Truyện ngắn của Thu Đình

 

- Alo! Cương đấy à? Con…

- Con đang bận chút việc… Con sẽ gọi lại sau nghe ba! Ông Quảng sau một hồi khó nhọc lần tìm tên con trai trong danh bạ điện thoại, mừng rỡ khi nghe tiếng chuông từ đầu dây bên kia vang lên từng hồi đến khi con trai ông nhấc máy. Hình như ông muốn thông báo với con trai một tin vui gì đó. Nhưng rồi câu nói của con trai khiến khuôn mặt ông trở nên buồn xo. Ông khẽ lắc đầu, tay đặt nhẹ chiếc điện thoại xuống mặt bàn, lặng lẽ bước ra ngoài hiên.

- Con nó bảo sao hả ông? Bà Phúc ngồi thái mớ rau muống cho đàn gà đang lục tục đòi ăn ở một góc sân, ngẩng lên nhìn chồng, hỏi. Ông Quảng bần thần:

- Chắc con nó bận việc công ty nên… bà Phúc hiểu ý, gượng vui, giọng xuề xòa:

- Thôi ông ạ. Con cái chúng nó lớn cả rồi. Bao nhiêu việc phải lo. Mình già, mình cần con, muốn được trò chuyện, được quan tâm chúng nó và được chúng nó quan tâm, nhưng chúng nó lại nghĩ khác. Mình cũng nên thông cảm cho con.

- Thì đành rằng thế… Chỉ là… lâu ngày chúng nó không về. Điện thoại cũng không gọi lấy một cuộc. Muốn gọi hỏi thăm, tiện thể nói chúng nó biết, trong vườn, cây na dai vừa chín. Luống rau cải, giàn đậu ve đã đến lúc thu hoạch, vợ chồng thằng Cương nó cũng thích ăn. Rồi thì… Giọng ông Quảng lại nặng trĩu:

- Có con có cháu dù sao nhà cửa cũng đỡ lạnh lẽo, trống trải. Chứ có mỗi hai thân già ra vào… buồn lắm.

Ông bà Quảng sinh được hai người con. Hằng, con gái đầu lấy chồng tận Sài Gòn. Một, hai năm cũng mới về thăm nhà được một lần. Còn mỗi Cương, học hành xong đâu vào đấy, ra trường, lập nghiệp rồi lấy vợ và ở trên phố. Từ phố về quê đi chừng 2, 3 giờ đồng hồ. Ông bà Quảng cũng mừng lòng vì con trai tuy ở trên phố, nhưng khoảng cách cũng chẳng xa xôi là mấy.

Hồi vợ chồng Cương còn son năng về thăm nhà. Giờ có con cái, hai vợ chồng lại càng bận bịu hơn kể từ khi thành lập công ty riêng. Thế nên thời gian dành cho ông bà Quảng càng trở nên khiêm tốn. Như cái cách vẫn thường làm, mỗi khi liên lạc với con không được, ông Quảng lại cầm cuốc ra vườn sáo cỏ, cuốc đất, phụ bà hái rau, tưới rau…

- Ba ơi, cuối tuần này, cả nhà mình về quê chơi với ông bà đi ba! Cô giáo con cho bài tập về nhà, tả về một loại cây ăn quả trong vườn. Con muốn được ông nội giúp đỡ. Trong bữa cơm tối của gia đình Cương, Phong, con trai đầu, năm nay lên lớp 5 rủ rỉ.

- Dạo này ba mẹ bận việc công ty quá. À… Nghe con nhắc đến ông bà nội, ba mới chợt nhớ. Sáng nay, ông nội có gọi điện, giọng ngập ngừng như muốn nói gì đó. Ba bảo sẽ gọi lại mà quên mất.

