Cổng Nam là hướng chính của Thành nhà Hồ được xây dựng bằng đá với kỹ thuật và kiến trúc độc đáo.
Thành nhà Hồ (hay thành Tây Đô, Tây Kinh, An Tôn) thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá, là một trong rất ít thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn để xây dựng kinh thành. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thành được xây dựng chỉ trong 3 tháng. Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Hồ Quý Ly chọn mảnh đất này thay thế cho Thăng Long, bởi cho rằng đây là vùng đất Thạch bàn – Long xà, nghĩa là thế đất như bàn đá, có rồng chầu sông Mã, rắn cuộn sông Bưởi. Đây là thế đất đẹp có vị trí bền vững, dài lâu.
Khu di sản Thành nhà Hồ là kinh đô của 2 triều đại. Từ năm 1398 – 1400 là trung tâm kinh đô của Vương triều Trần. Từ năm 1400 – 1407 là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Ngu - Vương triều Hồ. Di sản bao gồm vùng lõi rộng trên 155 ha, gồm: Nội thành, La thành và Đàn tế Nam Giao.
Đứng dưới cổng Nam, được chạm tay vào cổng thành đồ sộ, uy nghi xây dựng từ những khối đá lớn, anh Lương Đức cùng đoàn sinh viên đến từ Hà Nội không khỏi bất ngờ trước kỹ thuật xây thành quá tài giỏi của sức người cách đây đã hơn 600 năm. "Không thể tưởng tượng được tại sao những người thợ thời xa xưa có thể ghè, đẽo, chế tác được những tảng đá vuông vắn, tinh xảo nặng hàng chục tấn và có thể vận chuyển, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính”, anh Đức bày tỏ thán phục.
Qua tìm hiểu và nghe giới thiệu của hướng dẫn viên, chúng tôi được biết, toàn bộ tường thành và bốn cổng chính Nam - Bắc - Đông-Tây được xây dựng bằng các phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu. Để đưa những phiến đá lên xây lắp tường thành, cổng thành, những người thợ đã đắp đất tạo nên một con dốc nghiêng chắc chắn. Thành xây đến đâu con dốc được tôn cao đến đó và kéo dài ra để đưa đá lên.
Để xây được các vòm cửa bằng đá, người ta cho đắp ụ đất hình vòm cửa, sau đó dùng đá đã được chế tác hình thang cân ghép lên trên. Sau khi ghép xong, họ moi lõi đất ra để tạo vòm cửa. Đối với tường thành được xây dựng bằng đá xếp theo hình chữ công. Ở mặt trong, đá được chèn tiếp nối theo kiểu cài nanh sấu giúp tường vững chắc.
Xây dựng Thành Nội bằng những khối đá lớn là biểu hiện cho sự phát triển mới về kỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch của Đông Á và Đông Nam Á. Là chứng tích độc đáo cho một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á khi mà các giá trị vương quyền và Phật giáo truyền thống nhường bước cho những khuynh hướng mới về kỹ thuật, thương mại và hành chính tập trung.
Qua hơn 600 năm, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, vùi lấp, song 4 bức tường thành biểu tượng của Thành nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.
Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là DSVH thế giới. Hiện tại, khu di sản đã xây dựng bảo tàng trưng bày các hiện vật của thời nhà Hồ thu được trong quá trình khai quật như: vũ khí, gốm men xanh, đầu rồng đá, tượng đầu chim phượng, chim uyên ương trang trí trên ngói bò nóc, gạch lát nền trang trí hoa cúc, lá đế trang trí rồng…
Hướng dẫn viên Thu Hương giới thiệu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Trong thời gian tới, sẽ có kế hoạch phục dựng một số cung điện cũ như Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu.
Hiện, tỉnh Thanh Hóa chủ trương Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ theo hướng: Bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của DSVH thế giới Thành nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản. Điều chỉnh các khu chức năng thuộc vùng đệm để đảm bảo phát triển KT-XH và du lịch một cách bền vững trên nguyên tắc bảo tồn di sản.
Thu Hiền