Trung tâm Công tác xã hội đã thực sự trở thành mái ấm gia đình luôn yêu thương, đùm bọc các em.

Trung tâm Công tác xã hội đã thực sự trở thành mái ấm gia đình luôn yêu thương, đùm bọc các em.

(HBĐT) - Nơi đây, không thiếu những trẻ có hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã. Em mồ côi cha, em không còn mẹ, em bị bỏ rơi... Mỗi em một số phận, một cuộc đời bất hạnh trước khi đến với Trung tâm Công tác xã hội. Để bù đắp những mất mát, thiệt thòi, cán bộ Trung tâm đã tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em bằng tình thương, trách nhiệm của người cha, người mẹ với mong muốn các em luôn cảm nhận nơi đây là “mái ấm gia đình”.

 

“Mỗi con một số phận, một hoàn cảnh éo le”

Đôi mắt tròn, đen, nước da trắng hồng, đôi môi chúm chím với nụ cười luôn hiện hữu của em Lê Thị Gấm làm chúng tôi cảm thấy xót xa trước một phận người. Bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, không ai biết cha mẹ em là ai. Ngày về Trung tâm, em còn đỏ hỏn, suốt ngày quấy khóc vì thiếu bàn tay chăm sóc, thiếu dòng sữa ngọt mát của mẹ, thiếu sự bao bọc, ấm áp của cha. Được các cô, chú ở Trung tâm đưa về nuôi dưỡng, hết lòng yêu thương, chăm sóc, em lớn lên từng ngày, khỏe mạnh như trẻ cùng tháng. 9 tháng tuổi, em còn quá nhỏ để cảm nhận được những thiệt thòi mà em đã phải gánh chịu.  

Theo lời kể, cháu Trần Văn Hòa là trẻ mồ côi sinh thiếu tháng, em phải nuôi trong lồng kính gần 4 tháng mới được đón về Trung tâm. Khi về, tình trạng sức khỏe của Hòa rất yếu, em không tự mút sữa được mà phải bón từng thìa. Không có tháng nào là Hòa không ốm, nhẹ thì uống thuốc, nặng phải tiêm và nhập viện, chủ yếu là các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nếu được bú sữa mẹ từ nhỏ, có lẽ cháu Hòa sẽ có sức khỏe ổn định hơn và sẽ ít ốm đau như bây giờ.  

Trong 6 trẻ sơ sinh ở Trung tâm có 4 trẻ bị bỏ rơi ở các bệnh viện, 2 cháu có mẹ bị tâm thần. Đáng chú ý là trường hợp của cháu Nguyễn Thị Tuyết có mẹ là chị Nguyễn Thị Hoa đối tượng tâm thần thuộc sự quản lý của Trung tâm. Trước khi về Trung tâm chị Hoa thường hay lang thang tại khu vực phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) Phòng LĐ, TB & XH đã hoàn thiện hồ sơ và đưa vào Trung tâm trong tình trạng chị đang mang thai ở tháng thứ 8. Sau khi sinh Tuyết ngày 18/7/2014, chị được đưa vào khu nuôi dưỡng dành cho bệnh nhân tâm thần. Mang thai ở thể trạng sức khỏe không tốt, bé Tuyết được sinh ra với nhiều biểu hiện bất thường và khó nuôi. Việc cho em ăn là cả một vấn đề vì cứ nuốt vào là em lại trớ ra. Đôi mắt em vô hồn, vô cảm thiếu đi những nét tinh anh thường thấy ở những đứa trẻ đồng trang lứa.  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội cho biết: ở đây, mỗi một em là số phận, một hoàn cảnh đáng thương. Hầu hết các em đều mồ côi cha, mẹ hoặc bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Cuộc sống của các em không được bình yên như những đứa trẻ bình thường khác, do đó, Trung tâm luôn xác định chăm sóc, nuôi dưỡng các em không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ mà đó còn là lòng yêu thương, sự  bao bọc của người cha, người mẹ như với những đứa con của mình. 

Bù đắp thiệt thòi bằng những yêu thương 

Xót xa, muốn bù đắp cho các con những thiệt thòi trong cuộc sống đó là mong muốn chung của những ông bố bà mẹ ở Trung tâm. Có thể nói, công việc ở đây có tính đặc thù cao và phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương thực sự thì mới có thể gắn bó được với nghề.  

Tại phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, cán bộ Trung tâm phải làm việc 24/24h, Chị Nguyễn Thị Thu Hương làm việc tại đây từ khi con trai thứ 2 được hơn 1 tuổi, do hoàn cảnh công việc, chị phải gửi con về nhờ ông bà nội trông nom cho đến khi con chuẩn bị vào lớp 1 chị mới đón về. Chị chia sẻ: Có những buổi tối ôm các con trong tay thấy nhớ và thương con của mình đang phải gửi cho ông bà chăm sóc. Nhưng những lúc như vậy lại càng thấy xót xa cho hoàn cảnh của các con hơn khi chưa một lần nhận được âu yếm, bế bồng của người thân.

Khi đã chăm sóc trẻ, hiểu được thể trạng sức khỏe, tính cách sinh hoạt riêng của từng bé nên mỗi lần con ốm, các mẹ đều trực tiếp chăm sóc ăn uống, thuốc men. Có những lúc là ngày nghỉ nhưng các mẹ cũng đi làm vì đơn giản là không yên tâm gửi bé cho người khác lúc các bé còn ốm mệt. Nhớ lại những ngày đầu chăm sóc bé Trần Văn Hòa, chị Hương chia sẻ: Con yếu đến nỗi khóc nghe còn không rõ tiếng, các mẹ đã kiên trì chăm từng bữa ăn, giấc ngủ. Còn chưa kể đến lúc con ốm, quấy khóc suốt đêm. ôm con trên tay, đôi mắt rưng rưng chỉ ước rằng mình có thể ốm thay được cho con rồi mọi chuyện cũng qua. Giờ đây, Hòa đã được hơn 1 tuổi, con nhanh nhẹn, khỏe mạnh và phát triển bình thường như các bạn. Làm một người mẹ cũng chỉ mong có vậy!

 

Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc 41 trẻ, trừ những trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn lại 100%  em đều được đến trường. Để giúp các em hòa nhập, theo kịp với các bạn cùng khóa, mỗi buổi tối, Trung tâm đã cắt cử cán bộ có nghiệp vụ sư phạm kèm cặp, hỗ trợ các em học tập. Vượt qua số phận, có nhiều em đã trở thành con ngoan, trò giỏi với thành tích học tập tốt. Sự quan tâm đối với các em không bao giờ là đủ, cùng với Trung tâm, các tổ chức chính trị, cá nhân đã luôn thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các em trong cuộc sống. Đồng chí  Đỗ Xuân Chiến cho biết thêm: “Đặc biệt là các ngày lễ, tết, các bố, mẹ đã gác mọi việc của gia đình riêng cùng với các con dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Trung thu cùng nhau làm đèn ông sao, Tết đến cùng nhau rửa lá, gói bánh trong không khí đầm ấm của gia đình". 

Nghe những tiếng bi bô tập nói, nhìn những ánh mắt trong veo, tiếng cười đùa ríu rít như thể đây không chỉ là nơi các em đã đến và ghé qua mà bằng tình yêu của những người làm công tác xã hội ở Trung tâm sẽ mở ra cho các em một trang đời hoàn toàn mới. Ngày mai, các em sẽ nhớ về nơi đây, nhớ về Trung tâm Công tác xã hội như nhớ về một miền ký ức đẹp đẽ, mái ấm gia đình, niềm vui có thật.

 

 

                                                                               H.N

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục