(HBĐT) - Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, những năm qua, huyện vùng cao Đà Bắc đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình vượt lên đói nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Hộ dân xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đầu tư chăn nuôi quy mô nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.  

Địa hình đồi núi trắc trở, giao thông khó khăn, đất đai cằn cỗi nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao Đà Bắc là bài toán nan giải. Chưa kể, những năm gần đây, huyện luôn phải chịu những thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai gây ra. Nhiều bản, làng, hộ dân phải di dời nhà cửa về nơi ở mới, nhiều tài sản bị thiên tai tàn phá khiến họ tái nghèo. Thế nhưng, càng gian khó huyện càng nỗ lực vươn lên với mục tiêu thoát khỏi mác "huyện nghèo” và đẩy nhanh tiến độ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Minh chứng là trong giai đoạn 2015 - 2020, dù có những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, lạm phát nhưng tình hình KT-XH của huyện vẫn phát triển ổn định. Theo đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51,75% còn 23,75%. Năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7,3%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 36,3%; công nghiệp, xây dựng chiếm 20,6%; dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 43,1%. 

Công cuộc xây dựng NTM của huyện cũng đạt được những kết quả thiết thực. Với xuất phát điểm thấp, nhiều năm liền, huyện vùng cao này "trắng” về xây dựng NTM. Trước thực trạng đó, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sức dân để cùng chung sức xây dựng NTM. Kết quả, đến hết năm 2020, tổng số tiêu chí đạt là 218 tiêu chí, số tiêu chí bình quân của các xã đạt 13,62 tiêu chí/xã. Các xã: Tú Lý, Hiền Lương, Toàn Sơn đã được công nhận đạt  chuẩn NTM. Toàn huyện có 2 xã đạt 15 tiêu chí; 11 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí. 

Những ngày đầu tháng 4, chính quyền, Nhân dân các dân tộc xã Toàn Sơn hân hoan đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm là xã khó khăn, nên thành quả có được là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của chính quyền và người dân nơi đây. Đồng chí Đặng Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Để hoàn thành các tiêu chí, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng, tích cực hiến đất, tài sản và hàng nghìn ngày công xây dựng NTM. Các hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,37% (năm 2015 trên 31%).  

Sau khi đạt chuẩn NTM, người dân xã Toàn Sơn ngày càng thay đổi tư duy, ý thức tự giác trong việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm cũng như năng động, mạnh dạn phát triển kinh tế. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Toàn Sơn nhấn mạnh, đã đạt chuẩn thì phải tiếp tục giữ vững và nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí. Toàn Sơn đặt mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%. Tinh thần, ý chí quyết tâm đó chính là nền tảng để Đà Bắc tiếp tục vững bước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ Chương trình MTQG xây dựng NTM. 

Trong năm 2021, huyện Đà Bắc phấn đấu nâng thu nhập bình quân đạt 33,2 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,3%, toàn huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được những mục tiêu đó, huyện tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm của huyện. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. 

Viết Đào


Các tin khác


Thúc đẩy phong trào vì người nghèo, cộng đồng nghèo

(HBĐT) - Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Thung Nai (Cao Phong) và người dân xóm Nghìa, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) vô cùng phấn khởi, bởi hơn 3 tháng nay đã có cây cầu và ngôi trường mới khang trang phục vụ đi lại, học tập tốt hơn. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh, năm 2020, UB MTTQ tỉnh đã phân bổ 2,5 tỷ đồng xây dựng cầu xóm Nghìa, 3 tỷ đồng xây dựng nhà lớp học, nhà ở bán trú cho học sinh xã Thung Nai. Công trình có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ thiết thực cho người dân và học sinh vùng đồng bào dân tộc khó khăn.

"Giấc mơ có thật" của những cặp đôi thanh niên khuyết tật

(HBĐT) - Lễ cưới tập thể diễn ra mới đây tại TP Hòa Bình là món quà có ý nghĩa lan tỏa dành tặng 2 cặp đôi người khuyết tật (NKT) nghèo sống tại mái ấm Trung tâm Dạy nghề tư thục Long Thành. Những người có mặt để chứng kiến thời khắc hạnh phúc nhất của các cặp đôi đều không giấu được niềm xúc động và bày tỏ lời chúc phúc.

Huyện Mai Châu: Phát huy vai trò MTTQ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(HBĐT) - Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, UBMTTQ huyện Mai Châu đã tập hợp, đoàn kết Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

"Cởi trói" cho xóm nghèo từ đề án đặc thù

(HBĐT) - "Từ khi có đường giao thông thuận lợi và điện lưới quốc gia, tôi thấy khỏe ra, làm kinh tế cũng "bon" hơn. Mấy năm qua, đời sống của bà con thay đổi nhiều lắm” - đó là chia sẻ đầy phấn khởi của ông Bùi Văn Vinh (66 tuổi), người dân xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn). Pheo chính là xóm bỗng trở nên "nổi tiếng” cách đây nửa thập kỷ bởi không đường, không điện. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, Pheo đổi thay từng ngày, bộ mặt xóm nghèo nay đã khác xưa nhiều.

Phải triển khai nghiêm ngặt phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp

Trong khi các nước láng giềng đang phải chống chọi với dịch COVID-19 bùng phát mạnh, thì khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, lây lan ra cộng đồng, nhất là lây nhiễm cho công nhân các khu công nghiệp là rất lớn. Trong đợt dịch COVID-19 thứ 3 (dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu) tại Việt Nam, ổ dịch bùng phát tại khu công nghiệp Chí Linh, tỉnh Hải Dương với hơn 2.000 công nhân đang làm việc. Cả nước đã phải nỗ lực rất lớn, huy động tổng lực mới dập tắt được dịnh bệnh. Để đối phó với nguy cơ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, ngoài việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh ở cộng đồng, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch trong CNLĐ, bảo vệ sản xuất, bảo vệ NLĐ, quyết không để dịch COVID-19 bùng phát trong khu công nghiệp.

Triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021

(HBĐT) - Ngày 26/4, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh (ATVSLĐ) đã tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục