Quang cảnh buổi làm việc.
Trải qua 2 giai đoạn (2010-2015) và (2015–2018), Dự án đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Tại Hoà Bình, Dự án Giảm nghèo tỉnh đã giải ngân 818 tỷ 848 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Ngân hàng Thế giới trên 748 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 70,7 tỷ đồng. Triển khai tại 374 thôn bản thuộc 42 xã của 5 huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thuỷ, Đà Bắc, Mai Châu. Kết quả chính của Dự án là phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế địa phương; phát triển sinh kế; tăng cường năng lực và truyền thông; quản lý Dự án. Đặc biệt, thông qua Dự án hỗ trợ, đầu tư 209 công trình cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện trên 86 km đường giao thông nông thôn, năng lực tưới đối với trên 2.100 ha ruộng... Các công trình có chất lượng tốt, tác động tích cực tại địa phương và cộng đồng hưởng lợi. Trong phát triển sinh kế, đã đầu tư 3.724 hoạt động sinh kế, thực hiện hỗ trợ 1.547 nhóm hoạt động, thành lập 2.186 nhóm đồng sở thích với 28.263 thành viên. Riêng giai đoạn 2012-2018, tỉnh ta thực hiện 37 liên kết đối tác sản xuất với doanh nghiệp, có 8.567 hộ tham gia. Qua đó, người dân tham gia đã biết tổ chức hoạt động theo nhóm, chủ động sản xuất và tiếp cận thị trường.
Đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới tìm hiểu hoạt động tiểu dự ansinh kế tại xã Lạc Lương (Yên Thủy).
Với sự điều hành của đại diện Ngân hàng Thế giới, đại biểu các tỉnh có Dự án Giảm nghèo miền núi phía Bắc và các huyện vùng Dự án của tỉnh đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, thảo luận các vấn đề và bài học kinh nghiệm về quản lý tài chính và kế hoạch triển khai đợt kiểm toán cuối cùng dự thảo báo cáo kết thúc Dự án của Ban Quản lý Dự án các tỉnh. Trước đó, đoàn Ngân hàng Thế giới đã đi thăm một số hoạt động tiêu biểu về hạ tầng và sinh kế tại huyện Yên Thủy. Chương trình làm việc nhằm đánh giá toàn bộ các kết quả và hiệu quả của dự án, hoàn thiện xây dựng báo cáo Tổng kết Dự án giai đoạn 2010 - 2018.