Bà Quách Thị Dung, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan truyền thống xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đưa nghề về địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động nữ.
Đồng chí Bùi Thế Hòa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban thường trực Ban VSTBCPN huyện Lạc Sơn cho biết: Thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy BĐG và VSTBCPN, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND, ngày 14/6/2021 về thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 59/KH-UBND, ngày 28/4/2021 về thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền đã đưa nội dung về BĐG vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể với các chỉ tiêu: giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; giảm tỷ lệ hộ nghèo...
Tại huyện, phụ nữ tham gia cấp uỷ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tăng cả về số lượng, chất lượng. Một số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; 1 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy; 9/102 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy cơ sở; 4 đồng chí là lãnh đạo UBND cấp xã. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp huyện đạt 37,14%, HĐND cấp xã đạt 29,83%. 78,6% cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm được thu hẹp. Việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động nữ được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Số lao động nông thôn được dạy nghề ngắn hạn hầu hết có việc làm, tạo thu nhập ổn định cho cá nhân và gia đình. Đến nay, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50%. Trong số lao động nữ có việc làm, tỷ lệ nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm còn 39%. Trên địa bàn có 6 chị em đang nắm giữ vai trò là giám đốc hợp tác xã, chủ doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo BĐG trong đời sống gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Ban VSTBCPN huyện đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và BĐG, triển khai Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, thực hiện lồng ghép giới, vấn đề BĐG vào các nội dung cuộc họp... Từ đó, giúp phụ nữ dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong gia đình và xã hội; đồng thời làm hạn chế tình trạng định kiến giới. Theo kết quả đánh giá thực hiện mục tiêu, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ giảm; người bị bạo lực gia đình (BLGĐ), bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản đạt 80%; người gây BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn đạt 100%; nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hoà nhập cộng đồng đạt 100%.
Phụ nữ cũng được quan tâm bảo đảm các quyền lợi trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; giáo dục, đào tạo… Trên địa bàn duy trì nhiều mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, can thiệp giảm tình trạng BLGĐ; mô hình củng cố gia đình văn hoá, gia đình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tại các xã, thị trấn. Công tác truyền thông, giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật BĐG, Luật phòng, chống BLGĐ được tăng cường.
Thời gian tới, huyện tiếp tục thúc đẩy thực hiện 6 mục tiêu góp phần chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân về BĐG. Cụ thể: tăng số lượng các ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương có cán bộ nữ tham gia ban lãnh đạo; 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn; rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia các công việc gia đình của phụ nữ so với nam xuống 1,8 lần...
Bùi Minh