Nhiều vị cao niên trong làng biển Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã gặp nhau, cùng tổ chức trang trọng Lễ hội Cầu ngư của làng vào sáng ngày 1-4, nhằm ngày 16-2 Âm lịch. Đây có lẽ là Lễ hội "đặc biệt” nhất từ trước đến nay, bởi, trong tương lai, không biết người dân làng biển cổ này có còn không gian để mùa lễ hội cầu ngư có đủ cả phần hội và lễ.



Các vị cao niên của làng thành khẩn cầu ngư.

Lễ hội được tổ chức tại Lăng Ông ngư, phần di tích còn lại sau khi toàn bộ khu vực này đã được di dời, giải tỏa nhường đất cho Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort and Spa của Tập đoàn Trung Thủy (TP Hồ Chí Minh).

Sách sử ghi lại rằng, lăng Ông Ngư được xây dựng từ thời Vua Gia Long (1802). Lúc đầu lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè; đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) lăng được tôn tạo bề thế hơn. Năm Bảo Đại thứ 10 (1935), lăng được làm mới, mái lợp ngói âm dương và người dân làng biển Nam Ô gìn giữ đến bây giờ. Phía trong lăng là nơi hiện đang cất giữ hài cốt cá Ông đã được cải táng. Tại khuôn viên của lăng hiện đang có một ngôi mộ cá Ông mới được an táng.

Những năm trước khi chưa có Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort and Spa, lễ hội cầu ngư chính là dịp để hàng trăm ngư dân làng Nam Ô được vui chơi, giải trí, tham gia phần hội với những phần thi như đua thuyền truyền thống, kéo co, đánh bóng chuyền và đan lưới… ngay bên bờ biển. Đó là ngày hội của làng biển và cũng là dịp để ngư dân tỏ tấm lòng biết ơn mẹ biển, biết ơn các vị thần biển đã luôn che chở, cho mưa thuận gió hòa, sóng êm biển lặng để họ mưu sinh. Nhưng năm nay, vì làng đã giải tỏa tan tác, người dân làng biển Nam Ô đã không được dự phần hội, lễ chỉ được tổ chức phần lễ cúng trang nghiêm với lễ bến, lễ túc và lễ chánh. Đây có lẽ là lễ hội cầu ngư "đặc biệt” và vắng nhất của làng biển Nam Ô.

Các vị cao niên của làng nói rằng, lễ hội cầu ngư là tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây được truyền qua bao thế hệ. Việc thành phố quyết tâm giữ lại Lăng Ông ngư cùng quần thể di tích, núi cấm, ghềnh đá là một quyết tâm đúng đắn và rất ý nghĩa.

Cụ Phan Liên, trú tổ 13 phường Hòa Hiệp Nam, tâm sự: "Đã mấy trăm năm nay dân làng biển Nam Ô vẫn giữ lễ hội cầu ngư này. Mấy năm nay do giải tỏa, di dời nên dân làng bây giờ kẻ nơi này người nơi khác, nhưng ai cũng nhớ ngày lễ cầu ngư để trở về đây để tưởng nhớ và ghi ơn. Người dân chúng tôi vui mừng khi biết chủ trương của thành phố sẽ trùng tu tôn tạo lại Lăng Ông, dinh miếu và cảnh quan nơi đây”.

Nam Ô là làng biển cổ của Đà Nẵng. Nơi đây, có những dấu tích hoang sơ, nhiều dinh, miếu thờ, khu vực núi cấm, ghềnh đá…Vẻ đẹp hoang sơ của làng biển có hàng trăm năm tuổi này cũng là nơi giao thoa văn hóa giữa văn hóa Việt và văn hóa Chămpa. Ở Nam Ô, ngoài làng nghề truyền thống nước mắn Nam Ô, nơi đây, còn có nhiều giếng cổ của người Chăm. Mấy năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của thành phố, hơn một phần ba dân số của làng biển Nam Ô đã di dời, giải tỏa để nhường biển cho dự án Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort and Spa. Dân yêu cầu giữ lại Lăng Ông Ngư, Dinh Âm hồn, núi cấm, ghềnh đá…Theo các cụ cao niên trong làng, bao đời nay cha ông họ đi biển - mỗi khi ra khơi và cập bến - đều lấy ghềnh đá này để làm cột tiêu, làm hướng tâm đất liền để trở về. Cánh rừng cấm và ghềnh đá đó, bao đời nay, đã như một tấm bình phong chở che cho ngư dân làng biển Nam Ô và làm nên những nét đẹp, huyền sử, bình yên cho mảnh đất này.

