(HBĐT) - Đánh giá về công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm ma tuý, đại tá Phạm Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Những năm qua, cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng ngày càng gian khổ, cam go, quyết liệt. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm đối phó lại các biện pháp đấu tranh của các lực lượng chức năng. Đặc biệt là tuyến đường bộ trên khu vực biên giới Việt - Lào, hoạt động của tội phạm ma túy hết sức manh động, liều lĩnh. Hầu hết các đối tượng trong các đường dây vận chuyển ma túy lớn qua biên giới đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Tội phạm ma túy có xu hướng câu kết với tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia.


Hòa Bình giáp ranh với các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, có tuyến quốc lộ 6 kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Đặc biệt có hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu tiếp giáp với huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La có đường biên giới với nước Lào, khu vực này vẫn là "điểm nóng” vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Do vậy, các đối tượng ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng… cấu kết với các đối tượng ở Lóng Luông (Vân Hồ - Sơn La) và các đối tượng ở hai xã Hang Kia, Pà Cò hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, có tổ chức chặt chẽ. Số đối tượng có lệnh, quyết định truy nã lẩn trốn trong rừng vẫn móc nối, lôi kéo các đối tượng khác tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả khi bị vây bắt. Công tác đấu tranh triệt phá các điểm, tụ điểm bán lẻ ma túy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là ở địa bàn TP Hoà Bình, các huyện: Mai Châu, Lạc Sơn, Lương Sơn. Đặc biệt là hoạt động mua bán, tổ chức sử dụng ma tuý trong thanh - thiếu niên chưa giảm. Tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy chưa cao.


Người nghiện ma túy chọn phương pháp điều trị bằng thuốc thay thế mathadone giúp tăng cường cả sức khỏe lẫn tinh thần, hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện. Ảnh: Người nghiện ma túy làm thủ tục sử dụng thuốc mathadone tại cơ sở cai nghiện ma túy số II (Lạc Sơn).

Vấn nạn lớn đối với xã hội đã diễn ra gần 20 năm qua do tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, mở rộng ra nhiều nhóm đối tượng, lứa tuổi. Khi rơi vào trạng thái "ngáo đá”, các đối tượng không còn điều chỉnh được hành vi, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp dạng "đá” hay "cắn” thuốc lắc đang là một... thú chơi trong các cuộc tụ tập bạn bè, sinh nhật của giới trẻ. Khi đã trở thành thú chơi, đương nhiên sẽ không phân biệt độ tuổi hay giới tính của người "chơi”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng - chống TNXH tỉnh Hoàng Kiên Giang, trên toàn tỉnh có khoảng 2.000 người nghiện ma tuý, tuy nhiên, thực tế con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, việc quản lý người nghiện nói chung, đối tượng có biểu hiện "ngáo” đá nói riêng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Theo Thông tư liên tịch của các Bộ Y tế, Công an, LĐ-TB&XH, quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định người nghiện thì phải là bác sỹ, y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.ư tổ chức hoặc các bệnh viện được Bộ Y tế giao...Ngoài ra, về quy trình xác định người nghiện ma túy chất dạng Amphetamine thì phải khẳng định được ít nhất 3/6 triệu chứng trong vòng 12 tháng. Thế nhưng 5/6 triệu chứng làm căn cứ kết luận là triệu chứng cơ năng do đối tượng tự khai. Trên thực tế, đối tượng chỉ nhận mình có sử dụng ma túy đá nhưng không nhận mình là người nghiện ma túy và khẳng định sẽ tự bỏ được. Trong khi đó, hội chứng cai nghiện ma túy đá thường không xuất hiện hoặc xuất hiện rất mờ nhạt, việc xác định đối tượng có sử dụng ma túy tổng hợp hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thử test hoặc xét nghiệm máu và lời khai của đối tượng. Đối tượng khi được gia đình, chính quyền địa phương đưa tới trung tâm để xác định tình trạng nghiện thường đang trong trạng thái "ngáo đá” nên việc lập hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, về mặt pháp luật, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 221/2013, Thông tư Liên tịch số 17/2015, quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy tổng hợp trên thực tế vẫn chưa thực hiện được vì cần phải có thời gian lưu giữ để theo dõi dấu hiệu lâm sàng. Quá trình lưu giữ đối tượng ở đâu, do ai lưu giữ, trường hợp nào chưa có quy định cụ thể. Từ thực tế nêu trên, việc xác định tình trạng nghiện đối với người sử dụng ma túy tổng hợp rất khó khăn. Kéo theo việc cơ quan Công an gặp khó trong thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý và có hình thức cai nghiện phù hợp đối với người nghiện ma túy tổng hợp.

Từ thực trạng đó, công tác phòng - chống với tội phạm và tệ nạn ma túy thực sự là "cuộc chiến” vô cùng quyết liệt, phức tạp, đầy cam go, khó khăn, gian khổ và có cả sự hy sinh, mất mát. Từ năm 2013 -2017, lực lượng Công tỉnh, với vai trò nòng cốt của CB, CS phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Công an trong tỉnh, Công an các huyện, thành phố và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã đấu tranh bắt giữ 734 vụ, 885 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 1.500 bánh heroin, 50.901 viên ma túy tổng hợp; 36 kg ma túy dạng đá, 35 ô tô, 395 mô tô, 802 điện thoại di động, 11 khẩu súng, 158 viên đạn, 3 quả lựu đạn, hơn 2 tỷ đồng cùng nhiều tài sản, vật chứng khác có liên quan. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã phát hiện 98 vụ, 126 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tăng 36 vụ, 43 đối tượng so với cùng kỳ năm 2017. Thu giữ 43 bánh, 335,16 g heroin, 12.567 viên và 4.478 g ma túy tổng hợp, 63,6 triệu đồng, 5 ô tô, 10 xe máy, 23 điện thoại di động. Trong đó có những vụ án tại thời điểm bắt giữ, đã thu giữ số lượng heroin lớn như: vụ Tạ Văn Hùng, khi bị chặn bắt, đối tượng đã liều lĩnh nổ súng chống trả hòng thoát thân, buộc lực lượng Công an phải tiêu diệt, thu giữ 100 bánh heroin, 5 khẩu súng, 2 quả lựu đạn; vụ Dương Ngô Duy thu giữ 120 bánh heroin...Từ khi tái lập tỉnh đến nay có 5 CB, CS Công an tỉnh đã anh dũng hy sinh, 5 CB, CS bị thương và nhiều CB, CS bị phơi nhiễm HIV/AIDS... trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Qua công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm và tệ nạn ma tuý đã góp phần giữ vững, đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh, hạn chế được lượng lớn ma túy đi các tỉnh khác và sang nước thứ ba để tiêu thụ.

Đại tá Phạm Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma tuý, Công an tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, nguyên nhân tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy gắn với chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng lứa tuổi, vùng miền dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, nêu cao trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người thân không phạm tội và sa vào tệ nạn ma túy. Phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân BVAN Tổ quốc. Xây dựng các xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy, chủ động triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy, chất gây nghiện với số lượng lớn. Phối hợp với các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc. Thực hiện công tác dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm đối với người sau cai nghiện, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tránh nguy cơ tái nghiện.

 

Chủ động tuyên truyền, định hướng trong đấu tranh, phòng - chống ma túy

Nhiều năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, định hướng đoàn viên, thanh - thiếu niên (ĐV-TTN) luôn được các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh chú trọng.

Từ năm 2011, Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp cùng Công an tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 03 về phối hợp tuyên truyền, phòng-chống ma túy trong TTN; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho mỗi xã, phường, thị trấn giúp đỡ, cảm hóa TTN chậm tiến… Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức chương trình truyền thông tại các trường học, trung tâm cai nghiện cho trên 10.000 lượt người, qua đó nâng cao nhận thức cho ĐV-TN, HS-SV và người nghiện ma túy về tác hại ma túy với sức khỏe, cuộc sống nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của giới trẻ. Đồng thời, tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của trên 1.000 đội thanh niên xung kích tham gia tố giác tội phạm và các mô hình: CLB sau cai (tiểu khu 4, thị trấn Lương Sơn); đội thanh niên thắp sáng niềm tin (Kim Bôi)… Nhiều cơ sở Đoàn đã chủ động, sáng tạo tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy phù hợp với từng đối tượng như: giao lưu văn nghệ, thi tìm hiểu, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề…

Thông qua các hoạt động này giúp ĐV-TTN nhận thức rõ tác hại của ma túy, tạo điều kiện thuận lợi để ĐV-TTN lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Bùi Quốc Hoàn

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh

 

Nâng cao chất lượng công tác quản lý đối tượng người nghiện

Tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp kéo theo những khó khăn trong công tác cai nghiện cho các đối tượng người nghiện. Toàn tỉnh có 2 Cơ sở cai nghiện ma túy số I và số II tại thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Sơn. Tính riêng ở Cơ sở cai nghiện ma túy số I đã có trên 50% số học viên vào cơ sở từ lần thứ 2 trở lên. Các đối tượng nghiện lâu năm sức khỏe yếu. Nhóm đối tượng HIV thường có biểu hiện chống đối do thái độ sống tiêu cực. Hay nổi lên hiện nay là nhóm đối tượng nghiện đa chất (nghiện ma túy tổng hợp) có những biểu hiện rối loạn tâm thần, không làm chủ được hành vi gây nguy hiểm cho đội ngũ cán bộ quản lý tại cơ sở.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng quản lý đối tượng người nghiện tại Cơ sở, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc nâng cao nghiệp vụ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đối tượng. Thực hiện bổ sung công cụ hỗ trợ cần thiết phục vụ quản lý đối tượng để đảm bảo an toàn cho cán bộ cơ sở. Đặc biệt, phối hợp với các ngành, đoàn thể và gia đình phát huy tối đa vai trò của công tác giáo dục nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi của các đối tượng, để họ có thể làm lại cuộc đời, trở thành những con người có ích cho xã hội.

Bùi Đức Minh

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số I (TP Hòa Bình)

 

 

Mỗi gia đình cần tăng cường quản lý con em tránh xa tệ nạn ma túy

Qua theo dõi báo chí, tôi được biết, toàn tỉnh có hơn 2.000 người nghiện ma túy do các cơ quan chức năng lập hồ sơ quản lý có tuổi đời còn rất trẻ từ 18 - 45 tuổi. Đây là điều đáng báo động cho các gia đình cần tăng cường việc quản lý, giáo dục con cái tránh xa tệ nạn ma túy. Thực tế có nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái, chưa sâu sát với cuộc sống hàng ngày của con. Có gia đình lại quá nuông chiều, khi phát hiện con mình nghiện chỉ một mực tìm cách bao che, dung túng. Nhiều thanh thiếu niên coi sử dụng ma túy đá như một trào lưu mà không nhận thức được tác hại nguy hiểm của nó.

Để giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên mắc phải tệ nạn ma túy, nhà trường, xã hội và đặc biệt là gia đình cần phát huy vai trò giám sát, định hướng nhận thức cho con em mình. Cha mẹ phải làm gương tốt cho con trong lối sống, cách ứng xử. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời tư của các con, có định hướng trong các mối quan hệ xã hội để các em có thể lường trước mọi vấn đề, nhất là đối với các em đang tuổi vị thành niên. Theo tôi, việc phòng-chống tệ nạn ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, vai trò gia đình trong quản lý, giáo dục con em phải được đề cao, ưu tiên hàng đầu.

Quách Đình Hưng

Xóm Sào, xã Hạ Bì (Kim Bôi)

 

Đức Phượng

 

 

 


Các tin khác


Sân chơi mùa hè cho trẻ - cần nhiều hơn nữa điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích

(HBĐT) - Kỳ nghỉ hè đã đến. Sau một năm học tập căng thẳng, nghỉ hè là khoảng thời gian để trẻ tạm gác việc học hành, được vui chơi, thư giãn. Để con trẻ có sân chơi bổ ích, lành mạnh, an toàn trong dịp hè là mong muốn của các bậc phụ huynh.

Gia cố những “mắt xích yếu” trong công tác phòng, chống thiên tai

(HBĐT) - Vài năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2017, thiên tai đã gây ra hậu quả khủng khiếp trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) luôn được quán triệt nghiêm túc với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhưng thực tế đã cho thấy một số "mắt xích yếu” cần phải được gia cố lại để tăng cường hơn nữa khả năng ứng phó của con người trước diễn biến thiên tai ngày càng khó lường và khốc liệt.

Hướng đi nào cho Đội công tác xã hội tình nguyện ?

(HBĐT)-Được thành lập vào năm 2006 và năm 2009, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 Đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) với 90 tình nguyện viên (TNV). Với chặng đường trên, dưới 10 năm hoạt động, có đội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận hiệu quả, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mô hình Đội CTXHTN thực sự không cần thiết. Thành lập thêm hay giải thể là việc của cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh), nhưng trước hết cần nhìn nhận rõ những mặt được và cả những hạn chế, làm lu mờ vai trò của Đội CTXHTN.

An toàn lao động – SOS

(HBĐT) - "Mặc dù đã vào cuộc nhưng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người chết vẫn tăng. Trong đó, tai nạn chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và xây dựng.” Vấn đề đáng báo động này được đưa ra tại hội nghị triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 2, năm 2018. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để giảm thiểu, ngăn ngừa TNLĐ?

Phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp - chìa khoá để thành công

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện.

Ngăn chặn Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ truyền đạo trái phép trên địa bàn tỉnh ta

(HBĐT) - Tháng 10/2014, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ bắt đầu xuất hiện tại tỉnh ta, đến nay đã lôi kéo được khá đông người tham gia. Lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản những trường hợp tụ tập đông người trái phép để tuyên truyền về hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Nhiều người dân đã phải "cầu cứu” đến cơ quan chức năng vì người thân tham gia Hội này có các biểu hiện kỳ quái, hành vi trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mâu thuẫn gia đình, có xu hướng bỏ nhà đi theo Hội. Thực tế cho thấy, nếu những "chiếc vòi bạch tuộc” này không nhanh chóng được chặt đứt, người dân không được tuyên truyền để nâng cao cảnh giác thì "dịch bệnh” lây lan sẽ gây ra rất nhiều nguy hại, bất an cho xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục