(HBĐT) - Vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề và liên tiếp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh. Trước sự gia tăng của tình hình BĐKH cũng như diễn biến ngày càng phức tạp của các loại hình thiên tai, UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình). Đến nay, Chương trình đang được đẩy nhanh tiến độ để hướng tới các mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/10/2017. Trong khuôn khổ Chương trình, tỉnh ta được giao thực hiện 2 dự án trong hợp phần BĐKH. Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Trong đó, dự án "Trồng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ, sạt lở đất, hạn hán, bảo vệ dân cư huyện Lạc Sơn” nằm trong số các dự án ưu tiên cấp bách, nhằm ứng phó khẩn cấp với các tác động của thiên tai trong bối cảnh BĐKH có tác động lớn đến sản xuất, sinh hoạt các khu vực dân cư thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án được triển khai trên địa bàn huyện Lạc Sơn với 7 hạng mục gồm: trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng mới hồ Đả Điệu (xã Tân Lập); xây dựng mới hồ Xanh Bảy (xã Miền Đồi); xây dựng mới hồ Rộc Át (xã Thượng Cốc); xây dựng đường kết hợp kè chống sạt lở xã Yên Phú - Bình Hẻm; xây dựng đường kết hợp kè chống sạt lở xã Văn Nghĩa; xây dựng đường kết hợp kè chống sạt lở xã Quý Hòa. Đến nay, 7/7 hạng mục đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành đúng theo kế hoạch giao.
Dự án còn lại là "Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (Ninh Bình)” đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 10/2018. Đến nay tiếp tục triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Theo đánh giá của UBND tỉnh: Cả 2 dự án trên đều có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn về thích ứng với BĐKH trong sinh hoạt và sản xuất. Từ đó, hành động để nâng cao độ che phủ rừng, cải tạo môi trường sinh thái, chống xói mòn, hạn chế sức tác động của các loại hình thiên tai do ảnh hưởng của BĐKH như sạt lở, lũ quét, lũ ống…
Cùng với quyết tâm thực hiện tốt 2 dự án này, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai 3 nhiệm vụ được giao trong hợp phần BĐKH và TTX, bao gồm: cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Hòa Bình; đánh giá khí hậu tỉnh Hòa Bình và xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của tỉnh. Đến nay, đã thực hiện xong nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của tỉnh. Đối với 2 nhiệm vụ còn lại đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn với Trung tâm Ứng phó BĐKH thuộc Cục BĐKH và đang tiến hành triển khai các nội dung công việc.
Được biết, trước khi thực hiện các nội dung quan trọng trong Chương trình, vào tháng 10/2015, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt "Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh”. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: Trước những tác động đang ngày càng gia tăng cả về tần suất và phạm vi ảnh hưởng của BĐKH, tỉnh ta cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai nói riêng và thích ứng với BĐKH nói chung. Trước mắt, trong thời gian từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình trọng tâm gồm: "Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đến năm 2020”, "Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016 - 2020”. Riêng về Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và TTX giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh được giao thực hiện 2 dự án và 3 nhiệm vụ. Căn cứ tiến độ đến thời điểm này, tỉnh quyết tâm hoàn thành các nội dung công việc, góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công Chương trình.
Thu Trang