(HBĐT) - Qua thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, các cơ quan chức năng phát hiện Nguyễn Văn Nghiêm (sinh năm 1963), trú tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đã đăng ký, quản lý, sử dụng nhiều tài khoản cá nhân trên mạng xã hội (MXH) để đăng, chia sẻ bài viết và các video thể hiện quan điểm cá nhân về tình hình chính trị của đất nước và nhiều vấn đề tiêu cực của xã hội; xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Muôn kiểu "rác mạng”
Cũng như Nguyễn Văn Nghiêm, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên 3 mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư cùng trú tại xã Ngọc Lương (Yên Thủy) và Trịnh Bá Phương, trú tại Hà Đông (Hà Nội) đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân phát nhiều video có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Các video của 3 mẹ con Cấn Thị Thêu phát, đăng tải trên internet được nhiều đối tượng có tư tưởng chống đối theo dõi, bình luận bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt gây hoang mang trong Nhân dân nhằm chống Nhà nước...
Mới đây, trong tháng 4/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC), Công an tỉnh đã triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt ông Lê Duy H. trú tại phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), chủ tài khoản facebook "HL” về hành vi đăng tải bình luận có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng Công an trên MXH...
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 150.000 tài khoản người dùng MXH, nhiều nhất là facebook, zalo, youtube... Ngoài ra, qua công tác rà soát, nắm bắt, các cơ quan chức năng phát hiện có nhiều hội, nhóm kín trên không gian mạng (KGM). Trong đó, có 48 hội, nhóm có tư tưởng phản động, chống đối; 6 đối tượng thường xuyên đăng tải, chia sẻ tin, bài, hình ảnh, video clip có nội dung thông tin sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng tình hình liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và các vấn đề phức tạp, tiêu cực phát sinh trong xã hội để thể hiện quan điểm trái chiều với tư tưởng tiêu cực, bất mãn.... Thời gian qua, các hội, nhóm, đối tượng có tư tưởng tiêu cực, bất mãn đã đăng tải trên 5.200 bài viết, video, thông tin lên MXH các vấn đề về chính trị, xã hội có tính thời sự. Sau đó lồng ghép quan điểm cá nhân, bình luận có tính tiêu cực đi ngược lại đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước hoặc đăng tải video clip có nội dung xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng... Từ năm 2021 - 2022, qua công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực truyền thông, intenet, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh phát hiện 24 cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật lên MXH, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp; cảnh cáo, giáo dục pháp luật 11 trường hợp.
Quy tắc "5K” trong phòng, chống thông tin xấu, độc
Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT chia sẻ: Bên cạnh ưu thế thông tin nhanh, nhiều, dễ tiếp cận thì thông tin trên internet, nhất là MXH thường bị trộn lẫn giữa thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng, không kiểm chứng. Thực tế trên MXH có nhiều thông tin chứa nội dung xấu, độc. Do đó, việc "phủ xanh”, đưa những thông tin tốt, có sức lan tỏa tích cực rất cần có sự chung tay của cả xã hội. Đặc biệt, với mỗi người dùng internet khi tham gia hoạt động trên KGM cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước thông tin xấu, độc.
Xung quanh vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng ANM&PCTPSDCNC, Công an tỉnh khuyến cáo: Khi tiếp nhận thông tin, người dùng MXH cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy. Mục đích chung của những đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật là phát tán rộng rãi nhất có thể nhằm đạt những ý đồ riêng. Do đó, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn như phát tán tin giả vào các nhóm đông thành viên; sử dụng trang, kênh, tài khoản có nhiều người theo dõi để phát tán, chia sẻ thông tin sai lệch. Để phòng tránh thông tin sai sự thật, tin giả, người dân cần thực hiện tốt quy tắc "5K”: Không tin ngay - Không vội nhấn nút thích - Không thêm thắt - Không kích động - Không vội chia sẻ.
Để nắm nắm bắt tình hình, đấu tranh hiệu quả với tội phạm cũng như những vi phạm pháp luật trên KGM, "thời gian tới, lực lượng ANM&PCTPCNC sẽ tổ chức lực lượng thường trực, giám sát 24/7 để kịp thời phát hiện thông tin sai sự thật. Đồng thời, tiếp tục rà soát, phân tích, xử lý tin, bài viết trên KGM; giám sát các trang mạng, hội nhóm, tài khoản trên MXH có hoạt động chống phá mạnh. Từ đó, kịp thời phân loại, sàng lọc nhóm tin, bài có nội dung xấu, độc, chống Đảng, Nhà nước để chủ động triển khai đối sách, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa tin giả” - Thượng tá Nguyễn Cao Cường chia sẻ thêm. Đồng thời, cơ quan Công an chủ động phối hợp các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến quần chúng nhân dân, cũng như phát đi cách báo về thông tin giả, thông tin sai lệch để quần chúng nhân dân cảnh giác, phòng tránh.
Mặt khác, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng chức năng cũng rất cần sự tham gia của cộng đồng vào việc phát hiện, tố giác, cảnh báo, ngăn chặn tin giả, lan truyền thông tin chính thống, xác thực... trên tinh thần mỗi người cần tỉnh táo, có ý thức thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ trên MXH; không nên chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Nói "không" với tin giả, tin sai sự thật cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để "phủ xanh" thông tin, quét sạch "rác mạng”.
Mạnh Hùng