Du khách check-in điểm săn mây ở xã Hang Kia (Mai Châu) khám phá thiên nhiên kỳ thú.
Từ người Mông đầu tiên làm DLCĐ là chị Sùng Y Múa ở xóm Hang Kia 1, đến nay, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã đã tham gia hoạt động du lịch, xây dựng chuỗi liên kết các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Chị Giàng Thị Sao, hộ kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng Mẩy Ly Homestay, xóm Hang Kia 3 chia sẻ: Du khách đến với vùng đồng bào Mông khá đông, nhiều khách nước ngoài. Tôi và các hộ đã học hỏi những hộ đi trước triển khai mô hình vừa để phục vụ khách, vừa giúp bà con trong xóm có thêm việc làm, cải thiện thu nhập.
Cách Hà Nội hơn 3 giờ di chuyển, điểm DLCĐ Hang Kia hấp dẫn du khách bởi cảnh quan hùng vĩ, thời tiết đặc trưng mát mẻ vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông và văn hóa bản địa nổi bật. Nơi đây có điểm săn mây rất đặc sắc, chương trình trecking tour với hành trình thám hiểm rừng già, các hoạt động trải nghiệm văn hóa phong phú... Vào giữa mùa đông, hoa mận, hoa đào nở sớm, du khách thỏa thích check-in với cỏ cây, hoa lá, tìm hiểu cuộc sống của người dân. Dịp Tết dương lịch khá gần với Tết cổ truyền dân tộc Mông, bà con tích trữ, chuẩn bị nhiều lương thực, thực phẩm, làm bánh dày, thịt lợn sấy gác bếp… đón khách từ khắp mọi miền, khách quốc tế đến chơi, ăn Tết cùng gia đình.
Theo đồng chí Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia, mô hình kinh tế du lịch được địa phương quan tâm, khuyến khích phát triển là DLCĐ gắn với lưu giữ bản sắc văn hóa và đa dạng sản phẩm trải nghiệm nông nghiệp. Trên địa bàn đã thành lập, duy trì hiệu quả Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia từ năm 2020 với 11 thành viên. DLCĐ Hang Kia đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Để khai thác tốt thế mạnh du lịch, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định bản sắc văn hóa có vai trò "lực hấp dẫn” thu hút khách cho điểm đến. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc sắc, vốn di sản quý báu của dân tộc mình như: tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống…
Du khách trải nghiệm hoạt động giã bánh dày tại Mẩy Ly Homestay, xóm Hang Kia 3, xã Hang Kia (Mai Châu).
Đặc biệt, không chỉ vào dịp Tết cổ truyền, lễ hội, hội diễn, cuộc thi thể thao, văn nghệ… bà con dân tộc Mông Hang Kia mới mặc trang phục truyền thống mà được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Du khách Kendy (Mỹ) chia sẻ: Trang phục là nét văn hóa bản địa đặc trưng, dễ nhận diện nhất. Trong những ngày lưu trú tại Hang Kia, đoàn khách chúng tôi rất hài lòng với những trải nghiệm, cảm nhận được sắc màu văn hóa, không gian văn hóa nổi bật qua việc thường xuyên mặc trang phục truyền thống của người dân.
Nếu vào mùa hè, du khách thường lên Hang Kia để trải nghiệm thu hái quả, thăm làng nghề, đi chợ phiên, săn mây thì vào mùa đông, đa số du khách quan tâm đến sản phẩm du lịch phiên chợ đêm xã Pà Cò diễn ra vào các tối thứ Bảy. Chỉ còn gần 1 tháng nữa, dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò sẽ vui lễ hội Gầu Tào và đón Tết Mông. Đây cũng là tháng cao điểm DLCĐ Hang Kia đón khách. Bà con rất ý thức với việc bảo tồn văn hóa, tạo thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn du khách đến với hoạt động lễ hội.
Bùi Minh