Những kết quả bước đầu đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy sự cố gắng của ngành du lịch. Ngay trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch nước ta vẫn được các tổ chức du lịch thế giới đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng.
Việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 là dấu mốc hết sức quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đưa ra đánh giá trên tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra ngày 6/7 tại Hà Nội. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, đây hoàn toàn là những đánh giá khách quan, có cơ sở khoa học cho thấy chỉ số năng lực cạnh tranh về du lịch của nước ta trên bản đồ thế giới có những bước phát triển.
Phục hồi thần kỳ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nhờ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Du lịch với chức năng là cơ quan chủ trì, tham mưu những chính sách để phục hồi và phát triển du lịch đã thực hiện rất nhiều các hoạt động liên quan đến đề xuất cơ chế, chính sách, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ để mở cửa lại các hoạt động du lịch.
Nhận định việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022 là dấu mốc hết sức quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: "Chúng ta đã chứng kiến sự hồi phục rất thần kỳ về tất cả các chỉ số của ngành du lịch”.
Với sự quyết liệt hành động của toàn ngành du lịch, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413 nghìn lượt; khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Chỉ tiêu về đón khách du lịch nội địa của năm 2022 đã được hoàn thành ngay trong 6 tháng đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%.
Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới. Tăng trưởng khách du lịch nội địa đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu của năm 2022. Doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu trở lại thị trường. Số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đăng ký hoạt động tăng gấp gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Chuẩn bị mục tiêu dài hơi
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, đến giờ phút này, có thể khẳng định những nỗ lực, cố gắng của Tổng cục Du lịch đã góp phần xứng đáng vào quá trình phục hồi, phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn như điều kiện để triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến còn hạn chế. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến vấn đề về hạ tầng, đội ngũ, đào tạo gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có những giải pháp giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng du lịch, chất lượng phục vụ còn chưa cao…
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, ngành du lịch cần tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, cần tập trung chuẩn bị cho Hội nghị Du lịch toàn quốc dự kiến diễn ra đầu năm 2023. Đây là Hội nghị rất quan trọng, mang tính chất quyết định những định hướng lớn, chiến lược cho ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tập trung phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng các mô hình mới về phát triển du lịch như mô hình liên kết phát triển vùng, phát triển du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng..., làm tốt công tác quy hoạch hệ thống phát triển du lịch. Quy hoạch hệ thống du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ mang tầm quốc gia phải hoàn thành trong năm 2022.
TheoNhandan
Ước tính 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa. Con số này gấp hơn 1,5 lần lượng khách nội địa cả năm 2021. Điều này cho thấy, du lịch nội địa tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt sau Covid-19.
Việc giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến các doanh nghiệp ngành du lịch "đứng ngồi không yên" dù đang vào mùa cao điểm du lịch hè. Để giữ chân du khách, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải "gồng mình" giữ giá tour.
Tổng cục Thống kê ngày 29/6 cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Với việc bao phủ vaccine, kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh là một trong số địa phương sớm mở cửa chính thức, phục hồi du lịch từ giữa tháng 3/2022.
Ngày 27/6, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 27/6, ngành Du lịch tỉnh đã đón hơn 6,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 131,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 68,2% kế hoạch năm 2022; trong đó có 44.550 lượt khách quốc tế. Doanh thu ngành du lịch đạt 11.557 tỷ đồng.
Nâng tầm ẩm thực Việt, đưa dịch vụ và các món ăn chinh phục sao Michelin (phân loại, đánh giá của giới ẩm thực thế giới) là khát vọng của nhiều đầu bếp Việt Nam.