Tuy nhiên, mới đây, người dân đã phải tập trung đòi lại lối đi xuống biển khi dự án này tiến hành rào chắn, khoanh vùng diện tích đất dự án và cấm dân xuống biển. Dư luận nóng lên và chính quyền thành phố đã vào cuộc, rốt ráo giải quyết vụ việc. Ngày 29-3, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì phiên làm việc với Công ty Cổ phần Trung Thủy - Đà Nẵng, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Nam Ô về một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án này.

Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các ngành chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (được phê duyệt theo Quyết định số 1756/QĐ-UBND ngày 22-3-2014) theo hướng chấp hành nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển.

Cụ thể, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử tại khu vực; đề xuất các phương án bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của khu vực này cũng như xác định vị trí khu vực bãi tắm công cộng. Ngoài ra, tổ chức khảo sát, đánh giá hạ tầng khu dân cư chỉnh trang và đề xuất phương án cải tạo giao thông, tạo lối xuống biển, trong đó lưu ý đến tuyến đường giáp ranh giữa khu dân cư và Dự án bảo đảm phục vụ nhu cầu sử dụng tại khu vực.

Biển Nam Ô trong ngày Lễ hội cầu ngư vẫn bình yên, người dân vẫn ra khơi với những chuyến biển ven bờ. Nhưng, nỗi buồn mà chúng tôi nhận thấy trong lời tâm sự, trong những đôi mắt của các lão ngư làng biển, như một con sóng lặng cứ cuốn theo sóng biển ra khơi. Đi giữa ngổn ngang của xà bần, đất cát, cụ Phan Liên nói rằng, một mai này con cháu làng biển Nam Ô vẫn phải giữ lấy, bảo vệ những giá trị văn hóa tâm linh này. Với ngư dân, tâm linh văn hóa biển đã ăn vào máu thịt và hy vọng năm sau, lễ hội sẽ lại đủ đầy.

 

 

 

Clip Lễ hội cầu ngư ở làng biển Nam Ô.

 

Làng biển Nam Ô bây giờ.

Dinh âm hồn...

Nghi lễ cầu ngư đặc biệt sáng 1-4.

 

Các vị cao niên làng biển Nam Ô.

Làng biển Nam Ô bây giờ sau di dời, giải tỏa.

 

Và nỗi buồn vẫn in đậm trong trái tim người dân làng biển Nam Ô.

Người dân làng biển vẫn ra khơi trong ngày lễ hội cầu ngư.


                                                           Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Đất nước tươi đẹp qua ảnh của Vũ Hải

Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải - vừa nhận kỷ lục quốc gia ‘Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất’ - mang đến những khung cảnh khi mát lành, khi lộng lẫy về đất nước tươi đẹp, và những khoảnh khắc trân quý cuộc đời.

Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, ấm áp

Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer (đứng thứ ba khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với khoảng 56.400 hộ, 238.000 nhân khẩu. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay diễn ra từ 14 - 16/4/2023 (nhằm 24, 25 và 26 tháng 2 Âm lịch).

Tự hào với 22 di sản thế giới tại Việt Nam

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản được UNESCO vinh danh.

Kiến trúc độc đáo nhà dài truyền thống của người Ê Đê

Đồng bào Ê Đê sinh sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Đắk Lắk, ngoài ra còn có một số nhóm người Ê Đê định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ thời xa xưa, người Ê Đê đã làm những ngôi nhà sàn dài để ở và tránh thú dữ. Nhà dài truyền thống Ê Đê đã đi vào sử thi, truyện cổ, âm nhạc, hội họa như những trang huyền thoại.

Khám phá di sản văn hóa nổi tiếng thế giới – Qua chuỗi 6 nước châu Âu “Ý – Thụy Sĩ – Pháp – Bỉ – Hà Lan – Đức”

Châu Âu đã quá nổi tiếng với quá trình xây dựng lịch sử văn hóa và kinh tế tương đối lâu đời, mang đậm nét Hy Lạp cổ đại. Với bề dày lịch sử, các thành phố luôn là điểm thu hút đối với những du khách muốn tìm hiểu một trong những nền văn hóa và văn minh bậc nhất thế giới này.

Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận?

Bạn có thể tự hào khi biết rằng ngoài 3 di sản thiên nhiên thế giới thì Việt Nam có tới 15 di sản văn hóa thế giới và 4 di sản tư liệu thế giới được UNESCO vinh danh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục