Thầy mo làm lễ.

Thầy mo làm lễ.

(HBĐT) - Mo Mường là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời. Mo Mường được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Trên thực tế, Mo Mường được coi là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu.

 

Mo Mường là một chỉnh thể nguyên hợp bao gồm nhiều thành tố văn hóa: Phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, lối sống, ngôn ngữ, văn chương, diễn xướng … phản ánh đặc trưng riêng mang bản sắc văn hóa của người Mường. Trong nỗ lực thực hiện việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Đảng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã và đang tích cực thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiểm kê Di sản Mo M­­ường tỉnh Hòa Bình, tiến tới lập hồ sơ khoa học về Mo Mường đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

Mo Mường, trong quá trình diễn xướng được xem như là một phương tiện giao tiếp và bày tỏ lòng tôn kính đến các lực lượng siêu nhiên; mặt khác Mo Mường phục vụ như một phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên và vũ trụ của người Mường, về tri thức và tập quán xã hội.

Toàn bộ phần Mo Sử thi bao gồm 18 câu chuyện là một pho thần thoại phản ánh một cách kỳ diệu nhận thức về vũ trụ, về công cuộc đấu tranh với thiên nhiên, sinh hoạt xã hội và tư duy xã hội của thời cổ sơ. Chuyện Đẻ đất, đẻ trứng Điếng; Chia năm tháng, đẻ pèl, nước lụt nước cạn phản ánh nhận thức của con người về sự ra đời của trời đất trong vũ trụ, quá trình kiến tạo trái đất, quá trình biển tiến, biển lùi trong lịch sử; Chuyện Đẻ Tá Cài, Đẻ Tá Cần phản ánh sự phát triển của xã hội loài người, về mối quan hệ giữa con người với con người đấu tranh để bước đầu manh nha hình thành xã hội có giai cấp; Chuyện Xin lửa kể về sự phát minh ra lửa; Chuyện Đẻ bát, sanh, ninh, đẻ dầu đèn, đẻ tlống thôm,  làm nhà đều là những câu chuyện về những sáng tạo của con người trong quá trình tạo dựng cuộc sống để tồn tại và phát triển. Chuyện Lấy vợ cho Lang Cun Cần và Đẻ Dịt Dàng phản ánh xã hội loài người thời kỳ quần hôn và trải qua những đớn đau của quá trình sàng lọc nòi giống. Chuyện Tìm Chu tìm Lội, kéo cây chu đồng làm nhà kể về quá trình đấu tranh với thiên nhiên để kiến lập cuộc sống tốt đẹp, câu chuyện này cũng phản ánh bài học về sự đoàn kết, về văn hóa tổ chức và lãnh đạo của con người. Chuyện Đốt nhà Dịt Dàng phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người trong mối tương quan cộng đồng, giai cấp và  bài học về sự vong ơn bội nghĩa sẽ dẫn đến những thất bại khôn lường trong cuộc sống. Chuyện Săn muông cũng là những bài học kinh nghiệm về sự đoàn kết và văn hóa tổ chức lãnh đạo để đấu tranh với thiên nhiên và cuộc sống. Chuyện Vườn hoa núi Cối là câu chuyện tình yêu trong thời kỳ chế độ phong kiến đã bước vào giai đoạn suy vong. Kể về mối tình của hai chàng trai Anh Khói, Anh Hoa đã có gia đình và hai cô gái Nàng Thờm, Nàng Tiên. Câu chuyện đậm màu sắc bi thương của lễ giáo phong kiến dẫn đến kết quả tất cả cùng đau khổ và tình yêu không lối thoát.

Phần mo nghi lễ thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên gắn với các chuyến đi vào các thế giới trên trời, đó là Mo lên trời gồm 5 chương hồi với 42 trường đoạn,  dưới đất hay còn gọi là đi Quốc Nam và mường Chiểng Chạ .

Trong Mo Mường phản ánh rõ nét những dấu ấn giai đoạn sớm nhất của xã hội loài người, những chứng tích, những tư liệu giúp chúng ta khai thác, phục hồi lại được diện mạo sinh hoạt, diện mạo xã hội và tư duy xã hội xa xưa. Thông qua sử thi huyền thoại Mo Mường, cho chúng ta thấy được phương thức cảm nhận thế giới rất đặc trưng; hình thái biểu hiện một cách tập trung và khái quát thế giới quan của người xưa. Các yếu tố tri thức và xúc cảm, lý trí và tín ngưỡng, hiện thực và tưởng tượng,... hòa quyện vào nhau, diễn tả thế giới quan của tộc người Mường thời xa xưa.

Theo thống kê trong đề tài khoa học Kiểm kê Mo Mường năm 2012 do Sở thực hiện, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 284 người làm nghề và thường xuyên thực hiện nghi lễ Mo. Huyện Tân Lạc là huyện có số người làm mo đông đảo nhất, gồm 78 người, huyện Lạc Sơn 45 người và huyện Kim Bôi có 45 người. Phạm vi, quy mô của tín ngưỡng mo thể hiện ở các nghi lễ trong đời sống của người Mường đều ít nhiều có sử dụng đến mo. Trong đó phải kể đến nghi lễ được sử dụng Mo Mường nhiều nhất là nghi lễ đám tang. Xưa kia tang lễ của người Mường kéo dài đến 12 ngày đêm, trong đó là 12 đêm mo và ban ngày là các nghi lễ liên quan và cử hành lễ phúng viếng, lễ cúng cơm.v.v... Ngày nay, theo quy định tang lễ chỉ được phép trong vòng 36 giờ, các nghi lễ mo được rút gọn và giản lược tối đa song, Mo vẫn được sử dụng là chủ đạo trong các nghi lễ chính và cần thiết. Các nghi lễ vòng đời và tín ngưỡng cộng đồng của nhiều vùng Mường vẫn thường xuyên sử dụng Mo là phương thức thực hành tín ngưỡng.

Trên cơ sở kết quả đề tài Kiểm kê Di sản Mo Mường tỉnh Hòa Bình năm 2012, hướng tới mục tiêu thực hiện tốt công tác Bảo tồn và phát huy di sản Mo Mường Hòa Bình theo lộ trình và các bước đạt hiệu quả trong những năm tiếp, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tiến hành giai đoạn 2 của Đề tài là tổ chức dịch thuật từ tiếng Mường ra phiên âm la tinh và từ tiếng Mường ra tiếng Việt phổ thông các áng Mo Mường thuộc các Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động); Tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến trưng cầu của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh và các nghệ nhân để xác định giá trị Di sản Mo Mường Hòa Bình; từng bước tiến hành Lập Hồ Sơ Di sản đưa vào danh mục quản lý của tỉnh, trình Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục Di sản cấp quốc gia và tiến tới Lập hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận di sản Thế giới; Tổ chức Tôn vinh các Nghệ nhân Mo có uy tín của các vùng Mường và có chính sách đãi ngộ các nghệ nhân có đóng góp trong việc bảo tồn và lưu giữ các giá trị Mo Mường Hòa Bình. Xây dựng chính sách quản lý và tạo điều kiện cho việc phát huy giá trị Mo Mường ở các địa phương trong tỉnh một cách tốt nhất, hợp lý nhất vừa đảm bảo được tính văn hóa, văn minh và bảo tồn được giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

 

                                                                 HBĐT tổng hợp

 

 

Các tin khác

Vui ném còn trong lễ hội truyền thống.
Lễ hội Chá Chiêng.
Người dân Mường Vang vui các trò chơi dân gian trong lễ hội.
Người Thái vui hội xên bản, xên mường.

Cơm Đe Mường Rậm

(HBĐT) - Hàng năm vào dịp trước Tết Nguyên đán, bà con Mường Rậm, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) tổ chức lễ cúng cơm Đe.

Mai Châu, xứ sở của những điệu xòe

(HBĐT) - Múa xòe là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phát triển mạnh trong các lễ hội của người Thái Mai Châu. Ngoài những đặc điểm chung thì xòe Mai Châu có những nét độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của những điệu xòe duyên dáng, chắc khỏe.

Độc đáo tiếng khèn bè của đồng bào người Thái ở Hòa Bình

(HBĐT) - Là một trong bảy dân tộc sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình, người Thái ở huyện vùng cao Mai Châu có những nét văn hóa đặc sắc. Trong số đó, khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo không thể thiếu trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết hay ngày hội đón Xuân... của đồng bào Thái.

Tết sớm của người Dao ở Hòa Bình

(HBĐT) - Với người Dao ở bản Ngọc Lâm, xã Cao Răm (Lương Sơn, Hòa Bình), Tết bắt đầu từ 20 tháng chạp. Các nhà sẽ lần lượt tổ chức ăn uống và mời người thân, họ hàng đến chung vui.

Hoà Bình- Dấu ấn một nền văn hoá Phần 2: Hoà Bình - nơi lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống

(HBĐT) - Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó điển hình là các dân tộc Mường, Thái, Mông Đen. Đây là những tộc người có quá trình cộng cư lâu đời ở các huyện Tân Lạc, Mai Châu của tỉnh Hoà Bình, đã bảo lưu được những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.

Hoà Bình- Dấu ấn một nền văn hoá

(HBĐT) - Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nền "Văn hoá Hoà Bình" nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giầu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao Thái, Mông... Là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối"; những trường ca, truyện thơ đậm nét văn hóa dân tộc và chất nhân văn tinh tế… Mời bạn đến với mảnh đất Hoà Bình để cùng khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của một miền văn hoá giàu bản sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục