Phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, thời gian qua, nhiều hội viên nông dân (HVND) huyện Mai Châu chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi.
Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Ông Hà Văn Sêm, HVND dân tộc Thái, Chi Hội Nông dân xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn không còn xa lạ với nhiều người dân địa phương bởi sự năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu. Kinh doanh dịch vụ du lịch từ năm 2017, trải qua nhiều thăng trầm, khu nghỉ dưỡng của gia đình ông ngày càng được nhiều du khách biết đến. Ông Sêm cho biết: Ông cũng như các thành viên của khu nghỉ dưỡng không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm đón tiếp khách chu đáo, chuyên nghiệp. Cơ sở của gia đình ông hiện có 19 phòng khép kín, 2 nhà sàn và bể bơi ngoài trời, có khả năng đáp ứng khoảng 100 khách. Để phục vụ khách từ Mai Châu về Hà Nội và ngược lại, gia đình ông còn có xe ô tô đưa đón và liên kết với các hộ làm dịch vụ xe điện, cho thuê xe đạp tại địa bàn. Nhờ đó, du khách biết đến khu nghỉ dưỡng ngày càng nhiều, không chỉ khách nội địa từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh… mà cả nhiều du khách từ châu Âu, châu Á.
Đến bản Chà Đáy, xã Pà Cò, chúng tôi gặp Sồng A Việt - một nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, anh Việt xây dựng mô hình phát triển kinh tế, đầu tiên là trồng dưa chuột. Mỗi năm, vườn dưa chuột 1 ha cung cấp ra thị trường cả trăm tấn quả, mang lại thu nhập ổn định. Anh còn đầu tư nuôi thêm lợn thả vườn, trồng cây su su lấy ngọn và lấy quả, chăn nuôi dê… Tận dụng cảnh quan và khí hậu của xã, anh xây dựng khu nghỉ dưỡng đón khách. Anh Việt chia sẻ: Hành trình đánh thức tiềm năng của xã vùng cao còn nhiều gian nan, nhưng những nỗ lực của anh cũng như nhiều HVND nơi đây đã được đền đáp. Cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương và sự thay đổi tư duy của người dân, khách du lịch đã biết đến vùng đất này nhiều hơn. Cũng nhờ đó, đời sống bà con ngày càng được cải thiện.
Đến các xã Hang Kia, Pà Cò, Chiềng Châu, Mai Hịch, Nà Phòn..., ở đâu chúng tôi cũng có thể gặp những mô hình SXKD giỏi do HVND làm chủ. Có thể khẳng định, nông dân không những cần cù, chịu khó mà còn năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo những mô hình mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Điều này không chỉ được thể hiện ở mô hình của ông Sêm, anh Việt, mà thực tế còn nhiều những giải pháp, cải tiến, mô hình tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả cao, được nhân rộng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nông dân.
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 huyện Mai Châu, giai đoạn 2021-2024, các cấp HND huyện đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả khả quan; vai trò của tổ chức hội được phát huy. Đặc biệt, sự đồng hành của các cấp HND huyện tạo tiền đề giúp nhiều HVND khẳng định vai trò nòng cốt trong các phong trào lớn của hội như: Thi đua SXKD giỏi, xây dựng nông thôn mới… Đến nay, từ tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện trên 5.489 triệu đồng, đã giải ngân cho 19 dự án với 155 hộ vay vốn. Tổng dư nợ tín chấp với 3 ngân hàng cho HVND vay phát triển SXKD đạt trên 348 tỷ đồng. Trong 3 năm, HND huyện đã hỗ trợ thành lập mới 8 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP, OCOP, hữu cơ; hỗ trợ xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể.
Đồng chí Phạm Thế Anh, Chủ tịch HND huyện Mai Châu cho biết: Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã giúp nhiều HVND biến khu vườn, mảnh ruộng của mình thành những mô hình cho thu nhập khá. Trong xu thế hội nhập, HND huyện tiếp tục tham mưu, phối hợp các cấp, ngành hỗ trợ về thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân; nghiên cứu hỗ trợ thành lập các mô hình liên kết sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác để cung ứng vật tư, giống tốt cho HVND, hỗ trợ vốn, kỹ thuật…
Hải Đăng
Mỗi năm trôi qua, số triệu phú, tỷ phú là nông dân xuất hiện ngày một nhiều ở đất Mường. Cùng với sự đồng hành của các cấp HND trong tỉnh, nhiều hộ hội viên nông dân đã biết chắt chiu, tận dụng từng cơ hội để phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và xây dựng quê hương. Một trong số nhiều nông dân đó tại địa bàn huyện Kim Bôi là ông Triệu Văn Bình – triệu phú nông dân người dân tộc Dao đầu tiên của xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn.
Đối với sản xuất nông nghiệp, một trong những "nút thắt” lớn nhất là đầu ra ổn định cho nông sản. Do đó, việc hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản của ngành chức năng, các cấp chính quyền có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Xã Yên Trị (Yên Thuỷ) có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm điều kiện cải thiện thu nhập gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đã ra mắt mô hình tổ liên kết đan bèo tây tại Chi hội Phụ nữ xóm Tân Thịnh và xóm Lòng. Tuy mới đi vào hoạt động thời gian ngắn nhưng mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương trong thời gian nông nhàn.
Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người có uy tín (NCUT) có vai trò quan trọng. Họ là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con để chính sách dân tộc được thực hiện đúng đắn, hiệu quả.
Nhu cầu kinh phí theo Dự án 5 về phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sử dụng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 514.792 triệu đồng. Đến nay, tổng số vốn giao 313.888 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 57.600 triệu đồng, vốn sự nghiệp 256.288 triệu đồng.
Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, 100% xã có điểm Bưu điện - Văn hoá xã cung cấp dịch vụ internet công cộng phục vụ nhân dân. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Tỷ lệ thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 97,57%; 100% thôn, xóm có đội văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.