(HBĐT) - Xã Thành Sơn (Mai Châu) có 5/11 xóm nằm trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt, đá lăn. Nguyên nhân được xác định do địa hình chủ yếu là đồi núi cao hiểm trở, dân cư sinh sống dọc theo sườn núi. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tuyệt đối đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.
Khảo sát tuyến tỉnh lộ 432B từ QL6 tới trung tâm xã dài gần 20 km với nhiều đèo dốc, khúc cua tay áo tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Dọc theo tuyến, một bên là núi cao một bên là vực sâu. Theo chia sẻ của người dân, tại cung đường này đi lại rất nguy hiểm bởi mặt đường xuống cấp, dốc đứng, các khúc cua gấp bị che khuất tầm nhìn. Đặc biệt trong mùa mưa bão kéo dài, nước từ trên cao đổ xuống kéo theo đất, đá xuống mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, nguy cơ đá lăn cũng thường trực xảy ra gây hậu quả khôn lường.
Ông Ngần Văn Hiếu, người dân xã Thành Sơn cho biết: "Tỉnh lộ 432B là tuyến đường huyết mạch nối xã với QL6 và các xã vùng lân cận. Bởi địa hình đa phần đồi núi, cung đường này rất nguy hiểm do khúc cua ngoằn ngoèo, không đảm bảo an toàn. Nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra, có 1 vụ TNGT khiến 1 người chết do cố tình vượt qua khu vực đất, đá sạt lở, do trơn trượt nên xe và người điều khiển phương tiện bị rơi xuống vực".
Năm 2020, xã Thành Sơn hợp nhất từ 3 xã Thung Khe, Noong Luông, Pù Bin. Địa bàn xã trải rộng, đa phần là đồi núi cao, dân cư sinh sống không tập trung. Điều kiện thời tiết phức tạp gây sạt lở một số khu vực, chính quyền xã đã hỗ trợ kinh phí, di chuyển 3 hộ dân đến nơi ở mới. Theo rà soát, toàn xã hiện có trên 10 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Có mặt tại nhà ông Hà Công Sung, xóm Hợp Thành, hộ thuộc diện di dời đến nơi ở mới. Theo quan sát, đây là khu vực nền đất yếu, độ dốc cao, khi mưa to thường xuyên xảy ra tình trạng nước chảy xối xả từ trên đồi cao xuống. Ông Sung chia sẻ: "Tích góp, vay mượn gần 100 triệu đồng xây, sửa nhà. Giờ di dời thì tiếc nhà mới, không đi thì nguy hiểm tới tính mạng khi vào mùa mưa. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân được di chuyển đến khu vực an toàn, yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế”.
Ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã kiện toàn, triển khai nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Phân công cán bộ chủ động phối hợp thôn, xóm tổ chức kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Theo dõi diễn biến thời tiết để xây dựng kế hoạch cụ thể, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Khi xảy ra thiên tai nhanh chóng phân công lực lượng kiểm tra, rà soát khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, nhanh chóng di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Duy trì nghiêm chế độ trực 24/7 để kịp thời xử lý trường hợp đột xuất, bất ngờ. Tại khu vực xung yếu bố trí cán bộ trực, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, tuyệt đối không để người và phương tiện lưu thông. Huy động nhân lực, vật lực để phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Đồng chí Hà Công Duân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định những khó khăn, thách thức trong công tác PCTT&TKCN, xã linh hoạt xây dựng phương án triển khai tới các ngành, đoàn thể, thôn, xóm. Mong muốn Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí để rà soát, đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT trong mùa mưa bão; lắp đặt biển cảnh báo, hệ thống rào chắn tại khu vực nguy hiểm. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong phòng ngừa thiên tai. Từ đó quyết tâm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Đức Anh