Các chuyên gia của Công ty Ericsson thử nghiệm ứng dụng từ IoT đối
với hoạt động của rô-bốt.
IOT (Internet of Things) là công nghệ giúp mỗi đồ vật, con người
khi tham gia mạng in-tơ-nét được cung cấp một định danh riêng và đều có khả
năng truyền tải, trao đổi thông tin. Những năm gần đây, công nghệ này ngày càng
phát triển với sự xuất hiện của các thiết bị điện tử thông minh, kết nối không
dây, từ đó cho thấy tiềm năng vô hạn và được đánh giá là công nghệ mang tính
cách mạng, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành nghề trong xã hội.
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Chu Ngọc Anh, IoT là một trong
các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0. IoT có khả năng biến thế giới vật chất
vô tri cất tiếng nói, giao tiếp với nhau và giao tiếp với con người, góp phần
quan trọng xây dựng xã hội sáng tạo hơn. Việc phát triển, làm chủ công nghệ IoT
và khai thác hiệu quả các ứng dụng của IoT sẽ tạo ra cơ hội cho các nước đang
phát triển, trong đó có Việt Nam, vượt lên trước trong một số ngành, lĩnh vực
kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, các ứng dụng về IoT đã được nghiên cứu, phát
triển dưới nhiều hình thức về giao thông, nông nghiệp thông minh, y tế thông
minh… Ứng dụng IoT sẽ giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới
sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn và hợp lý hơn với người
tiêu dùng. Theo TS Trần Lương Sơn, nhà sáng lập Công ty VietSoftware, việc làm
chủ công nghệ IoT không còn khó như trước đây. Hiện nay, người dùng không cần
có chuyên môn trong ngành công nghệ thông tin cũng có thể tự thiết lập những hệ
thống về IoT. Những người có chuyên môn tốt trong lĩnh vực như giáo dục, y tế,
nông nghiệp… có thể áp dụng công nghệ để hiện thực hóa các giải pháp phục vụ
cho hoạt động nghề nghiệp. Như đối với các bệnh viện, các giải pháp IoT sẽ giúp
quản lý thông tin bệnh nhân, năng lượng, điện… để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động,
thiết lập quy trình ứng phó với các tình huống, qua đó giảm áp lực nhân lực,
chi phí vận hành và xử lý dữ liệu. Hay trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng IoT
sẽ giải quyết được khâu truy xuất nguồn gốc, hàng hóa, vốn được coi là khâu yếu
nhất trong lĩnh vực này. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao Delco, Lê Khánh Mạnh cho biết, ứng dụng IoT trong nông nghiệp sẽ
giúp truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, thậm chí từng quá trình sinh trưởng của
cây từ khi gieo hạt cho đến lúc thu hoạch. Tuy nhiên, để có được kết quả thì DN
cần áp dụng công nghệ đồng bộ từ ban đầu và tất cả hoạt động được kiểm soát bằng
phần mềm. Khi thu hoạch sản phẩm thì chỉ cần lấy những dữ liệu để truy xuất nguồn
gốc, điều này còn tạo sự minh bạch trong hoạt động.
Theo các chuyên gia, hiệu quả từ việc ứng dụng IoT trong đời sống
xã hội đang ngày càng hiện hữu rõ ràng, cho nên đã mở ra một thị trường mới cho
các DN cung cấp các sản phẩm cho người dùng dựa trên IoT. Để làm được điều này,
DN không chỉ cần làm chủ công nghệ mà buộc phải có những sáng tạo trong việc ứng
dụng và phát triển để tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm. Tuy nhiên, mặc dù Việt
Nam được nhận định là có nhiều tiềm năng để phát triển các ứng dụng IoT, nhất
là khi chúng ta có đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin trẻ, sáng tạo và nắm bắt
nhanh công nghệ mới. Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn đang thiếu nhân lực chất lượng
cao trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng IoT và để thực thi một quy trình
kinh doanh dựa trên IoT theo chuẩn mực của thế giới. Do đó, các DN không chỉ cần
tìm kiếm các giải pháp để thích ứng và đáp ứng được xu thế hiện nay của thế giới,
mà cũng cần có những nhóm nghiên cứu, phát triển IoT nhằm thực hiện các dự án
riêng. Như hiện nay, một số DN, tập đoàn công nghệ lớn đã thành lập các trung
tâm, viện nghiên cứu hay nhóm nghiên cứu về IoT như: Tập đoàn Bưu chính Viễn
thông Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, FPT hay Viettel… Nhiều doanh nghiệp khởi
nghiệp cũng đầu tư cho những dự án nhỏ về IoT. TS Trần Lương Sơn cho rằng, Việt
Nam có thể bắt kịp xu thế ứng dụng IoT nhưng cần sự quan tâm của cả hệ sinh
thái, nhất là Nhà nước cần có chính sách để giúp các công ty có hoạt động đổi mới
sáng tạo được phát triển.
Để tập trung cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ IoT,
Bộ KH và CN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi,
bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và khuyến khích
phát triển. Doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm IoT, ứng dụng công nghệ IoT
trong sản xuất sẽ được nhận những ưu đãi cao nhất của Nhà nước theo pháp luật về
công nghệ cao. Ngoài ra, Bộ KH và CN đã ban hành và đang tổ chức thực hiện
chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu,
phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó phát triển, ứng
dụng công nghệ IoT là một trong những mục tiêu chính. Theo Thứ trưởng KH và CN
Bùi Thế Duy, hiện nay Trung tâm đổi mới sáng tạo về IoT đầu tiên của Việt Nam
đã được đưa vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Với mục tiêu trở thành
trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối các trường đại học với các viện nghiên cứu
và doanh nghiệp. Qua đó thúc đẩy đào tạo, hướng dẫn các nhóm nghiên cứu những
kiến thức mới nhất về công nghệ. Trung tâm sẽ hỗ trợ, hình thành các nhóm tạo
ra sản phẩm, thành lập các DN khởi nghiệp kêu gọi các nhà đầu tư và các DN lớn
phát triển các ứng dụng IoT trong nông nghiệp, thành phố thông minh… VIỆT NAM
được đánh giá là quốc gia tiềm năng trong việc khai thác, phát triển các ứng dụng
công nghệ để có thể bắt kịp thế giới trong cuộc CMCN 4.0. Nhưng để làm được điều
đó, không chỉ cần các DN nỗ lực nghiên cứu, đầu tư cho các giải pháp về công
nghệ mà Nhà nước cần có những chính sách bắt kịp với sự phát triển của thị trường.
Trong đó, IoT được đánh giá là một trong những hướng đi đầy tiềm năng, mang đến
những cơ hội mới nếu biết khai thác hiệu quả các ứng dụng từ IoT.
TheoNhandan