Ngày trước, sáng sớm tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao. Ban đầu, tôi đoán đó là xe chở rác, hay tiếng bánh xe của một tủ hàng bán đồ ăn sáng. Nhưng thật ra đó lại là tiếng của một cái xe bò được kéo theo chiếc xe wave của một người làm bảo vệ ca đêm. Chú dùng chiếc xe đó để lượm lặt phế liệu vứt ngoài đường và hút đinh, kim loại sắc nhọn để các xe qua lại không còn bị thủng lốp. Buổi sáng bắt đầu bằng điều tử tế như thế.

Từ ngày đi làm tôi hay phải thức khuya vẽ những bản thiết kế. Cứ vẽ xong rồi ngắm nghía, thấy chán lại vò xé, lại vẽ. Sự sáng tạo của tôi như chum gạo nhà nghèo, nay chắt, mai gạn cứ thế vơi dần. Tôi thức dậy khi đồng hồ đã chỉ 8, 9 giờ sáng, người dậy muộn luôn tự đánh mất những ban mai vốn có của mình. Nhịp sống đã bỏ rơi tôi như một chuyến tàu đã rời ga từ bao giờ. Cha mẹ tôi trước khi đi làm thường để lại một tờ giấy dặn dò bên ổ bánh, gói xôi… như một hy vọng vào đứa con đang sống lạc nhịp với nhân quần ngoài kia. Càng tiếc thời gian tôi càng lún sâu vào sự vầy vò hàng đêm và cố tìm đáp án cho những hoài bão.

Rồi thời gian như con sông ngoài kia cứ chảy trôi không đợi ai, cha mẹ tôi già đi, người khuất bóng, người lẻ loi đơn chiếc. Tôi nhận ra mọi thứ mình theo đuổi hình như cũng phù du, đi mãi lại bắt gặp ngày xưa hồn nhiên thơ bé. Phải khó khăn lắm tôi mới có thể dậy sớm để bắt đầu ngày mới theo cách cũ của mình.

Nhưng ngày sớm giờ đây đã thật khác. Tôi lặng lẽ tìm một đôi giày cũ trong tủ, bước trên con đường cũ và lòng đầy háo hức khi thấy phía xa xa một sắc hồng gợn mây trời. Giấc ngủ thời trẻ con không còn níu giữ được tôi trên chiếc giường êm ấm, những háo hức, kiếm tìm danh lợi thuở thanh xuân không thể làm tôi thức khuya, dậy muộn. Giờ tôi cần đi ngược lại chiều thời gian, bước theo những điều mình thích…

Phía trước, một người sửa đồng hồ với chiếc tủ kính bám bụi đang ngồi ngắm mặt trời lên. Mùa này, mặt trời lên muộn, thời gian lười biếng uể oải kéo từng sợi nắng tãi lên mặt đất. Ông ta cứ đợi những người cần đo đếm thời gian, nhưng những con số trên smart phone, trên laptop, trên xe bus đã làm thay việc của những chiếc kim phút, kim giờ từ rất lâu rồi. Người thợ có lẽ bất ngờ khi thấy tôi bước đến. Nhưng dường như sau quá nhiều thất vọng, chẳng cần tôi cất tiếng hỏi, ông chỉ luôn cho tôi đường rẽ đến trung tâm thương mại mới mở. Tôi biết, đó là nơi mà tốc độ của công nghệ sẽ khiến thế giới này phẳng hơn và ngày tròn vo trong từng gói dữ liệu. Nhiều người đến ngã ba này thấy hồ nghi về sự vắng vẻ và hỏi đường như thế.

Tôi lắc đầu và đưa cho ông chiếc đồng hồ poljot cũ. Đây là chiếc đồng hồ của cha tôi để lại, tôi luôn giữ nó trong túi áo ngực, nơi gần trái tim nhất và lên dây cót hàng ngày nhưng không mấy khi xem giờ. Tôi đã mang nó đi khắp các miền đất, để các bác thợ lau dầu, sửa chữa. Tôi muốn tìm lại những người thợ, những công việc có lẽ sắp mất đi trong thời công nghệ. Có thể không bao giờ tôi được gặp lại buổi sáng thật an lành với tiếng xe rà đinh của chú bảo vệ ngày trước, nhưng ít ra tôi vẫn có những vòng quay tích tắc khe khẽ của mình. Chú bảo vệ ngày xưa lượm rác, nhặt đinh đem bán để mưu sinh và trừ mối nguy hại cho người đi đường, còn tôi đang lượm lặt quá khứ rơi rớt đâu đó...

Có người bảo tôi sao phải phí tiền và tốn thời gian vô ích như thế? Chừng đó đủ để tìm một chuyến du lịch, hưởng thụ dịch vụ và bù đắp lại tuổi thanh xuân lam lũ của mình. Tôi lại nghĩ khác, thua thiệt trước những người vất vả hơn mình cũng là một điều quý giá mà ta nhận được. Cố gạn lại một chút giá trị của những thứ tưởng như sắp thành phế liệu như chiếc đồng hồ cơ, chiếc xe đạp cổ, chiếc máy ảnh đã không còn phim để chụp… cũng thú vị hơn vò đầu, bứt tai tìm ý tưởng sáng tạo như ngày trước.

Bước ra một ngày mới, tôi thấy cuộc đời chưa bao giờ cũ kỹ, ngoảnh lại phía sau lưng, thấy mới mẻ vẫn hiện ra, ngó xung quanh mình bao điều lạ lẫm đang đón đợi từng ngày… 

 

Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Ký ức xanh ngời… 

Ngày hội trường, cậu bạn từ miền Trung cũng ra kịp chuyến tàu chiều để sáng hôm sau từ Hà Nội về thăm trường cũ. Mọi khi ồn ào thế, mọi khi "ăn sóng, nói gió” thậm chí có cả chút bặm bụi công trường. Thế mà lần này… Cứ nhìn bạn đứng nép bên cô giáo chủ nhiệm đã gần 80 tuổi để chụp ảnh thì biết, như một cậu học trò nhỏ ngày nào, mới vào học cấp 3 trường huyện.

Những cuốn vở cũ

Ngày nghỉ về quê, đúng ngày nhà bác gái chuyển dọn nhà cửa, thế là chúng tôi có dịp đến thăm căn nhà cũ. Bác ra tận ngõ đón, tiếng nói tiếng cười rổn rảng: "Biết chúng mày bận, bác đánh tiếng thăm dò và cũng nghĩ là 50/50 thôi, không ngờ cả nhà lại đến. Mừng húm…”.

Về cánh đồng làng nghe gió kể...

Không biết từ bao giờ, tôi hay nhớ cánh đồng làng đến vậy. Nhớ ngày bé theo mẹ gánh lúa, tôi trầy trật bờ thấp bờ cao. Mẹ bó cho tôi mỗi đầu 3 nắm lúa, tôi gánh đi cả trên bờ dưới ruộng.

Chuyện nhà hàng xóm

11 giờ khuya, ông Hạnh vừa cài xong chốt cửa thì nghe tiếng chuông réo. Từ ngày đứa cháu ở quê bị tai nạn, ông luôn ám ảnh bởi tiếng chuông cửa hay tiếng chuông điện thoại mỗi khi về đêm. Lại một hồi gấp gáp nữa. Cửa mở, trước mặt ông lố nhố 5, 6 thanh niên tay cầm gậy gộc, hình như có cả dao quắm. Họ bảo nhau, không phải nhà này rồi vội vã lao đi. Ông ném ánh mắt khó chịu vào khoảng không lẩm bẩm, đêm hôm bấm nhầm chuông cửa nhà người ta mà không mở miệng được một câu xin lỗi.

Thu đi dài năm tháng…

Vẫn là Hồ Gươm xanh thắm… Buổi sáng mùa thu, nắng vàng nhẹ như rải những giọt mật vàng trên những lối đi ven hồ và gió thổi thật nhẹ, dâng những nỗi niềm khe khẽ, dịu dàng. Thu Hồ Gươm bao giờ cũng nhẹ, cũng khác và thật thiết tha. 2 cô bé kia chắc lần đầu ra Hà Nội, lanh chanh chạy dọc con đường ven hồ tìm chỗ check-in ưng ý nhất, cả 2 bố mẹ mỗi người một điện thoại mê mải chụp từ nhiều góc khác nhau. Tiếng người cha: "Chụp ảnh với cây, với hồ, với Tháp Rùa ổn rồi… Giờ không biết ai muốn ăn kem không nhỉ?”. Tiếng 2 đưa trẻ đồng thanh "kem đậu xanh bố nhé… Kem... kem”… Ôi tuổi thơ một sáng mùa thu mát lành, êm dịu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục