(HBĐT) - Giao thông thuận lợi, gần Hà Nội, hoạt động du lịch của huyện Lương Sơn khá sôi động, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Mặt khác, các điểm đến trên địa bàn có sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường khách.
Khu nghỉ dưỡng Sun Blush Resort - xã Tân Vinh (Lương Sơn) thu hút du khách với nhiều tiện ích, dịch vụ và các hoạt động thể chất, thư giãn.
Trung tuần tháng 4, với việc được lựa chọn tổ chức chương trình kích cầu du lịch tỉnh tại khu nghỉ dưỡng La Saveur - xã Nhuận Trạch, hình ảnh các điểm đến của huyện được giới thiệu, quảng bá bằng hình thức trực quan sinh động. Nhân dịp này, đoàn famtrip bao gồm các đơn vị lữ hành, công ty du lịch, phóng viên báo chí Trung ương và địa phương đã đến trải nghiệm, tìm hiểu, khảo sát một số điểm đến tiêu biểu trên địa bàn, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển du lịch.
Bên cạnh loại hình du lịch thể thao sân golf Phượng Hoàng (xã Lâm Sơn) nổi tiếng thu hút khách quốc tế, trong huyện có nhiều khu, điểm du lịch mới đi vào khai thác kinh doanh. UBND huyện luôn tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư phát triển du lịch, đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hoá đầu tư vào các điểm du lịch. Đặc biệt, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho di tích, kết hợp phát triển loại hình du lịch tâm linh, như: di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hoà tại xóm Dốc Phấn - xã Lâm Sơn; đình Cời - xã Tân Vinh, đình Đồng Sương - xã Liên Sơn; Tứ Đền - xã Thanh Sơn; chùa Quất Lâm - xã Hòa Sơn. Huyện cũng quan tâm xây dựng và mở rộng các sản phẩm du lịch địa phương, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư tiến hành khảo sát các dự án phát triển du lịch.
Trên địa bàn có một số dự án đang nghiên cứu, khảo sát, đầu tư về du lịch. Cụ thể, dự án Khu tổ hợp du lịch văn hoá - vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng Paradise Hoà Bình tại xã Cao Sơn; khu nghỉ dưỡng sinh thái thác Nàng - xã Cư Yên; khu nghỉ dưỡng và chăm sóc người cao tuổi Thiên đường - xã Hòa Sơn; tổ hợp Legary Culture Lương Sơn tại các xã: Cao Sơn, Cư Yên, Tân Vinh; khu đô thị sinh thái Ngàn Phố - xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn; khu nghỉ dưỡng Sun Blush Resort, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn - xã Tân Vinh; khu du lịch nông nghiệp kết hợp trang trại trải nghiệm Green Life - xã Tân Vinh; khu nghỉ dưỡng Ivory - xã Lâm Sơn; khu nghỉ dưỡng cao cấp Legacy Hill - xã Cư Yên; khu nghỉ dưỡng La Saveur - xã Nhuận Trạch. Về tu bổ, tôn tạo di tích có dự án đầu tư, tôn tạo di tích đình Cời - xã Tân Vinh; di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa - xã Lâm Sơn; di tích lịch sử đình Đồng Sương - xã Liên Sơn.
Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, huyện chú trọng tổ chức lễ hội truyền thống tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, bảo tồn, tôn tạo các xóm, làng nhằm giữ lại nét truyền thống văn hoá Mường gắn với phát triển sản phẩm du lịch văn hoá truyền thống lễ hội; xây dựng và mở rộng các sản phẩm du lịch địa phương, trọng tâm là du lịch thăm quan, văn hóa - tâm linh; lựa chọn ngành nghề truyền thống bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Huyện cũng tăng cường nghiên cứu thị trường du lịch, đầu tư xây dựng sản phẩm, quảng bá hình ảnh và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch, phát triển làng nghề, gắn kết với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”. Tiềm năng du lịch được quảng bá qua các ấn phẩm, tập gấp, tham gia trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện, hoạt động của huyện, tỉnh. Hình thức quảng bá bằng pano tấm lớn cũng phát huy hiệu quả. Trang Thông tin điện tử du lịch Lương Sơn với địa chỉ truy cập Dulichluongson.hoabinh.gov.vn thường xuyên đưa tin, bài quảng bá, giới thiệu, thông tin về định hướng, chủ trương phát triển du lịch của Trung ương, của tỉnh và huyện.
Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực du lịch của huyện Lương Sơn đạt kết quả nổi bật với việc đón được trên 100.000 lượt khách, trong đó có 47.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu 300 tỷ đồng trong năm 2022; đón 53.000 lượt khách, trong đó có 28.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 175 tỷ đồng tính đến hết quý I/2023. Huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư du lịch, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng là: nghỉ dưỡng cuối tuần, thể thao, giải trí, văn hoá sinh thái, trải nghiệm. Đồng thời, ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, nhất là giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, điều kiện lưu trú và chất lượng dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí…
Bùi Minh
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển, đảo là một trong bốn dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của nước ta cần được ưu tiên phát triển. Trên thực tế, đây cũng là "thỏi nam châm” thu hút tới 70% tổng lượng khách du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực dồi dào của du lịch biển, đảo, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết.
Tối 27/5, tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đã diễn ra lễ khai mạc ngày hội du lịch văn hóa tỉnh Sơn La "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.
(HBĐT) - Là điểm vùng cao nhất của huyện Lạc Sơn, xã Tự Do đã và đang dựa vào lợi thế thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Nhiều du khách yêu thích đến đây tham quan, nghỉ dưỡng, tận hưởng khí hậu ôn hòa, khám phá cảnh quan hoang sơ và bản sắc văn hoá của vùng đất, con người.
(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Đà Bắc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, tăng cường quảng bá và triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch...
Đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp Hè 2023, ngoài các chuyến tàu đang hoạt động hàng ngày như tàu SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 (Sài Gòn – Hà Nội), SE21/22 (Sài Gòn – Đà Nẵng), SNT1/2 (Sài Gòn – Nha Trang), SPT1/2 (Sài Gòn – Phan Thiết), Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn còn tổ chức chạy thêm các đoàn tàu từ Sài Gòn đến Nha Trang, Quy Nhơn, Hà Nội và ngược lại.