Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), huyện Tân Lạc đã thực hiện nhiều cách làm hay để giảm nghèo bền vững, trong đó có phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm.
Huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn, trong đó có 5 xã và 24 xóm đặc biệt khó khăn; diện tích tự nhiên trên 530 nghìn ha, dân số trên 90 nghìn người, với nhiều dân tộc cùng chung sống. Đồng chí Bùi Văn Chánh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: "Trong 2 năm 2023 - 2024, thực hiện dự án 3, tiểu dự án 1 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện được giao kinh phí trên 9 tỷ đồng, số kinh phí có thể giải ngân và thực hiện được trên 5,57 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 4,693 tỷ đồng, đạt 84,2%. Với phương châm "trao cần câu hơn trao con cá”, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 có thể nói có hiệu quả kép. Thứ nhất, bà con ủng hộ trong việc bảo vệ, nâng cao diện tích bảo vệ rừng, diện tích rừng được giữ ổn định. Thứ hai là thu nhập của người dân tăng lên thông qua nghề rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng".
Gia đình bà Bùi Thị Ken ở xóm Hông Thọng, xã Nhân Mỹ là một trong những hộ khó khăn được hưởng lợi từ dự án 3, tiểu dự án 1. Bà Ken chia sẻ: "Khi tiếp cận dự án, gia đình được Nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón; được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây keo sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, chống chịu được với các hiện tượng thời tiết. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc vườn keo để có nguồn thu giúp kinh tế khấm khá hơn".
Năm 2023, xã Nhân Mỹ được CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN phân bổ trên 460 triệu đồng thực hiện tiểu dự án 1. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, xã đã họp bình chọn, ưu tiên các hộ khó khăn có đất sản xuất để hỗ trợ cây giống, phân bổ phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. Đồng chí Bùi Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: "Trong những năm qua, các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn, nhất là được chương trình hỗ trợ về cây, con giống cuộc sống của bà con đã có nhiều cải thiện, điều kiện kinh tế dần tốt lên so với thời gian trước".
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc phối hợp các dự án, cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện, thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ” trong phòng cháy chữa cháy rừng. Tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về cách trồng, chăm sóc rừng. Từ đó người dân hiểu được ý nghĩa của việc trồng rừng và phát triển rừng, chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ, phát triển rừng.
Đồng chí Hà Văn Hoan, cán bộ kỹ thuật Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc chia sẻ: "Kỹ thuật trồng cây keo mô hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2,5m nên hơi khác so với bà con quen trồng từ 1 - 1,5m/cây. Ngoài tuyên truyền, phổ biến, chúng tôi in phát tờ rơi để bà con nắm được và trồng theo đúng kỹ thuật, sau 4 tháng triển khai đã trồng được trên 80 ha, qua kiểm tra cho thấy cây phát triển tốt”.
Có thể thấy, từ những chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống đã trở thành động lực thúc đẩy các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mai Chinh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)