- Em cũng quên khuấy mất, ba cũng có gọi điện cho em, nhưng lúc ấy đang bận chở con đi học nên em không để ý. Về đến công ty, em thấy cuộc gọi nhỡ của ba... Nào công việc, nào con cái… thành ra, em cũng quên mất gọi điện lại cho ba. Con bé Lan, con gái út của anh chị, năm nay mới lên 8 tuổi nhưng giọng thì đã rành rọt như bà cụ non:

- Ba mẹ gọi điện cho ông bà đi ạ. Cô giáo con bảo, đối với ông bà, tài sản lớn nhất chính là con cháu. Con từng nghe bà nội bảo, ông bà vui nhất là khi được nói chuyện với con cháu, được cả nhà mình thi thoảng về thăm, ăn bữa cơm chung với ông bà.

Câu nói của con gái khiến Cương nhớ tới mảnh giấy màu vàng anh đã từng ghi chú với dòng chữ "Dù bận thế nào cũng phải gọi điện về cho ba mẹ mỗi ngày”, được dán ở bàn làm việc của anh ngày trước. Điều ấy bấy nay hình như đã bị anh lãng quên, bởi lịch làm việc dày khít, vì những bữa tiệc với khách hàng từ chiều muộn tới đêm khuya mới về…

Đối với Liên, vợ của Cương, ba mẹ chị mất sớm, thế nên kể từ khi về làm dâu ông Quảng bà Phúc, chị luôn xem hai người như ba mẹ mình. Chỉ có điều… cũng chỉ vì cuộc sống, vì công việc, nhiều khi cũng như chồng, chị quên mất niềm vui nhỏ bé của ba mẹ.

- Ba, mẹ! Vợ chồng con…

- Liên đấy à? Khi chiều ba gọi hỏi thăm vợ chồng con và hai cháu thôi. Không có chuyện gì quan trọng đâu nghe con. Ông Quảng ngắt lời con dâu, gượng vui nói.

- Dạ. Ba ơi, cuối tuần này, vợ chồng con sẽ đưa các cháu sẽ về chơi ạ!

- Có thật thế không con? Bà ơi, nghe con dâu nó nói kìa. Cuối tuần này chúng nó sẽ về đấy! Từ đầu dây bên kia, chị Liên nghe rõ lời của ba chồng nói với mẹ. Tự dưng, chị thấy động lòng, có chút ân hận. Chỉ là việc con cháu về chơi, vậy mà ba mẹ chồng lại phấn khởi, lại vui đến thế.

Hôm nay, ông Quảng ra chuồng gà, chọn hẳn con trống ngon nhất, đem ra bờ giếng chuẩn bị làm thịt đãi con cháu. Bà Phúc vừa mới đi chợ sớm về, tay xách cái làn, bên trong đựng mớ cá rô đồng, dự là sẽ kho với khế vườn nhà. Món này con dâu thích ăn nhất. Bà tính lẩm nhẩm rồi tủm tỉm cười, lòng khấp khởi khác thường. Bà còn không quên mua hai gói cốm cho hai đứa cháu. Mùa này ở quê đang là mùa cốm, chắc hai cháu sẽ thích cho mà xem. Lòng tự nhủ, chân tay bà cứ thế thoăn thoắt.

- Ông ơi! Bà ơi!... Giọng cu Phong và cái Lan đã ríu rít ngoài gõ. Đi sau là vợ chồng Cương, ai nấy vui cười hớn hở, tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ này thức nọ.

- Ba, mẹ! Gia đình con về xin ba mẹ bữa cơm cà canh rau, ba mẹ có đồng ý không ạ? Cương tủm tỉm cười nhìn ba mẹ với ánh mắt yêu thương.

- Gì chứ cơm cà, canh rau thì nhà mình thiếu gì! Bà Phúc tóm tém.

Bữa cơm gia đình ấm cúng, vui vầy bên con cháu, ông bà Quảng cảm thấy hạnh phúc không gì bằng. Xong rồi, con bé Lan quấn lấy bà nội để được nghe bà kể chuyện cổ tích. Thằng cu Phong thì theo ông nội ra vườn ngắm nghía gốc na để hoàn thành bài Văn cô giáo giao về nhà. Còn vợ chồng Cương tranh thủ giúp ba mẹ sửa lại cái chuồng gà, gia cố thêm cho giàn đậu ve, túi hạt giống cúc vàng cũng được đem gieo xuống luống đất nơi góc vườn chờ ngày nảy mầm, đơm hoa.


Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục