Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 2/2023 và 2 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/2 cho thấy bức tranh khả quan về tình hình đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam.
Các du khách Tàu Spectrum of the Seas hào hứng, thích thú khi tham quan nghề nấu rượu truyền thống tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 26/2. (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam đặt mục tiêu hết năm 2023 đón 8 triệu khách quốc tế. Theo báo cáo mới nhất, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,8 triệu lượt người, gần bằng 1/4 lượng khách mục tiêu của cả năm 2023.
Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tính riêng tháng 2/2023, Việt Nam đón khoảng 933 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với ước đạt 301.343 lượt khách. Số khách Hàn Quốc đến trong tháng 1 thực tế đạt 258.946 lượt khách. Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với ước đạt 69.648 lượt khách.
Tháng 2/2023, khách đến từ Trung Quốc ước đạt 55.029 lượt, trước đó trong tháng 1 mới chỉ đạt con số khiêm tốn là 15.875 lượt khách.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tổng số hơn 1.804,1 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.636,2 nghìn lượt người, chiếm 90,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 37,8 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 154,9 nghìn lượt người, chiếm 8,6% và gấp 25,9 lần; bằng đường biển đạt 13 nghìn lượt người, chiếm 0,7% và gấp 464,3 lần.
(Info: Tổng cục Thống kê)
Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so cùng kỳ năm trước. 1 số địa phương có doanh thu 2 tháng đầu năm 2023 tăng cao nhất gồm: Đà Nẵng tăng 114,7%, Khánh Hòa tăng 65,7%; Quảng Ninh tăng 47,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 45,1%; Đồng Nai tăng 25,4%; Hà Nội tăng 21,9%.
Về doanh thu du lịch lữ hành, 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do năm nay nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai xuân thu hút khách du lịch trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một số địa phương có mức doanh thu lữ hành cao gồm: Hải Phòng gấp 17,5 lần; Tây Ninh gấp 15,9 lần; Đà Nẵng gấp 7,1 lần; Hà Nội gấp 3,1 lần; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 84,4%.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã tích cực triển khai hàng loạt hoạt động để quảng bá, xúc tiến hợp tác du lịch với các đối tác, thị trường tiềm năng. Đầu tháng 2, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia, tham dự hàng loạt các hội nghị và sự kiện bên lề của sự kiện, tham dự Hội chợ TRAVEX với Gian hàng Du lịch Việt Nam.
Các hoạt động nhằm thúc đẩy sự chủ động hội nhập ASEAN, thể hiện vai trò thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế khu vực; giới thiệu một số chính sách phát triển du lịch mới nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch "Vietnam - Timeless Charm” và slogan "Live fully in Vietnam” với các giá trị nổi bật và 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, truyền tải thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới cộng đồng các quốc gia ASEAN, các nước đối tác và bạn bè trên thế giới.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Vùng cao huyện Tân Lạc gồm 3 xã: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông, cách trung tâm huyện khoảng 20 km về phía Tây, độ cao so với mực nước biển từ 800 - 1.000 m, diện tích tự nhiên trên 12 nghìn ha; là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao, hệ thống rừng tự nhiên với các loài động, thực vật phong phú; nhiều danh lam thắng cảnh và hang động đẹp. Ngày 17/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(HBĐT) - Ban Chỉ đạo (BCĐ) Du lịch tỉnh ban hành Kế hoạch số 31/KH-BCĐDL ngày 17/2/2023 về phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2023.
(HBĐT) - Chỉ khi được đến thăm, tận mắt nhìn, tận tay sờ vào những khối bê tông của công trình thủy điện Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) phủ đầy rêu phong, tôi mới hiểu giá trị của tấm Huân chương Chiến công hạng ba thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bố tôi được tặng thưởng từ hồi còn ở thủy điện Thác Bà. Mỗi lần ông mang ra lau chùi, đều bần thần ngồi nhớ lại ký ức thời trai trẻ khi ông và những người bạn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường...
(HBĐT) - Mới đây, được tham gia chương trình trải nghiệm cộng đồng cùng nhóm cựu sinh viên du học tại Austraylia tại bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo ở bản của người Dao Tiền. Bản đã có sóng wifi bao phủ, đường đi lối lại được cứng hoá, vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn… Đáng kể là nhiều hoạt động trải nghiệm mới, hấp dẫn được đưa vào hành trình tour, tuyến thu hút khách du lịch.
Tháng Giêng, đông đảo khách thập phương theo các tua đến với vùng thượng du Thanh Hóa và miền tây xứ Nghệ. Những địa danh như: Lam Kinh, thành nhà Hồ, Pù Luông (Thanh Hóa), Kim Liên, đền Cờn, Pù Mát (Nghệ An), Ðồng Lộc, Chùa Hương (Hà Tĩnh)… dẫu đã quen thuộc, nhưng vẫn được đông đảo du khách, người dân địa phương lựa chọn làm điểm hành hương, du xuân với tấm lòng tri ân những bậc tiền nhân có công với nước và cầu mong quốc thái, dân an.
(HBĐT) - Thời điểm này, nhiều người ngậm ngùi tiếc nuối khi không thể đặt được tàu đi du lịch, vãn cảnh trên hồ Hòa Bình, nhất những ngày cuối tuần.