(HBĐT) - Vừa cặm cụi đào, chặt bỏ những gốc cam đã hỏng, ông Nguyễn Văn Sửu ở khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chia sẻ: Vườn cam này tôi trồng được 7 năm. Đáng lẽ đây là thời điểm cây sung sức cho thu hoạch để hồi vốn, nhưng giờ phải chặt bỏ cây. Cách đây 7 năm thấy cây cam cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi quyết định chuyển đổi diện tích gần 8.000 m2 trồng mía và rau màu sang trồng cam. Để có nguồn nuôi cây, tôi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 300 triệu đồng. 



Mặc dù cây cam mới trồng được 7 năm nhưng ông Nguyễn Văn Sửu, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) vẫn phải đào bỏ vì dịch bệnh trên cây không chữa được. 

Bắt đầu từ làm hạ tầng, đầu tư bể nước, giếng, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị, nhân công… để chăm sóc cam. Đất mới, những năm đầu cây khoẻ, cho quả bói ngon, ngọt gia đình mừng. Sản lượng tuy không nhiều nhưng cũng đủ để đầu tư cho năm sau. Sau năm đó, vườn cam bắt đầu có hiện tượng vàng lá ở một số ít cây. Nhiều người mách cách xử lý tôi cũng đã thử nhưng không hiệu quả. Càng ngày cây cam càng bị nhiều, dùng thuốc và phân bón cũng không được. Cây càng yếu, thời tiết khắc nghiệt khó đậu quả nên việc thu hoạch không đủ tiền đầu tư chăm sóc. Như vụ cam năm vừa rồi cả vườn được khoảng 3 tấn, cùng với đó giá cam thấp nên chỉ đủ tiền phân bón. Số nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng vẫn còn nguyên. Năm nay, giá phân bón, thuốc trừ sâu lên gấp rưỡi mọi năm. Đến giờ 2/3 số cây trong vườn bị bệnh vàng lá. Nắm chắc là sẽ lỗ nên tôi quyết  định chặt bỏ để trồng ngô.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Sửu, anh Nguyễn Xuân Trường, xã Thu Phong (Cao Phong) cho biết, cách đây 8 năm anh cũng chuyển đổi từ vườn mía và hoa màu sang trồng cam. Do được tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng cam bài bản nên anh chọn đất đồi độ dốc vừa phải, dóc nước, phân bón ủ đúng kỹ thuật, thuốc sâu lựa chọn cẩn thận… Những năm đầu cây xanh tốt,  nhưng từ năm thứ 5 trở đi cây bị vàng lá, dùng nhiều cách cũng không hiệu quả đành phải chặt bỏ cả vườn. Nghĩ cây bưởi khoẻ nên anh trồng thay thế, sau 2 năm cây bưởi cũng bị thế. Theo anh Trường đất đã bị nhiễm vi rút nên không thể trồng được cây có múi.

Qua khảo sát các vườn trồng cam ở thị trấn Cao Phong và các xã lân cận nhận thấy hầu hết vườn nào cũng có cây bị bệnh vàng lá gân xanh. Không thể chăm sóc và chữa được, nhiều vườn phá bỏ trồng cây khác. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Trong những năm gần đây, dịch bệnh vàng lá gân xanh do vi rút gây ra ở cây cam lây lan trên diện rộng. Trước thực trạng đó, nhiều nhà khoa học, công ty bảo vệ thực vật vào cuộc, thử nghiệm nhiều quy trình chăm sóc nhưng đến nay chưa có quy trình hoặc loại thuốc hữu hiệu. Cũng do dịch bệnh trên cây nên diện tích cam Cao Phong giảm đáng kể. Để giữ được thương hiệu cam Cao Phong, UBND huyện đang xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi gian đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu cam Cao Phong. Theo đó, sẽ phát triển khoảng 1.500 ha với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất. Để đề án này được thực hiện cần nhiều nguồn lực về tài chính và sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các hộ trồng cam trong huyện. Đây là tiền đề cho vùng cam Cao Phong phát triển bền vững.


Việt Lâm

Các tin khác


Xã Cao Sơn đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

(HBĐT) - Ngày 25/2, tại nhà văn hóa xã Cao Sơn, UBND huyện Đà Bắc tổ chức lễ đón bằng công nhận xã Cao Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2021.

Vùng cao Đà Bắc mở rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh

(HBĐT) - Hiện nay, mô hình cây gai xanh AP1 đang được trồng theo hướng liên kết giữa hợp tác xã và nông dân các xã Trung Thành, Đoàn Kết, Mường Chiềng của huyện vùng cao Đà Bắc. Việc đưa vào trồng khảo nghiệm ở các xã trên diện tích khoảng 20ha mang lại kết quả khả quan.

Chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước vụ đông xuân 2021 - 2022

(HBĐT) - Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 1.909 công trình thuỷ lợi đã được kiên cố phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, gồm: 1.812 công trình tưới bằng trọng lực, phục vụ tưới cho khoảng 38.000 ha lúa, 11.600 ha màu, 70 ha cây ăn quả, tạo nguồn tưới cho 1.400 ha cây ăn quả; 79 trạm bơm tưới bằng động lực, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.800 ha lúa, 1.300 ha màu, 900 ha cây ăn quả; 18 trạm thủy luân tưới kết hợp trọng lực và động lực, tưới cho khoảng 600 ha lúa, 150 ha màu; 3.723 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.015,7 km (đạt 54,1%).

Huyện Yên Thủy: Linh hoạt chống hạn cho sản xuất nông nghiệp

(HBĐT) - Yên Thủy là một trong những địa phương thường xuyên bị hạn, thiếu nước sản xuất của tỉnh. Để chủ động trong phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2021 - 2022, huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thủy lợi để phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, nguồn nước tưới phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp đảm bảo.

Nông dân huyện Mai Châu bảo vệ sản xuất trong điều kiện giá rét kéo dài

(HBĐT) - Những ngày này, bất chấp thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống sâu còn 8 - 100C, nông dân huyện Mai Châu vẫn tích cực bám đồng, chăm sóc cây trồng, theo dõi đàn vật nuôi nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo vệ sản xuất.

Những dự án trồng rừng còn nhiều tồn tại cần khắc phục

(HBĐT) - Những dự án trồng rừng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất lâm nghiệp, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án chậm, chưa hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần khắc phục đã được cơ quan chức năng chỉ ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục