(HBĐT) - Sau chuyến đi Tây Bắc lần này, Hải quyết tâm sẽ tạm biệt chiếc Nikon D5000 cũ kĩ này. Mùa xuân xanh tươi là thế, phải có một chiếc máy ảnh tốt chụp cho xứng tầm. Xe càng chạy nhanh, anh càng thấy sốt ruột. Tết này là Tết thứ mấy mình ăn Tết xa nhà nhỉ? Nhưng không phải như mọi khi là xứ kim chi lạnh lẽo mà ở một vùng Mường ấm áp.


C.B (ST)

Hải có một gia đình rất thân thương trên đất Mường của Hòa Bình. Mẹ nuôi anh có một ngôi nhà sàn gỗ dổi đã có từ rất lâu, cột gỗ lên nước đen nhẵn bóng. Những tấm ván thưng theo mưa nắng cũng đã phơi màu xưa cũ. Khác với mọi lần, cứ về đến đây là anh trèo lên sàn đánh một giấc khoan khoái. Trong cái rét đầu xuân, mưa phùn bay lất phất, anh nhận ra một cành đào mảnh mai với những nụ hoa chúm chím đang ghé vào cửa voóng. Một cảnh sắc chỉ có trong các bức tranh, trong các thước phim cổ trang. Không! Nó đang hiển hiện trước mắt anh, trên khung cửa gỗ xưa cũ như một khung ảnh. Anh bấm liên tay, ống kính đóng mở tạo ra những âm thanh vui tai. Lát sau, trời hửng nắng, lại có thêm chú chim sâu bay đến đậu trên cành đào, Hải lại có thêm những kiểu ảnh mới, bố cục mới. Anh ôm chiếc máy, khuôn mặt rạng ngời, làng Mường như cô gái đang thay áo mới trước lúc vào xuân.

Bỗng có tiếng mế Thu gọi vang lên từ gian bếp. Hải định bước xuống phụ mế thì đã thấy mâm cỗ lá bày giữa sàn. Lâu lắm rồi, từ ngày đi làm việc bên Hàn Quốc, cậu mới có cảm giác đầm ấm với những món ăn quê đến thế. Như một bông hoa hồng bung nở, trên chiếc mâm màu xanh ấy là những miếng thịt lợn đồ, những miếng lòng non, lòng già be bé của một giống lợn cắp nách có những vệt sọc trên lưng, đặc trưng của miền đất này.

Hải ngồi xuống mâm cơm, bố Lâm và mế Thu bảo sớm mai là làng mình vui lắm, con cứ mang theo máy ảnh, vừa tham gia vừa tha hồ chụp. Em Dìn đặt cạnh bát cơm của Hải bát canh có những lát thái từ thân cây chuối rừng, miệng vừa cười vừa hỏi:

- Anh Hải đi Tây lâu rồi còn nhớ bát canh này không?

Hải bật cười, vẫn nụ cười hiền như năm nào, dẫu giờ trên khuôn mặt anh đã sạm đi vì nắng gió:

- Đi Tây gì chứ, họ cũng người phương Đông mình thôi nhưng văn hóa mỗi nước một khác.

Dìn hỏi lại anh:

- Em xem phim Hàn thấy các cô bên đấy vẫn mặc kimono anh nhỉ? Dù nhiều lúc họ mặc toàn hàng hiệu và đi xe hơi đẹp lắm.

- Đấy là họ biết giữ bản sắc em ạ, họ biết làm thế nên giàu có một cách bền vững và không bị mất cội nguồn, gốc gác. Cũng như người Mường mình, áo váy, cái tênh, cái áo chùng… là nét đẹp chứ không thể đánh mất được, mất đi thì mình không còn là mình nữa.

Dìn cười, khoe hàm răng trắng:

- Vậy thì, từ mai anh Hải sẽ tha hồ đắm chìm trong văn hóa lễ tết Mường nhé.

*

* *

Đang chìm trong giấc ngủ, Hải giật mình tỉnh giấc nghe tiếng lợn kêu dưới gầm sàn. Chạy xuống bể nước rửa mặt, anh đã thấy mấy người anh em họ hàng với nhà mế Thu sang giúp xả con lợn hơi chừng 40 kg ra những mẹt thịt. Gần trưa, cơm nước đã xong, Dìn kéo anh đi khắp bản. Trên những con đường in dấu chân trâu ngày nào giờ được đổ bê tông sạch sẽ, những lũy tre xanh vẫn xòa bóng mát dưới cái nắng đầu xuân nhẹ nhàng như màu của một trái cam lòng vàng. Nhìn các nhà đã thấy cây nêu phơ phất trong gió, bất giác anh nhớ đến truyện "Cây nêu ngày Tết” trong cuốn sách của cụ Nguyễn Đồng Chi. Dìn bảo, nhà nào cũng có cây nêu đón Tết anh ạ, đi từ xa thấy nêu là như thấy Tết về. Vào xuân có hội làng, rồi ra phía Mường ngoài có Khai hạ xuống đồng còn vui hơn.

Đêm ấy, Hải ngồi cùng giúp mế Thu và em Dìn gói bánh chưng. Những chiếc bánh vuông vức nếp lá dong xanh, có nhân được gói bằng gạo nếp thơm. Ngày bé, anh đã từng được thưởng thức những chiếc bánh như thế mà mế Thu gửi về thành phố, nhưng đây là lần đầu anh được tận mắt thấy những người phụ nữ Mường gói bánh. Trong đêm cuối năm, ánh lửa bập bùng. Đêm xuân thanh vắng, nhưng vẫn náo nức niềm vui, Hải tưởng như nghe được cả tiếng lộc xuân nứt lớp vỏ cành cây khô nhú ra xanh nõn.

Anh bất ngờ nghe thấy những hồi chiêng vang lên từ các nhà phía xa, những tiếng "ping” "pong” vang vọng. Hình như nhà nào cũng cất lên ba hồi chiêng như thế, anh vội chạy lên sàn, bố Lâm đã đứng đó từ lúc nào, mắt bố nhìn ra con đường phía trước nhà, một tay cầm chiếc dây đeo chiêng, tay xoa nhẹ lên mặt chiêng. Hải định cất tiếng hỏi thì đã thấy em Dìn đứng cạnh từ lúc nào, em thì thầm:

- Bố đang xoa chiêng đấy anh ạ, gọi chiêng dậy để ngân vang.

Bất giác, anh cảm nhận không khí trang trọng đến lạ lùng. Ngày chưa đi nước ngoài, anh đã thấy mẹ thắp hương cúng tổ tiên đêm giao thừa, không khí cũng trang trọng như đêm nay, nhưng quả thật khi bố Lâm xoa xong, cầm chiếc dùi bọc vải đỏ để đánh chiêng, tiếng chiêng vang lên, anh thấy như hồn của sông núi đang thức dậy. Chưa hết ngỡ ngàng thì Hảithấy mế Thu bảo:

- Phường bùa sắp đến nhà mình rồi đấy con à.

Thế rồi anh nghe thấy có tiếng chân người, tiếng nói, tiếng cười. Một người người đi đầu đoàn sắc bùa hát bài mở cổng, bài hát tiếng Mường anh nghe không hiểu nhưng vẫn có thể cảm nhận được âm điệu chan chứa chán tình cảm. Bố Lâm bước xuống màn thang ra mở cổng chào đón đoàn sắc bùa. Phường bùa tiến vào sân, họ vừa đi vừa đánh chiêng, sau mỗi bài chiêng lại có một người trong phường hát một bài chúc tụng. Sau này Hải mới hay những tiếng chiêng chính là lời chúc gia chủ "năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui”.

Những ngày sau đó, Hải được đắm chìm trong men say của những vò rượu cần, của những bài dân ca Mường. Qua mấy ngày tết là những lễ hội trải khắp Mường gần, Mường xa, hết Khai hạ đến hội đu, hội đình… Có những điệu mùa chèo thuyền ở Đình Cổi, xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn anh rất ấn tượng. Những người múa mô phỏng lại động tác chèo thuyền, nghe nói là điệu múa cổ được bà Âu Cơ truyền lại cho những người mà bà gặp ở mảnh đất này. Ở đâu anh cũng bắt gặp những nghi thức cổ truyền được lưu giữ, thưởng thức những món ăn dân tộc thú vị và hấp dẫn.

Thấm thoát, đã đến ngày Hải phải rời mảnh đất thân yêu trở về thành phố. Năm mới, anh có bao dự định cho mình, chiếc máy ảnh đã đầy ắp những hình ảnh, ghi lại bao khoảnh khắc đáng nhớ trong dịp Tết. Để mỗi khi nhìn vào những hình ảnh đó anh sẽ bồi hồi nhớ lại một cái tết nơi đất Mường thật thú vị. Hẳn là khi ấy, những người ở miền xuôi sẽ rất tò mò về những phong tục đẹp đó, bởi ở nơi đâu còn giữ được những nét văn hóa cổ truyền thì nơi ấy sẽ tạo nên một sức hút lớn với mọi người. Bởi ai cũng lưu luyến và nhớ mùa xuân xưa.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục