(HBĐT) - Với diện tích 354, 98 nghìn ha đất nông nghiệp, chiếm 77,02% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh;70, 46 vạn người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 85% dân số, trong đó có 48, 49 vạn lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chiếm 68,83% dân số khu vực nông thôn, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lộ trình còn lắm gian nan.


Những quyết sách tạo đà cho nông nghiệp "cất cánh”

 Để tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt trên 4,5%/năm, giá trị thu nhập đạt trên 120 triệu đồng /năm/ha canh tác trồng trọt, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 37 triệu đồng /năm, cơ cấu ngành nông nghiệp 82,8%, trong đó, trồng trọt chiếm 69,8%; chăn nuôi 29,8%; thủy sản 6%, lâm nghiệp 11,2%. Cùng với việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 10 về "phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2014-2020”; Nghị quyết số 11 về "phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đến năm 2020”; Nghị quyết số 12 về "phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020” và Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 13/11/2014 về "cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2014-2020”. Bên cạnh đó còn có chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Quyết định số 2715/ QĐ-UBND ngày 16/12/2015 phê duyệt Đề án Khuyến nông trọng điểm tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 và Quyết định số 1493/QĐ-UBND ngày 9/6/2016 phê duyệt Đề án cải tạo vườn tạp; Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 phê duyệt Đề án phát triển bưởi đỏ.

 Kết quả khả quan

Theo đánh giá chung của ngành NN &PTNT: Sau 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh bước đầu đã huy động được nguồn lực trong xã hội tham gia, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh và phát triển KT -XH của tỉnh. Với Nghị quyết số 10 về "phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020”, đến tháng 5/2017, tổng diện tích cây có múi toàn tỉnh đạt 6.690 ha, trong đó, cam, quýt 3.800 ha; bưởi 2.700 ha; chanh 190 ha, vượt 1.690 ha (vượt 33% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020). Như vậy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, diện tích cây có múi đã tăng 3.996 ha so với năm 2014, trong đó riêng diện tích kinh doanh đạt 2.600 ha, tăng 1.361 ha so với năm 2014. Tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung.


Rau su su xã Quyết Chiến (Tân Lạc) được sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 Nghị quyết số 12 về "phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ Thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014-2020” đã tạo được dấu ấn rõ nét trong việc khơi dậy phong trào nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình. Khi chưa có nghị quyết, số lồng nuôi có 1.700 lồng, đến nay đã tăng lên 4.050 lồng, vượt 550 lồng so với mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Quy mô sản xuất chuyển dần từ nhỏ lẻ, nhiều chủng loại sang sản xuất tập trung sản phẩm có lợi thế. Hình thức sản xuất hợp tác, liên kết gia tăng.

 

Cần điều chỉnh để phát triển bền vững

Nhìn vào những con số cụ thể nêu trên có thể thấy, các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, nền tảng này chưa bền vững bởi trên thực tế còn rất nhiều hộ dân chưa được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, đặc biệt là với chính sách khuyến khích nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Nguyên do là một số xã chưa nắm vững các quy định nên khi đăng ký làm lồng nuôi chưa đúng theo quy định. Phần kinh phí tự túc của người dân còn hạn chế nên không có khả năng đầu tư để làm lồng. Nhiều hộ khi mua con giống ở các hộ nuôi nhỏ lẻ không có giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn nên khó khăn trong công tác hoàn thiện thủ tục chứng từ nghiệm thu thanh toán. Với Nghị quyết số 10 thực hiện còn một số hạn chế do điều kiện đất đai sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, không nằm trong quy hoạch hoặc kế hoạch sản xuất được phê duyệt. Một số cá nhân có diện tích trồng cây nằm trên địa bàn xã nhưng không có hộ khẩu thường trú ở nơi sở tại.Việc tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng còn hạn chế… nên không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo quy định.

 

Đánh giá kỹ lưỡng những mặt được và chỉ rõ hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Sở NN & PTNT đã đề nghị: HĐND tỉnh bố trí tăng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế khác hàng năm để thực hiện các chính sách trong ngành nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu, tương ứng 40-50 tỷ đồng mỗi năm (hiện tại là 20 tỷ đồng / năm). Về phía ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ theo hình thức đối ứng 50/50 (Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại 50% người dân đồng chi trả). Cách làm này hướng tới 2 mục đích: giảm chi ngân sách, đồng thời lại tăng cường thêm trách nhiệm của hộ dân, doanh nghiệp đối với mô hình SX -KD của mình. Chính sách hỗ trợ được sử dụng lồng ghép từ các nguồn vốn hợp pháp có trên địa bàn. Quy định tỷ lệ vốn từ nguồn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh thực hiện chính sách không quá 50% tùy thuộc nhu cầu và khả năng cân đối ngân sách. Cho rà soát việc thực hiện các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường làm cơ sơ quy hoạch vùng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Ban hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường đối với sản xuất nông hộ. Đánh giá việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất làm cơ sở xây dựng cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn theo hướng liên kết sản xuất hoặc thuê lại đất.

 

Lộ trình triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ năm 2017-2020 được Sở NN & PTNT đưa ra là: tập trung sản xuất theo chuỗi để tăng giá trị sản phẩm. Gắn kết trách nhiệm giữa các cấp, ngành với doanh nghiệp, người dân để thực hiện tốt các chính sách phát triển nông nghiệp. Chú trọng về giá trị, chất lượng sản phẩm, bởi nếu có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sẽ là nền tảng để nông nghiệp tỉnh ta "cất cánh”.

                                                                                            

                                                                                         Thúy Hằng


* Chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã mở hướng cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Huyện Cao Phong có diện tích đất nông nghiệp 7.520 ha. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung vào 2 cây trồng chủ lực là cây ăn quả có múi và mía.

 Huyện đang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh như: Quyết định số 10, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh "Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015 -2020”; Quyết định số 11, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh "Quy định một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 33, ngày 4/11/2015 của UBND tỉnh "Quy định về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015-2020”... Đến nay, huyện đã thu hút được 4 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

 Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng, giảm phiền hà để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện các hoạt động quảng bá để tiêu thụ sản phẩm nông sản của huyện. Tìm thị trường và hỗ trợ thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao... để tạo đà cho nông nghiệp cất cánh.

                           Hồ Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong

 


* Mong được hỗ trợ vốn kịp thời để phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình

Sống ở ven sông (lòng hồ thủy điện Hòa Bình), từ nhiều năm nay, các hộ dân trong xóm chúng tôi đã lấy mô hình nuôi cá lồng làm kế sinh nhai. Hộ ít có 1 lồng, hộ nhiều có 3-4 lồng. Mỗi lồng cá nuôi theo kiểu truyền thống cần chi phí đầu tư 10-15 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với người nông dân. Tuy nhiên đây là hướng làm ăn mới khá hiệu quả góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.

 

Năm 2015, xóm được cán bộ Phòng NN &PTNT và lãnh đạo UBND xã Vầy Nưa phổ biến về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020. Chính sách này quy định rõ: "Hỗ trợ 1 lần bằng tiền sau đầu tư sản xuất để mua lồng khung sắt, lưới, mua con giống và thức ăn, mức hỗ trợ cho 1 lồng tối đa không quá 25 triệu đồng nhưng không quá 80 triệu đồng /năm cho 1 hộ hoặc hộ xã viên”.

 Khi được phổ biến chính sách, nhiều hộ dân của xã Vầy Nưa đã đăng ký thực hiện. Riêng gia đình tôi đã phát triển thêm 4 lồng cá. Theo đó, tôi đã đầu tư đóng lồng và mua cá giống trị giá 15 triệu đồng /lồng. Thế nhưng, cho đến nay, gia đình tôi vẫn chưa nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ dự án. Khi hỏi xã chúng tôi được biết có một số vướng mắc như: Một số hộ dân đóng lồng không đúng quy cách, mua cá giống trôi nổi không có hóa đơn... nên không thể quyết toán. Trên thực tế, khi triển khai, thực hiện, mô hình chúng tôi không được phổ biến rõ nhưng quy định này.

 Vậy, mong các cấp chính quyền quan tâm làm rõ, tháo gỡ vướng mắc để chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

 

 

 

                                                           Bùi Văn Luân - 
Xóm Tham, xã Vầy Nưa (Đà Bắc)


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục