(HBĐT) - Vào dịp hè, du lịch cộng đồng (DLCĐ) xã Pà Cò thuộc huyện vùng cao Mai Châu không chỉ hút khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ. Các điểm đến đang phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hoá, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm trải nghiệm mới hấp dẫn du khách, nhất là đối với các nhóm hộ gia đình, giới trẻ.
Du lịch dã ngoại cắm trại kết hợp săn mây trên núi Pà Cò (Mai Châu) đang là sản phẩm trải nghiệm mới, thu hút giới trẻ.
Còn gì thú vị hơn cảm giác đón bình minh ở một nơi xa. Có khá đông các nhóm bạn trẻ từ Hà Nội rủ nhau lên đây, vượt quãng đường 130 km mất chừng hơn 3 tiếng để trải nghiệm ngày đẹp trời trên bản. Ngoài dịch vụ nghỉ ngơi, lưu trú tại các homestay, du lịch dã ngoại, picnic trên núi đang là xu hướng được du khách quan tâm. Anh Phàng A Páo, hộ làm DLCĐ xóm Pà Cò cho biết: Khoảng 2 năm gần đây, các hộ làm homestay ở đây bắt đầu cung cấp sản phẩm này theo nhu cầu. Hoạt động thu hút được giới trẻ tham gia hành trình dã ngoại 2 ngày 1 đêm khám phá, check- in tại một ngọn núi có cái tên rất lạ "Không thể chết”. Theo đó, thường vào các dịp cuối tuần khách qua đêm trên núi. Không chỉ ngủ lại trong nhà bạt làm bằng dù sặc sỡ, khách còn tham gia hoạt động đốt lửa trại, giao lưu múa xoè, nướng gà, nướng vịt hay tự tổ chức các trò chơi dân gian. Nơi cắm trại cũng là điểm săn mây nên lúc hoàng hôn hay sáng sớm thức dậy, du khách sẽ được chứng kiến và tha hồ check in cùng biển mây kỳ ảo của Pà Cò nhìn từ trên núi, tận mắt ngắm đỉnh Pù Luông, Pha Luông và lòng hồ sông Đà.
Mùa này, những cây mận, cây đào được trồng khắp các triền đồi, thung lũng ở xã Pà Cò đã vào độ chín. Đây cũng là một trong những sản phẩm trải nghiệm được du khách yêu thích. Chị Dương Kim Sinh, du khách Hà Nội chia sẻ: Chuyến thăm quan, trải nghiệm du lịch bản Mông mang đến cho các thành viên trong gia đình tôi sự gắn kết, những khoảnh khắc đáng nhớ khi được cùng nhau trải nghiệm thu hái và thưởng thức hương vị đào, mận chín tại vườn. Ngoài ra, chúng tôi được tham gia các hoạt động khác cũng rất thư giãn, như thu hái và chế biến chè Shan tuyết theo cách thủ công, thăm quan làng nghề, thực hành vẽ sáp ong, làm giấy giang…
Để có những trải nghiệm đầy đủ hơn về văn hoá, đời sống sinh hoạt của người dân bản xứ, du khách nhớ ghé thăm Mong Space - điểm đến độc đáo và mới mẻ trên hành trình khám phá DLCĐ Pà Cò. Thông qua việc tái hiện không gian văn hoá, bao gồm kiến trúc nhà ở, nỗ lực bảo tồn các phong tục tập quán, giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, chủ nhân của Mong Space là chị Sùng Y Dớ muốn giới thiệu, quảng bá bức tranh tổng thể về văn hoá truyền thống của đồng bào Mông đến du khách trong nước, quốc tế. Đến với Mong Space, du khách còn được trải nghiệm thực tế nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, làm giấy giang cùng các dịch vụ thư giãn với phương pháp cổ truyền, như tắm, ngâm chân bằng lá thuốc của người Mông.
Theo đồng chí Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy xã, trong khoảng 5 năm gần đây, các hộ dân ở 2 xóm Chà Đáy, Pà Cò chọn hướng làm DLCĐ, mạnh dạn chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá của đồng bào Mông. Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch địa phương phục hồi mạnh mẽ, là một trong những điểm đến nhộn nhịp khách thăm quan, trải nghiệm, nhất là vào dịp cuối tuần. Một số nhà nghỉ DLCĐ trên địa bàn luôn kín khách đặt dịch vụ, như: A Páo Homestay, Y Sao Homestay… Các hộ làm du lịch cũng tích cực làm mới sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, xu hướng, tiêu biểu là loại hình sản phẩm du lịch dã ngoại, săn mây, thu hái mận, trải nghiệm không gian văn hoá tại Mong Space…
Bùi Minh
(HBĐT) - Du khách trong nước, quốc tế thường thu hút bởi các điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Cao Phong, như: chùa Quèn Ang - xã Hợp Phong, đền Đông Sơn, đền Bồng Lai - thị trấn Cao Phong… Những năm tới, huyện định hướng phát triển du lịch dựa trên nền tảng tiềm năng, lợi thế cảnh quan môi trường thiên nhiên gắn với du lịch tâm linh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại thăm khu Mái đá làng Vành - Di tích khảo cổ học cấp quốc gia nằm trên địa bàn xã Yên Phú (Lạc Sơn). Khu Mái đá làng Vành nằm dưới chân dãy núi đá trắng thuộc xóm Khụ Vành, nằm kế bên trường THCS, cách trung tâm UBND xã Yên Phú không xa lắm, giữa bốn bề núi rừng yên ả.
(HBĐT) - Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát đã thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch. Tại huyện Kim Bôi, lượng khách đến thăm quan, trải nghiệm và lưu trú tại các khu, điểm du lịch tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2021, cao điểm trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.
(HBĐT) - Ngày 28/5, tại thành phố Hoà Bình, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa 2 tỉnh trong giai đoạn bình thường mới. Tham dự có lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn 2 tỉnh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30/2022/NĐ-CP về quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia.
Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý Nhà nước.