(HBĐT) - Đã hơn 2 tuần trôi qua kể từ sau trận dông, lốc dữ dội
diễn ra vào chiều tối 23/6, xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) vẫn còn ngổn
ngang với nhiều căn nhà tốc mái, cây cối gãy đổ, bật gốc nằm chỏng chơ… Dông,
lốc với gió giật mạnh kèm theo mưa lớn đã gây ra thiệt hại nặng nề về nhà cửa,
tài sản, hoa màu. Hiện nay, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã vẫn tiếp tục hỗ
trợ, giúp đỡ Nhân dân khắc phục khó khăn sau thiên tai, nhanh chóng ổn định đời
sống và khôi phục sản xuất.
Hộ gia đình anh Bùi Văn Chung, xóm Be Trên, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) khắc phục hậu quả thiên tai
Anh Bùi Văn Chung ở xóm Be Trên cho biết: "Khoảng 17h30 ngày 23/6, trời bỗng tối sầm lại, gió rít thành cơn, quật đổ mọi thứ xung quanh. Cột điện hạ thế đổ thẳng vào gian nhà bếp, cả nhà tôi chỉ biết ôm đầu chạy ra ngoài đường để thoát thân. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá, dữ dội của thiên tai gây ra. Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền xã và Nhân dân trong xóm, gia đình tôi đang tập trung gia cố nhà cửa, sửa chữa lại nhà bếp để ổn định sinh hoạt”.
Khảo sát thực tế tại các xóm Be Trên, Be Dưới, Be Ngoài, Ong Man… khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của trận dông, lốc kèm mưa lớn diễn ra vào chiều 23/6. Dọc các tuyến đường liên xóm, những cây dổi vẫn còn nguyên vết nứt, gãy; cột điện đổ nằm ngổn ngang ven đường. Nhân dân trong xóm đang khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ nhau lợp mái nhà, gia cố chuồng trại chăn nuôi. Ông Bùi Văn Thức, xóm Be Trên chia sẻ: "Phải từ sau năm 1980 đến nay, tôi mới thấy có trận dông, lốc khủng khiếp đến như vậy. Mưa to kèm theo gió giật mạnh đã làm gia đình tôi thiệt hại 5 cây dổi cỡ chừng 20 năm tuổi, 5 cây lát và 1.000 cây dổi ghép, 30 m tường rào bị đổ sập… Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, vì những cây dổi đều đang trong thời kỳ kinh doanh”.
Từ đầu năm đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Chỉ trong tháng 6, xã Chí Đạo đã hứng chịu 2 trận dông, lốc kèm theo mưa lớn cục bộ diễn ra vào ngày 2/6 và 23/6, gây thiệt hại lớn về kinh tế, hư hỏng tài sản, nhà cửa, hoa màu của Nhân dân. Cụ thể: 148 hộ bị thiệt hại về nhà cửa, trong đó 17 hộ sập mái nhà, 131 hộ bị tốc mái; trên 600 cây dổi, lát, mít bị gãy, đổ, dập nát; 9 cột điện hư hỏng. Nhiều diện tích hoa màu bị gió quật đổ. Rất may không có thiệt hại về người. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,3 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể đã kịp thời nắm tình hình, động viên các hộ bị thiệt hại nặng nề do dông, lốc gây ra. Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã phân công, bố trí lực lượng nhanh chóng thực hiện phương châm "4 tại chỗ”. Bố trí chỗ ăn ngủ tạm thời, đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh, gia cố nhà cửa, chuồng trại. Đồng thời kiểm tra, rà soát các nhà dân có nguy cơ tốc mái, đổ sập nếu xảy ra dông, lốc. Chủ động cắt tỉa cây xanh tiềm ẩn nguy cơ bật gốc, gãy đổ khi xảy ra thiên tai. Báo cáo Điện lực Lạc Sơn bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ giúp người dân khắc phục sự cố về điện, đảm bảo cung ứng điện để ổn định đời sống, sản xuất.
Đồng chí Quách Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: "Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, xã tiếp tục chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Chủ động các biện pháp nhằm ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp. Tăng cường công tác tuyền truyền, vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác, không lơ là chủ quan. Qua đó tuyệt đối đảm bảo an toàn về tính mạng của Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa về tài sản, hoa màu. Đồng thời, mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giúp người dân khắc phục thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra.
Đức Anh
(HBĐT) - Theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hợp Đồng và Thượng Tiến. Xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Thượng Tiến. Vì vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng (BV, PTR) được cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ then chốt, cần thực hiện nghiêm túc. Từ khi sáp nhập đến nay, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để giữ rừng.
(HBĐT) - LLVT tỉnh đã khẳng định là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong ứng cứu khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, là chỗ dựa tin cậy cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Qua đó, tô thắm thêm truyền thống, bản chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
(HBĐT) - Hòa Bình là địa phương có diện tích rừng lớn, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố, nên ngay từ đầu mùa nắng nóng, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, chủ rừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR.
(HBĐT) - Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, làng nghề chế tác đã cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) cũng nảy sinh không ít tồn tại, bất cập, nhất là tình trạng ô nhiễm do bụi, tiếng ồn, việc sử dụng hóa chất là vấn đề khiến dân cư trên địa bàn trăn trở, bức xúc.
Hôm nay (2/7), ở Bắc Bộ có mưa rào và giông, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong tháng 7/2020, nắng nóng còn xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ, tập trung ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhưng số ngày có nắng nóng không kéo dài như tháng 6/2020.