Từ khi đưa các tổ máy vào hoạt động, Thủy điện Hòa Bình đạt sản lượng điện trên 185 tỷ KWh điện, phục vụ sự nghiệp CNH -HĐH đất nước. Ảnh: H.T

Từ khi đưa các tổ máy vào hoạt động, Thủy điện Hòa Bình đạt sản lượng điện trên 185 tỷ KWh điện, phục vụ sự nghiệp CNH -HĐH đất nước. Ảnh: H.T

(HBĐT) - Thủy điện Hòa Bình vẫn ngày đêm bền bỉ, cần mẫn phát sản lượng điện cao, an toàn và thực hiện các chức năng tổng hợp khác phục vụ sự nghiệp CNH -HĐH đất nước. Công trình này đã đi vào lịch sử của đất nước, là biểu tượng cao đẹp về tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nơi ghi dấu ấn của công trường Thanh niên Cộng sản sôi nổi, hào hùng, biểu tượng của những nỗ lực vượt khó, không quản ngày đêm của cán bộ, chiến sỹ, chuyên gia và công nhân, lao động vì dòng điện của Tổ quốc.

 

Cho đến nay, những người từng tham gia xây dựng trên công trường Thanh niên Cộng sản vẫn khắc sâu những ký ức gian khó nhưng rất đỗi hào hùng, vinh dự được cống hiến, góp sức cho công trình Thủy điện thế kỷ. Thực hiện chủ trương “điện khí hóa” của Đảng và Nhà nước, sau khoảng 10 năm thực hiện khảo sát, lập luận chứng kỹ thuật thiết kế, ngày 6/11/1979, công trình thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công. Với tính chất quan trọng và cấp bách của việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, ngày 6/10/1982, công trường Thanh niên Cộng sản chính thức ra đời. Ngay sau lễ khởi công, hàng vạn thanh niên từ  mọi miền quê đã xung phong làm việc tại công trường Thủy điện Hòa Bình. Tinh thần xung kích, ý chí tiên phong của thanh niên, của tuổi trẻ được phát huy cao độ trên công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Công trình có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất thời điểm đó được thực hiện trong bối cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh, vô cùng khó khăn, thiếu thốn, điều kiện thi công khắc nghiệt và phức tạp, quá trình thi công đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu kỹ thuật và sức ép tiến độ rất cao. Cùng với chuyên gia nước bạn, lực lượng thanh niên với ý chí sắt, quyết tâm cao độ “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” lao động không ngừng nghỉ, chạy đua với thời gian, chuẩn bị cho những thời điểm lịch sử tiến hành ngăn sông Đà đợt 1 (ngày 12/1/1983), bắt dòng chảy theo tính toán của con người và những nỗ lực chạy đua với thời gian thi công các công trình đầu mối tổ chức ngăn sông Đà đợt 2 (ngày 9/1/1986), thực hiện thắng lợi khẩu hiệu “Cao độ 81 hay là chết”. Cả nước hướng về công trình Thanh niên Cộng sản. Trong thời gian này, tất cả các hạng mục thi công chạy đua với nước lũ dâng cao. Không khí khẩn trương, căng như sợi dây đàn trải dài khắp công trường. Mọi công việc, phương án, giải pháp thi công, xử lý sự cố kỹ thuật diễn ra trên thực địa. Cả nước dõi theo nhịp bước công trường.

 

Suốt hơn 15 năm ròng rã, công trường Thanh niên Cộng sản hừng hực khí thế thi đua, một người lao động bằng hai. Tiếng mìn, tiếng máy khoan âm vang rừng núi. Công trường thủy điện kéo dài dọc quốc lộ 6, hai bên bờ sông Đà. Khẩu hiệu thi đua tiến độ, chất lượng, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp núi rừng. Hàng nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa, đất, đá, vật liệu rầm rập suốt ngày đêm. Những đường hầm sâu xuyên núi hàng trăm mét được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Hàng triệu m3 đất, đá được khoan đào, tập kết cho ngày ngăn sông. Biết bao tiền của, vật lực, công sức, mồ hồi và cả máu đã đổ vì dòng điện của Tổ quốc. ý thức bám công trường, bám trận địa, chạy đua chống lũ luôn thường trực trong mỗi người lao động trên công trường và cả chuyên gia nước bạn. Với họ, hạnh phúc là được cống hiến, lao động trên công trường thủy điện. Sức người, sức của xây dựng con đập cao dần, sững sững chắn ngang con sông Đà kỳ vĩ.

 

Tổ máy số 1 chính thức phát điện vào năm 1987, tiếp đến các tổ 2, 3... và tổ máy số 8 phát điện theo đúng tiến độ đề ra. Những nỗ lực cao độ được đền đáp xứng đáng. Ngày 20/12/1994, công trình Thủy điện Hòa Bình công suất lên tới 1.920 MW được khánh thành và hòa lưới điện quốc gia. Trên công trường Thanh niên Cộng sản đã làm nên những kỳ tích dường như chỉ có trong huyền thoại. Thành quả, sự hy sinh, lao động miệt mài của cán bộ, chiến sỹ, kỹ sư, chuyên gia nước bạn trở thành những biểu tượng cao đẹp, sáng ngời trên công trường thanh niên đã tạc vào không gian trời, đất Hòa Bình vì mục tiêu cao cả, chinh phục dòng sông Đà hung dữ, chuyển hóa sức nước vô biên thành dòng điện dồi dào phục vụ sự phát triển đất nước.

 

 

 

                                     Lê Chung

 

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục