Du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) mang đến những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, sinh hoạt bản Mường.
Vùng đất và con người huyện vùng cao Mai Châu luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách. Với nền văn hóa đa dạng, 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 60%, huyện đang phát huy bản sắc riêng biệt của các dân tộc để DLCĐ phát triển. Nơi đây có bản Lác thuộc xã Chiềng Châu là bản của đồng bào dân tộc Thái có tuổi đời trên 700 năm. Bà con dân bản còn bảo tồn gần như nguyên vẹn phong tục, tập quán từ xa xưa. Phong cảnh núi, đồi và ruộng lúa đẹp như tranh tạo sức hấp dẫn khó cưỡng. Bản Lác cũng là điểm DLCĐ đầu tiên của tỉnh đi vào hoạt động và được biết đến như một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Vùng hồ Hòa Bình mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều bản làng của đồng bào các dân tộc đã và đang phát triển DLCĐ. Một điểm đến mà du khách khó lòng bỏ qua, đặc biệt thu hút du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm là bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc). Đây là bản của người Dao Tiền nằm ở độ cao khoảng 530 m so với mực nước biển, phía sau bản là dãy núi Biều, phía trước là ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài theo sườn đồi tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Người dân bản Sưng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Cánh rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi và những câu chuyện của ngày xửa ngày xưa theo lời hướng dẫn viên cộng đồng chia sẻ đưa du khách đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Đặc biệt hơn, du khách đến đây sẽ được hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân, tham gia chuỗi hoạt động trải nghiệm: đi dạo quanh bản, thăm làng nghề thủ công truyền thống của người dân tộc Dao Tiền như nhuộm chàm, vẽ sáp ong, làm thiệp giấy dó, dược liệu...; leo núi để khám phá hang Sưng gắn với tích chuyện về bà Hoàng Lan và 3 cô gái vào hang rồi biến mất; điểm lớp học cộng đồng dạy chữ Nôm Dao cho những người tâm huyết bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Cũng trên vùng hồ Hòa Bình hùng vĩ, điểm DLCĐ xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) được biết đến là ngôi làng Mường xinh đẹp nằm ở vị trí đắc địa được ví như "trái tim” KDL hồ Hòa Bình; bản Đá Bia của người Mường Ao Tá thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) nổi tiếng với câu chuyện về quán tự giác; bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) với những nếp nhà sàn mang kiến trúc Mường truyền thống vẫn được lưu giữ, bảo tồn. Nhiều điểm đến DLCĐ khác của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện, thành phố cũng ngày càng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, như: điểm DLCĐ bản Hang Kia - xã Hang Kia, bản Chà Đáy - xã Pà Cò, bản Pom Coọng, bản Văn - thị trấn Mai Châu; bản Nà Phòn - xã Nà Phòn, bản Hịch - xã Mai Hịch, bản Bước - xã Xăm Khòe (Mai Châu); bản Mu, xã Tự Do (Lạc Sơn); bản Chiến - xã Vân Sơn, bản Lũy Ải - xã Phong Phú, bản Bưởi Cại - xã Phú Cường (Tân Lạc); bản Ké - xã Hiền Lương, bản Mó Hém - xã Tiền Phong (Đà Bắc)...
Biểu diễn văn nghệ ở các bản du lịch cộng đồng người Thái huyện Mai Châu là sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ngoài hội tụ các yếu tố tự nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc, các điểm DLCĐ ở Hòa Bình ngày càng hoàn thiện về chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn, đưa du khách vào những cảm nhận và trải nghiệm thú vị. Anh Gareth (du khách Anh) hào hứng chia sẻ: Chuyến du lịch đến Việt Nam, tôi đã đi tham quan ở Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Hòa Bình. Tôi rất ấn tượng về Hòa Bình - vùng đất có đông dân tộc Mường sinh sống cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc ở bản Giang Mỗ - xã Bình Thanh (Cao Phong). Tôi cũng có dịp ghé thăm bản của người Dao Tiền xã Cao Sơn (Đà Bắc) trên vùng hồ vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán đẹp, cảnh vật hoang sơ, con người thân thiện; trải nghiệm nghỉ đêm tại bản Lác - xã Chiềng Châu với cơ sở lưu trú sạch đẹp, vui bên vò rượu cần, nhịp điệu xòe Thái...
Toàn tỉnh hiện có trên 170 nhà nghỉ DLCĐ (homestay). Ngoài dịch vụ lưu trú, ăn uống, các điểm DLCĐ còn cung cấp nhiều dịch vụ kèm theo, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, như: biểu diễn văn nghệ, chèo thuyền kayak, bè mảng, đạp xe, nghề truyền thống, trò chơi dân gian… Hoạt động DLCĐ đã và đang phát triển theo hướng an toàn, thân thiện và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc.
Các hoạt động thể thao, vui chơi trên hồ Hòa Bình tạo sức hút cho điểm du lịch cộng đồng bản Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc).
Bà Phạm Thị Như Mai, Tổng Giám đốc Công ty CP du lịch và tổ chức sự kiện Việt Nam - Songlinh Tours (Hà Nội) đánh giá về DLCĐ Hòa Bình: Không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa đều đang hướng tới những sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện ở tính độc đáo, nguyên bản, giá trị tự nhiên (nguyên sơ, hoang dã). DLCĐ Hòa Bình vẫn giữ được những nét riêng có đó, hấp dẫn dòng khách trong nước, quốc tế của doanh nghiệp chúng tôi và các đơn vị bạn đến, trải nghiệm những giá trị văn hóa nhân văn, tươi đẹp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số điểm DLCĐ đã khẳng định được sức hút, thương hiệu. Đơn cử bản Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc) được vinh danh là 1 trong 3 điểm DLCĐ toàn quốc nhận giải thưởng DLCĐ Asean năm 2018. Cùng với điểm nhấn của DLCĐ, KDL Mai Châu tự hào được chuyên trang đặt phòng nổi tiếng Booking.com công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 tôn vinh Mai Châu là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023. Tỉnh đã và đang phấn đấu KDL hồ Hòa Bình đạt các điều kiện để đề xuất công nhận thành KDL quốc gia vào năm 2025.
Bùi Minh