(HBĐT) -Tổ 10, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) có gần 100 hộ với trên 90% dân số là dân tộc Mường. Sống giữa lòng thành phố, sự giao lưu kinh tế, văn hóa nhiều nên những luồng văn hoá hiện đại đã ảnh hưởng lớn đến các sinh hoạt văn hoá truyền thống của nhân dân. Đám trẻ ít cháu biết nói tiếng của dân tộc, phụ nữ không biết đánh chiêng. Điều này làm cho cán bộ, đảng viên trong tổ trăn trở, tìm hướng khôi phục bản sắc. Song, cả phường chỉ có 1 bộ chiêng, UBND phường giao cho tổ 9 quản lý và một số chiếc cũng đã cũ, hỏng.


Hội viên phụ nữ tổ 10, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) luyện tập đánh các bài chiêng cổ. 

Với tinh thần xây dựng và quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chi bộ và trưởng các đoàn thể của tổ đã bàn bạc, tuyên truyền đến nhân dân. Dần dần nhân dân cũng ý thức được sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa nói chung và khôi phục văn hóa chiêng Mường nói riêng. Từ sự đồng thuận cao của nhân dân, cuối tháng 4/2013, tổ đã trích quỹ mua một bộ chiêng Mường đầy đủ 12 chiếc, trị giá 24 triệu đồng. Bí thư chi bộ Bùi Thị Định từng là một tay chiêng giỏi nay đã tự ôn lại và dạy cho các chị em khác đánh các bài chiêng cổ như: đi đường, bông trắng, bông vàng, bến rậm, sông bờ. Tổ còn mời nghệ nhân giỏi ở các nơi khác đến truyền dạy thêm.
 
Đồng chí Bùi Thị Định cho biết: Nhân dân rất phấn khởi khi những ngày lễ, ngày hội của tổ, của phường đều có tiếng chiêng ngân vang. Lúc đầu, chị em chưa đánh thành công bài chiêng nhưng nhờ tích cực luyện tập, học hỏi, đến nay, mọi người đã thành thạo. Chúng tôi sẽ luôn giữ gìn và phát huy văn hóa chiêng Mường của dân tộc.
 
Đến nay, đội chiêng tổ 10 là đội chiêng tự nguyện thành lập và hoạt động đầu tiên cũng là duy nhất trên địa bàn phường Thịnh Lang. Không gian văn hóa chiêng là di sản vô giá, niềm tự hào gắn liền với đời sống từ bao đời nay của đồng bào Mường. Để không bị mai một văn hóa chiêng rất cần đến ý thức gìn giữ của những chủ nhân đã sản sinh và sở hữu di sản vô giá này. Đó cũng là trách nhiệm mà nhân dân trong tổ 10 đã xác định được.
 
Chị Nguyễn Thị Biên, chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ 10 chia sẻ: Tôi đi vận động chị em phụ nữ hàng ngày đến nhà văn hóa để luyện tập đánh chiêng. Chị em rất hồ hởi tập và tích cực tham gia biểu diễn. Phong trào đánh chiêng ngày phát triển. Đội chiêng luôn có mặt trong các dịp như tổng kết chi bộ, chi hội người cao tuổi, ngày hội đại đoàn kết toàn dân… của tổ. Các tổ khác trong phường cũng mời đội chiêng biểu diễn khi có sự kiện. Tiếng chiêng cũng không thể thiếu trong các dịp hiếu, hỉ của các gia đình. Chúng tôi đã tính đến việc truyền dạy cho thế hệ sau để dòng chảy văn hóa truyền thống được tiếp nối, không bị đứt quãng.
 
Không chỉ biểu diễn trong các sự kiện của tổ, của phường, đội chiêng tổ 10, phường Thịnh Lang hơn 5 năm qua còn tham gia biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và được đánh giá cao. Tiêu biểu như tại lễ kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Hòa Bình, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh... Dấu ấn đậm bản sắc của các sự kiện lớn được bạn bè khắp cả nước biết đến có sự góp sức của những người dân bình dị nhưng ý thức được trọng trách giữ nét gìn đẹp văn hóa truyền thống.
 
"Từ ngày tổ sắm được bộ chiêng, chị em phụ nữ rất phấn khởi. Dù bận đến mấy, chúng tôi cũng sắp xếp thời gian, công việc gia đình đến nhà văn hóa tham gia luyện tập. Các dịp quan trọng, chúng tôi sẵn sàn mang tiếng chiêng đến để động viên, cổ vũ. Giữ được bản sắc văn hóa dân tộc là niềm vui, niềm tự hào của chị em phụ nữ và nhân dân tổ 10.” - Chị Nguyễn Thị Xanh, hội viên chi hội phụ nữ tổ 10 phấn khởi tâm sự.
 
Pôông... pêêng... pôông... khầm..., giai điệu chiêng Mường vẫn vang lên giữa lòng thành phố bất chấp sự sôi động của cuộc sống hiện đại. Thanh âm của giai điệu truyền thống như làm cho lòng người thêm hân hoan, phố phường thêm vui vẻ. Nhờ những hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống sôi nổi đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, niềm tự hào dân tộc và xây dựng khu dân cư tổ 10, phường Thịnh Lang đạt khu dân cư tiên tiến.
 
                                                                               Cẩm Lệ

 


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục