà mẹ kiếm vật liệu trên rừng về đan cho các con đi học.  

“Gieo chữ” trên sóng nước  

Gần chục năm gieo chữ trên sóng nước Thái Thịnh, khoảng thời gian đó đủ giúp cô Ninh Thị Lý (chủ nhiệm lớp ghép 4,5  chi tiểu học xóm Vôi, xã Thái Thịnh, TPHB) hiểu thế nào là sự chòng chành của con chữ miền sông nước lòng hồ. Dáng người nhỏ, da đen sạm nhưng ánh mắt cô ngời sáng khi nói về học trò của mình. Cô giáo Lý kể: Trước đây, cô dạy ở trường Trần Quốc Toản (phường Tân Thịnh, TPHB). Năm 2002, khi có lệnh điều động tăng cường đi xã vùng 3 cô xung phong lên đây. Nhà cô ở phường Tân Hòa, cách trung tâm xã Thái Thịnh khoảng 5 km không xa nhưng từ nhà đến trường phải mất 3 đoạn đường, đến trung tâm xã gửi xe, mất khoảng 40 phút đi thuyền, sau đó ngược dốc hơn 1km nữa mới đến được điểm trường. Đường xa, hôm nào cô cũng phải dậy từ 4 h sáng chuẩn bị, 6h kém 15 là có mặt ở bến. Nhà trường hợp đồng với 1 lái thuyền người xóm Bích đưa đón các cô giáo. Chi phí do nhà trường trả khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng các cô được Phòng GD-ĐT TPHB trợ cấp 50.000 đồng tiền đi thuyền nhưng trả theo quý. Nhưng sang năm học này, chủ lái đang đòi tăng lên 1,8 triệu đồng. Trong cặp của cô, ngoài những quyển giáo án để dạy học, cô còn mang dự phòng bộ quần áo, áo mưa và có thể một chút quà bánh cho các em học sinh. “Vất vả như thế chẳng thấm vào đâu so với cảnh đi học của các em học sinh”.  Cô Lý bùi ngùi so sánh rồi xúc động kể tiếp: Phần vì nhà nghèo, vì đường xấu nên hầu hết các em đều đi bộ đến trường. Nhiều em nhà xa quá phải đi từ lúc 4 giờ sáng, tay cầm cây đèn pin nhỏ. Vất vả nhất là các em ở xóm Tháu  nhà cách trường từ 5-7 km. Khi bóng tối vẫn trùm kín dòng sông và ánh sáng leo lét từ cây đèn không soi tỏ mặt người, các em đi bộ tới lớp. Gần 2 tiếng vượt qua đường rừng đến trường học.  Chính vì thế mà sau 3 năm hết thời hạn đi tăng cường xã vùng 3, cô vẫn tình nguyện ở lại với các em vùng sóng nước này. Những đôi bàn tay nhỏ hết giờ cầm bút lại phải lên rừng hái măng, lấy chít, cắt cỏ cho cá giúp đỡ cha mẹ.  Để các em dễ tiếp thu bài, cô vừa viết vừa xóa, một tiết học toán và tiếng Việt 40 phút nhưng cô phải dạy đến 80 phút, viết xong rồi xóa, xóa xong rồi viết. Cứ thế đến khi nào các em ghi nhớ được mới thôi. 

Ông Nguyễn Thể Lực, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khó khăn về kinh tế, trường lớp và đường giao thông là vậy nhưng nhiều năm nay, Thái Thịnh không có tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh được huy động ra lớp đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học, THCS đạt 100%. Được sự quan tâm của các cấp, ngành nên 100%  học sinh và thầy, cô giáo được trang bị áo phao, cặp phao, phao cứu sinh. Nhiều năm nay, Thái Thịnh không xảy ra tình trạng tai nạn về thuyền trên sông.  

Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh cho biết: Xã Thái Thịnh chỉ có duy nhất trường THCS nằm ở khu Trung tâm. Vì thế, học xong tiểu học tại xóm, các em học sinh 4 xóm phải khắc phục khó khăn, vượt qua một đoạn đường dài để học tiếp bậc THCS. Cả khối THCS có 40 học sinh phải đi học bằng thuyền. Năm học 2011-2012,  nhà trường có 55 học sinh. UBND xã, Hội cha mẹ học sinh và nhà trường đang có kế hoạch xây dựng khu bán trú dân nuôi cho các em học sinh, phụ huynh sẽ cắt cử nhau nấu cơm cho các em ăn trưa vào những ngày phải học 2 buổi hoặc những ngày mưa gió không thể chèo thuyền về nhà. Nếu thực hiện được, hàng ngày các ông bố, bà mẹ của 55 học sinh nơi đây lên đồi trồng ngô, sắn sẽ bớt đi nỗi lo khi con em của họ đang đến trường trên những chiếc thuyền nan mỏng manh.

                                                                                     Đinh Thắng 

Là xã vùng 135 của TP Hoà Bình, xã Thái Thịnh có 320 hộ, sinh sống tại 4 xóm, 1 KDC. Ngoài xóm tiểu khu 10 ở trung tâm đường đến các xóm, KDC còn lại là đường sông. Xã có 2 trường học với 132 học sinh ở 2 cấp tiểu học và THCS. Trường tiểu học ghép với mầm non có 12 thầy, cô giáo, trong đó có 4 cô giáo mầm non và 8 cô giáo dạy tiểu học. Hàng ngày ,có 7 cô giáo phải thường xuyên đi thuyền từ trung tâm xã lên xóm Bích, Vôi để dạy học cho 37 em đến từ 4 xóm Bích, Vôi, Trụ, Tháu. Các điểm trường ở những xóm xa nên tổ chức lớp ghép, một giáo viên dạy ở các trình độ khác nhau: lớp 1,2,3 và lớp 4,5. 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục