Nông dân xã Lâm Sơn (Lương Sơn) phát triển nghề chế tác gỗ lũa, góp phần gìn giữ nghề truyền thống và nâng cao thu nhập.
Đến thăm gia đình nông dân Nguyễn Xuân Cường, thôn Sấu Thượng, xã Thanh Cao (Lương Sơn), hội viên nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, vượt khó xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình ổn định. Ông Cường cho biết: Nhiều năm trước, khi đang loay hoay, trăn trở trong việc xây dựng mô hình trồng trọt, gia đình tôi nhận được sự định hướng, hỗ trợ vay vốn của chính quyền địa phương, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện. Nhờ áp dụng KHKT, sau giai đoạn cho thu quả bói, mỗi năm, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình cho thu nhập từ 700 triệu - trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương, mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giỏi làm kinh tế, hàng năm, ông Cường tích cực tham gia đóng góp của cải, vật chất xây dựng các công trình phúc lợi, ủng hộ công tác từ thiện tại địa phương. Bên cạnh đó, thời gian qua, ông phối hợp các tổ chức giúp đỡ 10 hộ nghèo, cận nghèo về giống, vốn, kỹ thuật, giúp các hộ vươn lên, cải thiện thu nhập và từng bước thoát nghèo.
5 năm qua (2015-2020), phong trào "Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được các cấp HND huyện tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, xuyên suốt. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, xây dựng thương hiệu, các cấp Hội huyện đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân vượt khó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên trong sản xuất. Hàng năm, có 4.700 lượt hộ đăng ký danh hiệu nông dân SX-KD giỏi các cấp, nông dân toàn huyện giúp đỡ được 100 hội viên nông dân nghèo. Trong 5 năm, các cơ sở Hội đã thành lập 27 tổ hội với 226 thành viên, 25 nhóm sở thích nông nghiệp hữu cơ, 18 HTX nông sản, 186 mô hình lồng ghép câu lạc bộ, dân vận khéo và mô hình đồng thuận quản lý, sử dụng đất đai. Nhiều mô hình sản xuất của nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Bảy (xã Cư Yên) thu nhập trên 700 triệu đồng/năm; sản xuất rượu cần của ông Trịnh Phan Dương (xã Lâm Sơn) thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm; trồng trọt kết hợp chăn nuôi của bà Cấn Thị Nghĩa (xã Lâm Sơn) thu nhập gần 200 triệu đồng/năm…
Thi đua thực hiện phong trào "Lương Sơn chung sức xây dựng NTM” gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, trong 5 năm, các cấp Hội đã đóng góp trên 109 tỷ đồng, gần 90.000 ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình phục vụ phát triển KT-XH; 181 hộ hội viên nông dân hiến 28.500 m2 đất làm đường giao thông nông thôn.
Đánh giá về hiệu quả phong trào TĐYN trong các cấp HND huyện, đồng chí Nguyễn Phùng Chinh, Chủ tịch HND huyện cho biết: Việc tổ chức triển khai các phong trào TĐYN của Hội chú trọng bám sát nhiệm vụ trọng tâm và các lĩnh vực trọng yếu trong phát triển KT-XH của huyện. Nổi bật nhất là phong trào "Nông dân thi đua SX-KD giỏi", qua phong trào này, nhiều nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống thấp nhất trong toàn tỉnh.
Hiệu quả thực hiện các phong trào TĐYN đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần củng cố, phát triển tổ chức Hội các cấp cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động. Giai đoạn 2015 -2020, các cấp Hội nông dân trong huyện kết nạp mới 984 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện nay lên 14.826 hội viên, chất lượng hội viên ngày càng được nâng cao.
Thu Hằng