(HBĐT) - Ba đang vẽ gì đấy ạ? Thấy ông Trung đang miệt mài ngồi bên bàn, trên tay cầm cây bút chì đưa lên, kéo xuống một cách cẩn thận, tỉ mẩn, Phong, con trai ông bước lại gần tò mò.

- À… Ba đang vẽ thằng cu Tính. Sáng mai, ba mẹ về Bắc rồi. Phải đến nửa năm nữa các con mới lại cho cháu về quê… Khi đó, cu Tính chắc đã lớn lắm. Ba vẽ tấm hình lưu làm kỷ niệm, sau này lớn lên, cu Tính nhìn lại, thấy mình ngày xưa chắc sẽ vui lắm.

- Để con chụp rửa mấy tấm ảnh của cháu cho ba mẹ đem về. Ba mất công ngồi cặm cụi làm gì cho mệt.

- Ấy không! Chụp thì nói làm gì? Ba vẫn thích vẽ hơn.

Vợ chồng ông Trung lấy nhau sinh được mỗi mụn con là anh Phong. Anh Phong học hành, lập nghiệp và lấy vợ trong Nam. Thỉnh thoảng, ông bà vào thăm con cháu chứ nhất quyết không chịu ở luôn trong Nam. Mỗi lần ông bà vào chơi, thấy cháu vừa đi học chính khóa về lại phải ăn tạm ổ bánh mì, uống tạm hộp sữa rồi leo lên xe ba mẹ chở đi học phụ đạo tiếp cho kịp giờ. Thương cháu, ông bà nói chuyện với vợ chồng con trai nhưng anh Phong cười:

- Theo xu thế ba ạ. Không học thì không theo kịp bạn bè. Lên lớp thầy cô lại mắng vốn cha mẹ.

- Đúng thế đó ba mẹ ạ. Dù thương xót cháu lắm, nhưng vợ chồng con cũng chỉ biết động viên cu Tính ráng học thôi chứ không còn cách nào khác. Chị Hà, vợ anh Phong nhìn góc học tập của con rồi thở dài:

- Đấy, tối cuối tuần nhưng cháu nó cũng không có thời gian để chơi với ông bà. Ngày mai còn phải học thêm tiếng Anh và Toán.

- Hay là… hè này các con cho cu Tính về quê với ba mẹ? Ông Trung đề xuất.

- Nhưng cháu nó còn phải đi học thêm, học hè nữa. Mà thôi, để con xem thế nào đã ba ạ. Nói rồi Phong cầm lên tay bức tranh ông Trung vẽ cu Tính, hết ngắm nghía lại trầm trồ:

- Ôi! Bức tranh ba vẽ cu Tính giống quá! Cứ như thật ấy. Y chang luôn ba ạ!.

Từ ngày vào thăm cháu về, trong lòng ông Trung cứ băn khoăn, nghĩ ngợi mãi. Vợ chồng ông cũng bàn với con trai, con dâu về chuyện cho thằng bé về quê nghỉ hè ít thời gian. Nhưng hè đến rồi mà chưa nghe con nói gì.

- Chắc con nó không cho thằng cu Tính về đâu ông ạ!.

- Tôi chỉ thương cháu. Mới tí tuổi đầu lẽ ra được vui chơi, ăn ngủ là nhiều. Đằng này lại phải lao vào học bù đầu. Giá hè này thằng Tính về, ông cháu tôi sẽ đi thăm hết cảnh quê. Chỗ nào đẹp, chỗ nào hay, tôi sẽ chở nó đi tuốt. Tôi sẽ chỉ cho nó biết vẻ đẹp của đồng lúa, của vườn hoa hướng dương, của những nương ngô, nương sắn rồi thì cỏ cây, sông nước quê mình… Tôi sẽ chỉ cho cháu nó tập vẽ những gì đẹp đẽ, thân thuộc của làng quê thanh bình… Tôi tin thằng bé sẽ rất thích.

- Ờ… ông nói cũng phải. Nhưng mấy tháng nay, mỗi lần gọi về, có nghe thằng Phong nó nói gì đâu.

- Ông ơi, bà ơi! Cháu về với ông bà đây ạ! Ông Trung, bà Thủy mới nghe loáng thoáng tiếng thằng cu Tính ngoài cổng đã nhổm dậy bước ra sân.

- Ôi! Cháu của ông bà đã về rồi đây. Vậy mà ông bà cứ tưởng…

- Vợ chồng con nghĩ lại rồi. Không bắt cháu nó học nhiều nữa. Hè này chúng con sẽ cho cu Tính ở chơi với ông bà luôn! Anh Phong, tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh, miệng cười giòn tan nói. Bà Thủy trách:

- Sao về mà không báo trước cho ba mẹ?

- Ba cháu bảo muốn dành sự bất ngờ cho ông bà ạ. Ông nội ơi, ông dạy cháu vẽ với nhé! Giọng thằng bé năn nỉ, tay nó nắm chặt lấy tay ông. Ông Trung mỉm cười, xoa đầu cháu:

- Tất nhiên rồi. Ông cháu mình sẽ cùng làm họa sĩ, sẽ vẽ những cảnh vật mà cháu yêu thích nhất.

Tính hào hứng. Suốt bữa cơm chiều hôm ấy cho đến sáng hôm sau, khi anh Phong trở vào Nam, câu chuyện tập vẽ vẫn là chủ đề chính được bàn luận nhiều nhất của hai ông cháu.

- Ông ơi, cánh đồng lúa đẹp quá! Nhưng vẽ cây lúa thế nào ạ? Màu của cánh đồng phải màu gì? Xanh non hay xanh đậm hả ông? Cháu không biết bắt đầu từ đâu nữa. Khó lắm. Cháu… cháu không vẽ nữa đâu!

- Ấy… Đây này… cháu hãy bắt đầu như thế này này… Ông Trung cầm tay cháu nội, chỉ từng cách pha màu, từng nét vẽ. Ông cười:

- Hồi mới bắt đầu tập vẽ, ông cũng như cháu. Vẽ không ra hình thù gì cả. Nhưng ông không bỏ cuộc. Một lần, hai lần… có khi vẽ đi vẽ lại cả đến mươi lần mới ra một bức tranh. Bởi vậy, cháu đừng vội nản lòng.

- Biết đến bao giờ cháu mới vẽ đẹp được như ông ạ? Chắc cháu không làm được đâu. Cô giáo bảo cháu không có năng khiếu vẽ.

- Muốn vẽ hay làm bất cứ việc gì đều phải tập luyện chăm chỉ cháu ạ. Phải từ từ… từng chút từng chút một. Ông tin cu Tính của ông sẽ vẽ đẹp thôi!.

- Ông ơi, thế còn dòng sông, mình sẽ vẽ như thế nào?.

- Được rồi, chiều này ông cháu mình sẽ đi dọc bờ sông quê. Ông sẽ chỉ cho cháu các đường nét để vẽ một dòng sông. Màu nước, màu trời, cỏ cây hai bên bờ sông thế nào và cả cuộc sống của người dân quê mình hai bên bờ sông nữa.

- Thế thì thích quá ông ạ!.

Bà Thủy đang cặm cụi nấu cơm dưới bếp. Ông Trung có việc đi ra ngoài đầu làng, về đến ngõ, ông đằng hắng giọng. Thấy ông, bà Thủy từ trong bếp ra hiệu cho ông, khẽ nói:

- Coi bộ thằng cháu nội mình thích vẽ rồi đó ông ạ. Từ sáng tới giờ nó cứ ngồi cặm cụi vẽ. Nội hỏi thì nó bảo muốn dành cho ông nội điều bất ngờ. Ông Trung mỉm cười:

- Mới 2 tháng nghỉ hè, thế mà trông thằng bé khác hẳn. Càng nhìn càng thấy giống y chang như ba nó ngày xưa. Thương lắm! Nghe tiếng ông nội ngoài sân, Tính cầm bức tranh vừa vẽ chạy ra:

- Ông nội ơi ông nội! Ông xem cháu vẽ có đẹp không? Hai tay Tính giơ bức tranh vừa vẽ về phía ông, rụt rè:

- Đây là bức tranh cháu vẽ ông nội. Cháu tặng ông nội!.

- Trời đất ơi! Xem cháu nội vẽ ông này! Đẹp quá!.

- Chà chà! Cu Tính vẽ đẹp lắm! Ai bảo cháu của bà không có năng khiếu vẽ nào? Hiểu câu nói của bà nội, thằng bé cười tít mắt:

- Cháu nhìn tấm ảnh của ông đấy ạ. Vừa nói, nó vừa chỉ tay về phía bức ảnh của ông nội treo ở trên tường. Rồi giọng nó bỗng chùng xuống:

- Nhưng ông ơi… bức tranh này cháu vẽ chưa được đẹp lắm phải không ông?. Nghe vậy, bà Thủy đã vui vẻ, cười hiền hậu:

- Đây là tâm huyết của cháu! Là tình cảm của cu Tính gửi ông nội mà.

- Đúng rồi! Với ông, đây là bức tranh đẹp và ý nghĩa nhất!.

- Có thật không ông?.

Ngay tức thì, Ông Trung ra tiệm tranh đầu làng mua cái khung ảnh, sau đó cẩn thận treo bức tranh cháu vẽ lên ngang hàng với tấm ảnh chân dung cũ đang treo. Bức tranh còn được ông Trung đề thêm mấy chữ bên dưới "Bức tranh cu Tính vẽ tặng ông nội”. Bạn bè, xóm giềng tới chơi, ông đều khoe đó là bức ảnh cháu nội vẽ tặng.

 

Truyện ngắn của Thu Đình


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục