Ông Đinh Văn Thâm một trong 4 chiến sĩ dân quân du kích xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) được kết nạp Đảng ngay tại trận địa ngày 27/6/1965 kể về trận đánh máy bay Mỹ.

Ông Đinh Văn Thâm một trong 4 chiến sĩ dân quân du kích xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) được kết nạp Đảng ngay tại trận địa ngày 27/6/1965 kể về trận đánh máy bay Mỹ.

(HBĐT) - Liên tục trong 5 ngày (từ 25 - 29/6/1965), Trung đội dân quân du kích xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) đã kiên cường đánh trả hàng trăm lượt máy bay của không quân Mỹ đến đánh phá. Đặc biệt, sau một trận đánh đã có 4 dân quân du kích của xã được kết nạp Đảng và 8 người được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngay trên trận địa. Đó là một vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hòa trong suốt những năm qua.

 

Trở lại Mỹ Hòa - vùng đất anh hùng trong chống Mỹ, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này. Với điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi thấp, những năm qua, Mỹ Hòa đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, trong đó lấy cây mía tím làm cây trồng chủ lực. Nhờ vậy, đời sống người dân đã không ngừng được nâng lên. Đời sống được nâng cao, tuy vậy, những ký ức hào hùng của nhân dân xã Mỹ Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn còn mãi. Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Bùi Văn Dềnh cho biết: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xã Mỹ Hòa là nơi đặt kho tàng kỹ thuật quan trọng của ta, đây cũng là một trong những mục tiêu, trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ. Để bảo vệ kho tàng, tài sản và tính mạng nhân dân, lực lượng dân quân du kích xã đã trực tiếp chiến đấu và phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu trên 50 trận, bắn cháy 3 máy bay địch góp phần bảo vệ an toàn kho tàng quân sự, tính mạng và tài sản của nhân dân.

 

Theo chỉ dẫn của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi về xóm Đon, nơi có 3 đảng viên được kết nạp Đảng tại trận địa ngày 27/6/1965 (gồm bà Đinh Thị Phụ, ông Đinh Công Thâm, Đinh Công Vịn) còn sống. Dù thời gian trôi qua đã gần 50 năm nhưng ký ức về những trận đánh trả máy bay địch trên trận địa đồi Bảy dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của bà Đinh Thị Phụ và ông Đinh Công Vịn, nguyên là trung đội trưởng dân quân du kích xã khi ấy. Theo trí nhớ của ông Vịn và bà Phụ, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 25/6/1965 khi đang trực chiến tại trận địa phòng không trên đồi Bảy và đồi Đồn, xóm Chuông (xã Mỹ Hòa), phát hiện có một tốp máy bay phản lực của địch gồm 3 chiếc F4 đến nhằm vào công trường 46 ném bom, bắn roocket đánh phá. Ngay sau tiếng bom đạn nổ rền của tốp máy bay trước còn chưa dứt, liên tiếp xuất hiện các tốp máy bay khác đến đánh phá với những loạt bom đạn trút xuống làm rung chuyển cả một vùng. Quyết không để lũ giặc trời tự tung tự tác, ngay khi phát hiện có máy bay địch, trung đội dân quân du kích xã Mỹ Hòa gồm 38 chiến sỹ được trang bị súng trường, trung liên và đại liên đã phối hợp với các đơn vị pháo phòng không của bộ đội chủ lực kiên cường đánh trả máy bay địch. Giữa lằn ranh giới bom đạn, những chiến sỹ dân quân du kích xã vẫn bám trận địa, bám mục tiêu, nhằm thẳng vào từng cú bổ nhào của những con ma F4H. Từng loạt đạn súng trường tạo thành lưới lửa phòng không tầm thấp một cách hiệu quả. Kiên cường bám trụ, kiên cường đánh trả, chỉ với 30 khẩu súng tiểu liên cá nhân, 2 khẩu trung liên và 1 khẩu đại liên được trang bị, trung đội dân quân xã Mỹ Hòa đã gây ra nỗi khiếp sợ cho lũ giặc trời được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh, trang thiết bị tối tân nhất lúc bấy giờ. Liên tục trong 5 ngày, trung đội dân quân du kích xã Mỹ Hòa đã trực tiếp chiến đấu với máy bay Mỹ 6 trận bằng tinh thần dũng cảm, kiên cường.

 

Bà Đinh Thị Phụ nuối tiếc: Trong những trận đánh nhau với các biên đội máy bay Mỹ, lực lượng dân quân du kích xã Mỹ Hòa đã bắn cháy 3 máy bay Mỹ, trong đó có những chiếc máy bay đã bùng cháy như một ngọn đuốc trên bầu trời. Chỉ tiếc là không có chiếc nào rơi tại chỗ. Chiến công đó cũng đã được ghi rõ trong lịch sử, truyền thống của địa phương và trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những chiến công đặc biệt đó, ngay sau trận đánh ngày 27/6/1965, tại chiến hào trận địa phòng không đồi Bảy có 4 chiến sỹ dân quân được kết nạp vào Đảng và 8 chiến sỹ dân quân được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Dù cho trước đó họ chưa được bồi dưỡng hay được đưa vào diện đối tượng kết nạp Đảng. Trong số đó, có những người còn rất trẻ như bà Đinh Thị Phụ, khi ấy vừa tròn 18 tuổi. Thêm một điều đặc biệt, sau những trận đánh máy bay Mỹ trên trận địa đồi Bảy, bà Đinh Thị Phụ đã được đi dự lễ báo công của Quân khu 3 được tổ chức tại huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ). Tại đây, bà Phụ đã được gặp Bác Hồ. Khi thấy cô gái dân tộc Mường bẽn lẽn trong bộ váy áo dân tộc, Người chủ động đến bắt tay, trò chuyện. Cho đến bây, bà Phụ vẫn không quên được những lời căn dặn ân cần của Bác về việc phát huy truyền thống trong chiến đấu; phát huy vai trò tiền phong của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... tại Đại hội thi đua quyết thắng năm xưa.

 

Không chỉ trực tiếp chiến đấu với máy bay Mỹ bắn phá làng, bản quê hương, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và nhân dân xã Mỹ Hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Theo thống kê, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT xã Mỹ Hòa đã trực tiếp chiến đấu và phối hợp chiến đấu hàng chục trận, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm và bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân. Ngoài ra, Mỹ Hòa còn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho mặt trận với tinh thần Tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân xã Mỹ Hòa đã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm và tiễn đưa 424 thanh niên lên đường nhập ngũ. Đã có 67 người con hy sinh anh dũng và 15 người để lại một phần xương máu trên các chiến trường.

 

39 năm sau khi kết thúc chiến tranh, nhân dân Mỹ Hòa vẫn không rời tay cuốc, tay cày, duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, toàn xã có trên 80% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Hệ thống trường học được mở rộng đến 100% xóm. Hệ thống chính trị từ xã đến xóm thường xuyên được củng cố, hoạt động ngày càng hiệu quả đã nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt đời sống KT-XH của xã.

                                                                             

 

                                                                           

                                                                     Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục