Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Đứng dưới bóng cây đa được một lúc mà chưa thể biết sẽ phải đi tiếp thế nào. Cây đa không to lắm, nhưng nằm ngay ngã ba đường dưới chân núi. Bỗng dưng, tôi hình dung ra cảnh những chiếc xe thồ của dân công hỏa tuyến ngày nào từng qua đây để chuẩn bị vượt đèo Pha Đin lên Điện Biên. Hưng - cậu bạn phóng viên mấy hôm nay làm tài xế bắt đắc dĩ chừng như đã quá mệt mỏi với những cung đường Tây Bắc hạ kính xe làu bàu:

- Không tìm trên google thì hỏi đường đi, ông cứ đứng mãi thế ngắm cái gì không biết?

- Đợi tí - tôi phân trần - tôi hình dung ra con đường theo lời cha tôi kể.

- Thì đã mấy chục năm sau giải phóng Điện Biên, giờ bà con ta làm ăn khấm khá, nhà cửa kém gì dưới thành phố đâu. Nhưng mà, sao ông lại dẫn tôi lên vào cái mùa nóng nực thế này, không đợi mùa thu mới lên. Nghe bảo thu Tây Bắc đẹp lắm.

- Rồi, ông sẽ hiểu…

Nói thế, chứ loanh quanh đến xế chiều, tôi vẫn chưa biết làm cách nào để hỏi thăm người cần tìm. Hỏi thì phải có thông tin rõ ràng, đã mấy lần mở cuốn sổ của cha ra xem đi, xem lại sơ đồ và những ghi chú mà ông ghi, nhưng quả thật tất cả đã thay đổi quá nhiều. Tìm một người không có địa chỉ, điện thoại giữa thời buổi này thật khó. Tay xách nách mang cả đống măng, lâm sản xếp vào cốp xe, Hưng quay sang tôi vẻ sốt ruột.

- Mai là thứ Hai rồi đấy bố ạ, không phải là Chủ nhật đâu, không nhanh là đêm chưa về đến nhà.

- Thì đã mất công lên đây, ông để tôi thử lần nữa xem.

- Ông hay nhỉ - Hưng gắt - ông đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, sao đến đây lại như gà mắc tóc vậy. Nào, tìm ai, tên gì? Người yêu cũ hả?

- Không (tôi cười), tôi tìm một người già, một người bạn vong niên của cha tôi, nhưng đến cả cái tên… vì tuổi cao, ông cụ cũng không nhớ, chỉ nhớ là bạn học cùng, ông ấy có nốt ruồi bên cằm phải. Giờ nếu còn chắc cũng ngoài 70 tuổi.

Hưng lặng im suy nghĩ, lát sau cả hai cùng nảy ra ý nghĩ. Chỉ còn cách vào bản lân la hỏi thăm bà con. Nhưng giờ đây trong bản đều là những người trẻ tuổi. Khi chúng tôi đã thật sự thất vọng, thì từ đằng xa có một ông cụ dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi còng nhưng đôi mắt vẫn còn rất tinh anh. Bên má phải của ông có một vết thẹo dài. Ông mang một chiếc túi nhỏ đựng những quả xoài chín, như người đi lễ chùa. Chắc bộ dạng ngơ ngác của tôi làm ông chú ý.

- Cháu chào bác, bác cho cháu hỏi thăm… Tôi đâm ra lúng túng.

- Anh cứ hỏi… Không sao, tôi hiểu rồi, hàng ngày đều có khách du lịch qua đây, người thì nhờ vào định vị trên điện thoại, người săm sắn hỏi đường đến homestay.

- Cảm ơn bác.

Ông già dẫn tôi đi thẳng lên con đường thoai thoải, Hưng cho xe chạy lò dò ngay phía sau lưng. Chúng tôi đã qua đoạn dốc, trước mắt tôi là một khu đất rộng, bên cạnh sân vận động nằm bên dãy núi ngày nào còn um tùm bóng cây là một khu nhà tưởng niệm nhỏ nhắn, nhưng rất khang trang. Nắng đã lên, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông cụ nhìn tôi có vẻ khó hiểu.

- Trước mặt anh là 2 homestay mới mở, chất lượng phục vụ tốt. Nhà tôi ở ngay đây. Bao năm rồi vẫn ở đấy.

Thấy tôi có vẻ đang đăm chiêu, đã bước được vài bước, ông quay lại hỏi:

- Hình như anh còn có điều gì băn khoăn?

- Thưa bác, có phải năm 1959 tại đây bà con ta được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm không ạ?

- Đúng rồi! Năm nào vào ngày 7/5 tôi cũng lên thắp hương ở nhà tưởng niệm của Bác.

Tôi theo ông cụ vào thắp hương, đến khi bước xuống bậc thềm, nhìn ra sân vận động, ông chỉ tay:

 - Con trai biết không, ngày 7/5/1959 không thể nào quên ấy, người người xếp đông nghịt dưới kia, xếp hàng thành từng khối trông lên Lễ đài để thấy Bác Hồ. Tưởng như Tây Bắc có bao nhiêu hoa cùng hẹn ngày cùng nở. Người cùng quần tụ lại như núi theo lời Bác dạy, chỉ có đoàn kết mới đánh được Tây, đuổi được Nhật, lấy lại sông núi của cha ông mình. Chúng ta như có thêm một nguồn sức mạnh tham gia các cuộc kháng chiến.

- Bác cho cháu hỏi thăm một người, nhưng cháu không nhớ tên, chỉ nhớ bác ấy có nốt ruồi bên cằm phải, vốn là học sinh trường Trần Đăng Ninh…

- Thế thì nhiều người lắm, ông ấy tên gì cháu.

Tôi không biết trả lời thế nào:

- Cha cháu giờ cũng không còn nhớ, nhưng có lần ông nói là bác ấy nhà cũng gần gốc đa này…

- Phà ơi! (trời ơi), ông lão reo lên, bàn tay run run nắm chạy tay tôi. Ta đây, chính vết sẹo từ lần bị thương đã lấy đi cái nốt ruồi nên nhiều người không nhận ra ta. Thế bố cháu… cũng là học sinh trường Trần Đăng Ninh sao?

- Vâng, cha cháu tên Trung, đã đi khỏi mảnh đất này từ khi học hết lớp 7, rồi sau này vào quân ngũ, thế còn bác…         

- Ta là Hiêng đây, người  bạn một thời của ông Trung đây. Ông Trung còn sống sao? Sao ta nghe nói ông hy sinh rồi.

Tôi chậm rãi kể cho ông Hiêng nghe về cha tôi. Những năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Sau một trận bom oanh tác của địch, toàn bộ trung đội hy sinh, còn lại cha tôi bị sức ép nhưng may mắn sống sót.

Tôi lấy từ trong ba lô ra một bức tranh, bức tranh được vẽ bởi người khiếm thị, nhưng những nét vẽ còn khá sắc nét.

- Bác ạ, những năm tháng phải chiến đấu với những vết thương hành hạ, những cơn sốt rét rừng tái phát, cha cháu vẫn kiên trì với giá vẽ, vẽ bằng tưởng tượng. Và đây là… bức tranh cha cháu vẽ về Bác Hồ trong ngày người đến nói chuyện với đồng bào Tây Bắc…

- Quá giống như cảnh thật cháu ạ. Ngày đó tuy không có ảnh chụp, nhưng cha cháu đã tái hiện lại bằng chính lòng kính yêu với Bác Hồ. Chúng ta đứng xếp hàng, khi Người đã dừng lời, bà con vẫn lặng đi rồi cùng reo vang như sấm dậy. Tây Bắc mình, nước Nam mình có Cụ Hồ như ông tiên hiền từ.

- Thưa bác, gặp được bác cháu càng hiểu thêm về một thời, về tình yêu của bà con nơi đây với Bác. Nhất định cháu sẽ viết một câu chuyện về bác và cha cháu, về tình yêu của bà con miền núi với Bác…

Ông Hiêng ôm chầm lấy tôi, đôi mắt ngấn lệ. Chúng tôi cùng nhìn lên Tượng đài Bác Hồ, như nghe thấy tiếng của Người từ 60 năm trước còn sang sảng mà ấm áp. Theo tay ông Hiêng chỉ, những cành ban đang khoe sắc. Hình như ở đây, hoa ban nở rất lâu đến tận tháng Năm, như vẫn luôn nhắc mãi câu chuyện về ngày Bác đến với mảnh đất này…



Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục