Vẻ đẹp hùng vĩ của thác bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) thu hút đông đảo du khách đến thăm.
Theo chia sẻ của các đồng nghiệp Báo Cao Bằng: Khi đi du lịch Cao Bằng, không thể không ghé thăm thác Bản Giốc. Đây được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam và nó được đánh giá là một trong 7 thác nước đẹp nhất thế giới. Hàng năm, thác Bản Giốc đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm để chiêm ngưỡng và ghi lại hình ảnh sự kỳ vĩ của thác nước này với các tầng thác nối tiếp nhau, trải rộng hàng trăm mét. Thác Bản Giốc nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 90km và cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 400km. Xuất phát từ thành phố Cao Bằng, du khách có thể đi theo hướng Trà Lĩnh – Tống Cọt để tới bản Giốc. Với những người đam mê phượt có thể lựa chọn con đường qua đèo Mã Phục vì phong cảnh núi rừng trên đường đi rất đẹp và thu hút.
Đường dẫn tới thác quanh co, uốn lượn lưng núi. Khi đến thác Bản Giốc, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước mà còn tận hưởng không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, khám phá những nét độc đáo trong nét văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa và trải nghiệm những món ngon hấp dẫn của người dân nơi đây. Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, nửa phía Đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam đoạn cột mốc 784 tại khu vực Pò Peo, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Sau khi đổ xuống chân thác thì sông quay hẳn vào địa phận Trung Quốc. Thác gồm có 2 phần: Thác Cao là thác phụ vì lượng nước ít, thác Thấp là thác chính nằm trên cột mốc biên giới Việt Trung. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi.
Với góc độ toàn cảnh từ xa, thác nước đổ xuống tạo một vùng bọt nước trắng xoá, mang cho ta cảm giác hoang sơ nhưng vô cùng tráng lệ. Phần giữa con thác, một mô đá nhô lên, được bao phủ bởi những cành cây khô đã xẻ dòng nước thành ba luồng như ba dải lụa trắng vắt ngang núi rừng. Vào những hôm nắng đẹp trời, những tia sáng ấy chiếu vào dòng thác cộng hưởng với làn nước bụi mịt mờ tạo nên những chiếc cầu vồng sắc màu, lung linh huyền ảo. Dưới chân thác là một dòng sông rộng, mặt nước phẳng lặng như gương. Nơi hai bên bờ là những thảm cỏ trong trẻo còn đọng hơi sương, từng vạt rừng rậm xanh ngắt. Thắng cảnh này quả thật là một chốn tiên bồng có thực tại trần gian. Nhìn từ góc thấp, các dòng thác như dải lụa làm say lòng nhiều du khách. Khi thăm thác, chúng tôi được chở bằng thuyền tới tận gần chân thác nước tung trắng xóa, càng cảm nhận được sự hoành tráng của thác Bản Giốc.
Cũng bởi nằm ở địa đầu Tổ quốc, với địa hình đón gió nên khí hậu ở thác Bản Giốc được phân chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, thác Bản Giốc đón những cơn mưa rào, khiến dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Nhiều người cho rằng đây chính khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm nhìn vẻ đẹp và cảm nhận sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên. Chúng tôi may mắn được đến thăm thác Bản Giốc vào tháng 9 là thời điểm đẹp nhất trong năm, khi nước nhiều mà trong xanh, các dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa.
Được trải nghiệm, thăm quan thác Bản Giốc mang nét đẹp đan xen giữa sự hùng vĩ, dữ dội với nét mộng mơ hiền hòa, sâu lắng, xứng đáng là một tuyệt tác từ bàn tay của mẹ thiên nhiên. Cảm nhận vẻ đẹp của thác Bản Giốc trong tình cảm đặc biệt của các bạn đồng nghiệp Báo Cao Bằng, chúng tôi càng trân trọng ân tình của mảnh đất và con người nơi đây.
Linh Trang