Những giây phút thanh bình bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa lớn. Ảnh: H.D

Những giây phút thanh bình bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa lớn. Ảnh: H.D

(HBĐT) - Khi xa sát vách cũng xa /Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần. Câu ca dao mẹ ru từ thuở trong nôi đã cho nhạc sĩ Hình Phước Long cảm xúc để viết nên ca khúc để đời “Gần lắm Trường Sa”. Để rồi sau hơn 30 năm ca khúc ra đời, tôi vào Nha Trang những ngày rực rỡ nắng tháng 3 và có duyên may gặp gỡ tác giả, người nhạc sĩ được gọi với cái tên trìu mến “Nhạc sĩ của Trường Sa”.

 

Nha Trang đẹp. Tôi biết ngòi bút mình không miêu tả hết được. Con người Khánh Hòa hồn hậu hiếu khách. Họa sĩ Trần Hà - Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa hào hứng giới thiệu những văn nghệ sĩ mà tên tuổi được cả nước biết đến đang sống ở Nha Trang. Tôi nhắm nhạc sĩ Hình Phước Long vì tôi yêu “Gần lắm Trường Sa” của anh mà chưa từng dám nghĩ sẽ được gặp anh ngay nơi đất liền gần nhất với Trường Sa này. Cuộc điện thoại đầu tiên khiến tôi hụt hẫng. Anh nói anh đang đi công tác Quảng Ngãi nhưng tôi vẫn hy vọng. Cuộc điện thoại thứ hai anh nói có thể sẽ về sớm  khiến tôi mừng rơn. Tôi nhắn tin cho anh và được anh nhận lời. Tôi quyết tâm không vào mạng, không xem bất cứ gì người ta viết trước đó về anh và về “Gần lắm Trường Sa” để có những cảm xúc thật riêng của mình trước người nhạc sĩ tận tụy với nghệ thuật, với Trường Sa. Quả thật con người anh, những chia sẻ của anh làm tôi ấn tượng mạnh.

 

Vẻ ngoài mộc mạc, dễ gần của anh khiến cả trại sáng tác gồm anh, chị em của 6 tỉnh Tây Bắc ngỡ ngàng. Trước đó, trong số chúng tôi chưa ai từng được gặp anh. Trò chuyện cùng anh, câu chuyện chỉ xoay quanh bài hát “Gần lắm Trường  Sa” mà hơn 30 năm rồi, người nhạc sĩ ấy hình như vẫn có nhiều điều chưa thể nói hết. Anh kể anh viết “Gần lắm Trường Sa” năm 1982, khi đó, anh chưa ra Trường Sa. Mãi đến năm 1984 anh mới ra Trường Sa và đó cũng là chuyến ra đảo duy nhất của anh. Đôi mắt người nhạc sĩ chợt mênh mang khi nhắc lại chuyến đi nhiều kỷ niệm. Anh kể: Khi đến Trường Sa, tàu chưa cập bến, chiến sĩ trên đảo đã ùa ra tận mép nước hô to: Có nhạc sĩ của “Gần lắm Trường Sa” không?. Anh đáp: “Có tôi. Tàu cập bến, các chiến sĩ ùa tới, ôm chầm, kéo anh vào lán trại. Khi đó ở Trường Sa điều kiện rất khó khăn. Chiến sĩ ở trong những căn nhà lợp mái tôn nhỏ. Các chiến sĩ nói: “Chúng em mang ghi ta đến, anh hát “Gần lắm Trường Sa” cho chúng em nghe”. Nhạc sĩ hát. Các anh khóc, nhạc sĩ cũng khóc. Vừa hát, vừa khóc.

 

Khi được hỏi cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?. Anh chia sẻ: Tôi viết “Gần lắm Trường Sa” bằng tình cảm hết sức chân thành. Ca khúc này đã đến với chiến sĩ Trường Sa trước tôi. Tôi chỉ đến đó để chứng minh rằng những tưởng tượng liên tưởng của mình về những người lính sống ngoài đảo xa là đúng. Khi thấy tình cảm của họ với đất liền tha thiết quá, tôi cảm thấy rất sung sướng, niềm vui vỡ òa. Tôi không thấy mình được chào đón với tư cách là tác giả của một ca khúc về người lính trên đảo Trường Sa mà chỉ thấy mình như được hòa vào cuộc sống đời thường của họ. Tình cảm với Trường Sa trở nên đặc biệt hơn và trở thành món nợ tình cảm với những người lính đảo. Món nợ tôi trả bằng chính những ca khúc viết về Trường Sa của mình”.

 

Được biết, nhạc sĩ Hình Phước Long có 18 ca khúc viết riêng cho Trường Sa. Tôi hỏi: “Mọi người gọi anh là nhạc sĩ của biển đảo, anh nghĩ sao?”.  Anh cười thật hiền “Tôi có hàng trăm đứa con tinh thần, đứa nào tôi cũng yêu quý cả. “Gần lắm Trường Sa” và những ca khúc viết về biển đảo được công chúng yêu mến hơn cả nên công chúng nhớ đến tôi và gọi như vậy. Dù sao tôi cũng là người con của biển, Trường Sa là một huyện đảo quê hương Khánh Hòa của tôi, nói tôi yêu và ưu ái biển đảo tôi xin nhận”. 

 

Sinh ra và lớn lên ở miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, cách rất xa Trường Sa nhưng mỗi khi đâu đó cất lên giai điệu da diết “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em” là tôi lại cảm thấy nao nao khó tả. Tôi đã nói thật tâm sự của mình với nhạc sĩ Hình Phước Long để mong được anh nhận lời, rằng tôi không thể đến được Trường Sa, cơ hội đến với Khánh Hòa cũng chẳng dễ dàng gì. Đây là điểm đất liền gần với Trường Sa nhất và lại được gặp anh - nhạc sĩ của “Gần lắm Trường Sa”, cảm xúc mà tôi có nhưng chưa từng nói ra thành lời ấy được dịp bộc bạch. Hải đảo ơi! Biển xanh ơi! Núi rừng xa nhớ và dành cho biển, đảo nhiều yêu thương lắm. Cũng như nhạc sĩ Hình Phước Long nói: “Tôi yêu biển, đảo quê hương. ở những thời điểm nóng bỏng, dù được coi là nhạc sĩ của Trường Sa nhưng tôi không trình làng thêm tác phẩm nào. Vậy nhưng không một ai biết rằng tôi vẫn âm thầm viết, viết để thỏa tình cảm sâu nặng của mình với biển đảo. Bởi tôi biết không chỉ tôi mà 90 triệu đồng bào ta coi biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc”.

 

Tôi viết những dòng này xuất phát từ tình cảm chân thành, niềm xúc động trước những sẻ chia của người nhạc sĩ không phải chỉ xoay quanh bài hát “Gần lắm Trường Sa” mà còn vì những điều lớn lao hơn thế. Tôi kìm lòng với khát khao được một lần đến Trường Sa khi nghe nhạc sĩ Hình Phước Long chia sẻ: “Tôi có nhiều cơ hội để đến Trường Sa nhưng tôi không đi, tôi muốn giữ lại những cảm xúc ban đầu vẹn nguyên, nó đã rất tuyệt vời trong ký ức tôi hơn 30 năm qua. Tôi muốn nó là duy nhất, bất biến trong tôi về Trường Sa tôi yêu, bây giờ vẫn yêu và mãi mãi còn yêu. Đối với tôi dù xa cách ngàn trùng, dù không đến được nhưng Trường Sa không xa, Trường Sa vẫn luôn gần bên tôi”.

Vâng, Trường Sa luôn trong tim mỗi người dân đất Việt cho nên dẫu cho  muôn dặm đường xa vẫn gần.

 

 

                                                         Lê Thanh Hồng

                                       (Trường THCS TT Kỳ Sơn - Kỳ Sơn)

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục