(HBĐT) - Có dịp "du sơn, ngoạn thủy" trên vùng hồ Hòa Bình rộng lớn, bạn đừng quên ghé thăm các bản làng du lịch cộng đồng (DLCĐ). Nằm bên dòng sông Đà mang vẻ đẹp hữu tình, bản làng của đồng bào các dân tộc Mường, Dao sẽ là điểm dừng chân lý tưởng để du khách trải nghiệm cuộc sống dân dã, tìm hiểu phong tục, tập quán và nét văn hóa đặc sắc.


Homestay Sắc Luyến ở xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) được nhiều du khách lựa chọn là điểm dừng chân khám phá.

Điểm DLCĐ Đá Bia của người Mường Ao Tá thuộc xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là một trong những điểm dừng chân như vậy. Trên hành trình khám phá du lịch hồ Hòa Bình, hình ảnh những cô gái Mường Ao Tá cùng dàn chiêng chào đón khách ngay khi tàu vừa cập bến chắc chắn để lại ấn tượng mạnh, níu chân du khách lưu lại nơi này. Tại đây, du khách có cảm giác mới mẻ về văn hóa và bản sắc khi được ăn, ở, sinh hoạt trong những nhà nghỉ homestay với không gian kiến trúc nhà sàn truyền thống. Thăm quan các danh lam, thắng cảnh, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất với sự chỉ dẫn của người dân bản xứ. Ngoài ra, du khách còn bị thu hút bởi một sản phẩm du lịch gợi trí tò mò, đó là thăm quan "quán tự giác" - hình thức mua bán, trao đổi giống siêu thị của người Mường Ao Tá đã có từ trước đây.

Một điểm DLCĐ khác trên vùng hồ Đà Bắc cũng giành được tình cảm yêu mến của du khách là xóm Ké, xã Hiền Lương. Theo anh Đinh Bảo Chung, chủ homestay Sắc Luyến, lý do xóm Ké có đông du khách trong nước, ngoài nước đến thăm quan, nghỉ lại là nhờ giữ được bản sắc văn hóa nhà sàn, phong tục tập quán đẹp. Bên cạnh đó, xóm Ké có một số sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí hấp dẫn, như đua thuyền kayak, chơi suối, leo hang, đạp xe, đi bộ xuyên các khu rừng nguyên sinh... Những sản phẩm du lịch mới mẻ này đã góp phần giúp du khách có thêm trải nghiệm về thiên nhiên, cuộc sống. Tuy nhiên, các hộ làm DLCĐ nhận thức được điều cốt yếu giữ chân du khách là bản sắc. Tâm lý của du khách muốn lưu lại để trải nghiệm ngủ nhà sàn, thưởng thức món ăn truyền thống, tìm hiểu và cùng tham gia hoạt động sản xuất như làm thổ cẩm, đánh bắt cá, nấu rượu, làm thịt chua...

Theo những chuyến tàu du ngoạn cảnh sắc sông Đà, điểm DLCĐ xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) cũng là một địa chỉ đáng để trải nghiệm, khám phá. Nằm trong vịnh Ngòi Hoa, một trong những vùng lõi của khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình, xóm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, hiếu khách. Từ năm 2017, một số hộ dân đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ homestay để đón tiếp, phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của khách. Ngoài ra, có các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, thăm quan hang động mang đậm phong cách riêng. Du khách có thể tổ chức các chương trình Team Buiding, Incentive, trekking; tham gia một số trò chơi dân gian như câu cá, đua bè mảng, chèo thuyền; các hoạt động gắn liền với sinh hoạt thường nhật của người dân để trải nghiệm, học cất vó cá, nấu ăn ẩm thực xứ Mường, chăn nuôi, hoặc khám phá hang động karst, đi rừng đào sâm cau.

Hiện nay, nằm trong KDL hồ Hòa Bình có một số điểm DLCĐ thu hút du khách trong nước, quốc tế dừng chân, lưu trú. Nhiều nhất là huyện Đà Bắc với các điểm xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Mó Hém, điểm Đá Bia - xã Tiền Phong, xóm Sưng - xã Cao Sơn. Huyện Tân Lạc có xóm Ngòi - xã Suối Hoa. Huyện Cao Phong có các điểm xóm Tiện - xã Thung Nai, xóm Giang Mỗ - xã Bình Thanh... Theo đồng chí Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Du lịch (Sở VH-TT&DL), sự hình thành các bản làng DLCĐ là một trong những yếu tố quan trọng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu của KDL hồ Hòa Bình hấp dẫn khách đến thăm quan, trải nghiệm. Đồng thời, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao trình độ dân trí và thu nhập cho người dân địa phương. KDL hồ Hòa Bình hiện có 107 cơ sở lưu trú, trong đó có 61 nhà nghỉ DLCĐ.


Bùi Minh


Các tin khác


Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch giữa hai tỉnh Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Khám phá đảo thiên đường trên cao nguyên Mộc Châu

Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục