(HBĐT) - Cầm tờ giấy nhập học trên tay, Quyên vô cùng sung sướng. Là cô gái tỉnh lẻ được ra Hà Nội học đại học là ước mơ của Quyên trong suốt 12 năm đèn sách đến trường. Là niềm tự hào của cha mẹ một nắng, hai sương, năm nào mưa thuận, gió hòa mới gọi là đủ ăn để cố gắng nuôi các con học hành. Nay Quyên đỗ đại học, bố mẹ phải vất vả nhiều hơn để kiếm tiền nuôi Quyên học ăn học. Niềm vui chưa tày gang, nỗi buồn ào đến khiến Quyên nao lòng càng thương cha, thương mẹ. Hiểu nỗi lòng con gái, anh Bình cầm tay con gái thủ thỉ:

 

- Con gái này! Bố mẹ thiệt thòi vì nghèo quá mà không được học hành đến nơi đến chốn nên bây giờ nhà mình vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo. Nay con hơn cha là nhà mình có phúc rồi. Con cứ yên tâm mà đi học, tiền học bố mẹ sẽ lo liệu dần. Dù có vất vả thì con cũng phải cố gắng học cho bằng bạn, bằng bè, đừng ăn chơi đua đòi thói hư, tật xấu ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, họ hàng thì dù khổ đến mấy cha mẹ cũng vui lòng.

 Hai bố con đang dở câu chuyện thì cũng vừa lúc chị Duyên đi chợ về, chị hồ hởi:

- Hôm nay gặp bà Oanh đầu ngõ mở hàng may quá, ra chợ loáng một lúc đã hết gánh rau.

Cu Tít đang làm bài tập toán thấy cả nhà ríu rít vội chạy ra hóng chuyện, Tít ôm vai chị Quyên nhõng nhẽo:

- Chị đi học rồi cuối tuần nhớ về chơi với em nhé, vắng chị em buồn lắm.

Quyên lau vội giọt nước mắt đang lăn dài trên má ôm em trai vào lòng mà nhắn nhủ:

- Chị biết rồi, em ở nhà phải nghe lời bố mẹ chăm chỉ học hành, không được đi chơi điện tử. Nhà mình còn nghèo, để có tiền cho chị em mình ăn học bằng chúng bạn là nỗi lo cơm áo gạo tiền, là nỗi vất vả của bố mẹ sớm hôm. Em thấy không, khi em còn đang ngon giấc ngủ thì mẹ đã phải dậy từ lúc mờ sương hái được gánh rau ra chợ bán được mấy chục ngàn, thế mà hôm trước em đi chơi điện tử hết cả gánh rau của mẹ đấy. Chị buồn lắm nếu em không bỏ được thói hư đấy chị không đi học đại học nữa.

Tít ôm chị giọng mếu máo:

- Em biết lỗi rồi, tại hôm đó thằng Tuấn ở đầu ngõ nó rủ nên em... Thôi được rồi,  lau nước mắt, vào rửa mặt rồi chuẩn bị ăn cơm.

Bữa cơm “liên hoan” để Quyên về Hà Nội học đại học tuy không thịnh soạn nhưng tràn ngập niềm vui. Anh Bình nhâm nhi chén rượu nhạt rồi thủng thẳng:

- Con vào đại học mà bố mẹ chẳng có tiền mua cho con chiếc điện thoại mới, con cầm tạm cái điện thoại cũ của bố để liên lạc khi cần. Từ nay đến cuối năm, trời thương nhà mình cho đàn lợn hay ăn chóng lớn, không bệnh tật, được giá bán đi, bố sẽ mua cho con chiếc điện thoại mới. Những lời bố nói chầm chậm mà sao tim Quyên như bị bóp nghẹt, nước mắt trực trào ra. Quyên nghẹn ngào:

- Con cảm ơn bố mẹ nhiều lắm! Con đi học rồi lại thêm nỗi vất vả cho bố mẹ. Con chỉ mong bố mẹ luôn khỏe mạnh.

Ngày nhập trường, Quyên thầm nhắc bản thân phải tu chí học hành thật giỏi để sau này ra trường trở thành người có ích cho xã hội, cũng là để báo hiếu cho bố mẹ.

 

 

 

                                                                       Ngọc Anh

                                                             (Chăm Mát - TPHB)

 

 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục