Nhờ có mận mận mà nhiều gia đình ở 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) thoát nghèo.
(HBĐT) - Nếu như ngô được coi là cây cứu đói thì mận lại là cây giảm nghèo của đồng bào Mông ở 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu). Gần 25 năm bám rễ ở vùng đất quanh năm mây phủ này, cây mận tam hoa, mận hậu chịu nhiều biến động bất thường của giá cả thị trường, có thời điểm tưởng chừng người dân phải chặt bỏ để thay thế những cây khác và rồi, cây mận vẫn kiên trì bám trụ để rồi hôm nay đem đến cho người dân một mùa bội thu.
Ngọt ngào trái mận thung trắng
Chợ Xà Lĩnh, xã Pà Cò ngày cuối tuần ngay từ sáng sớm đã đông người mua, người bán. Mỗi tuần chỉ có một phiên chợ nên bà con ở xã bên như Hang Kia, Tân Sơn, Lóng Luông cũng về đây để mua sắm. Phiên chợ này, mận là nhiều hơn cả. Những gùi mận bày kín lối vào chợ, dọc hai bên đường. Vậy mà chỉ đến khoảng 8 giờ sáng đã chẳng còn thấy gùi mận nào.
Đến xã Pà Cò vào những ngày này, nhìn những quả mận tam hoa, mận hậu căng mọng, trĩu trịt trên cành mà lòng thấy vui. Chị Sùng Y Lý ở xóm Trà Đáy vừa giao xong mận cho khách hàng, tất tả ra vườn hái mận về mời khách. Chị chia sẻ: Năm nay mận được mùa vừa to, vừa thơm. Mận chín đến đâu là có người tìm về thu mua hết, giá đầu vụ lên đến 25.000 đồng/kg, giờ cuối vụ rồi nên giá cũng hạ chút ít. Tiền thu được từ vụ mận này, một phần mình dự kiến sửa chữa lại nhà, một phần mua cho thằng Chư (con trai) cái xe để nó đi học dưới huyện, còn lại mình gửi tiết kiệm để mua sách vở cho cái Mua (con gái), lại sắp đến năm học mới rồi.
Thưởng thức mận hậu và nhâm nhi chén trà shan tuyết, ông Hàng A Páo, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Pà Cò cười khà khà: Cả xã có gần 200 ha mận, cây nào cũng sai trĩu quả. Nhà nào ít cũng đôi, ba chục cây, nhà nhiều có cả ha. Cây mận dễ sống, không tốn nhiều công chăm sóc nên bà con không chỉ trồng trong vườn quanh nhà mà còn đưa cả lên nương. Vài năm gần đây, mận được giá, tư thương đến mua tận vườn nên bà con rất phấn khởi. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch mận thấy bà con sửa chữa, làm mới nhà cửa, mua cái tivi, tủ lạnh, xe máy mới. Cây mận giờ không còn là cây giảm nghèo nữa mà trở thành cây làm giàu cho người dân.
Bà Trần Thanh Thủy, một tư thương chuyên thu mua mận ở Pà Cò cho biết: Năm nay mận ở Pà Cò được khách hàng ở Hà Nội rất thích. Ở vùng này có 2 loại là mận tam hoa và mận hậu. Mỗi quả có một vị riêng nhưng khách hàng thích nhất là mận tam hoa vì nó có vị chua thanh và giòn để được lâu hơn. Còn mậu hậu ngọt hơn nhưng quả mềm lại không để được lâu, vận chuyển rất hao hụt. Từ đầu vụ đến giờ tôi cũng thu mua được dăm chuyến.
Ông Hàng A Páo cho biết: Cây mận có duyên với vùng cao này. Cứ vào dịp Tết truyền thống của người Mông (tháng 12 dương lịch hàng năm), nhìn hoa mận nở trắng núi rừng là biết dân bản mình sắp no ấm rồi. Ở vùng cao này có tới 9 tháng sương mù bao phủ, những tháng còn lại sương mù giăng đến tầm trưa mới tan. Có lẽ vì quanh năm sương phủ như vậy mà người ta gọi nơi đây là "thung trắng”. Thế nhưng, cho dù thời tiết mùa đông có rét buốt đến mấy, sương mù, sương muối có nhiều bao nhiêu thì cây mận vẫn cứ tươi tốt, đơm hoa, kết trái.
Những mùa mận kết trái
Ông Hoàng Quang Minh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, trước đây, ông làm ở Chi cục ĐC-ĐC, có một thời gian dài gắn bó với đồng bào Mông ở 2 xã Pà Cò, Hang Kia nhớ lại: Năm 1991, sau nhiều chuyến công tác lên vùng Bắc Hà của tỉnh Lào Cai, chúng tôi thấy cây mận tam hoa phù hợp với xứ lạnh, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Trong khi chờ cây cho thu quả, người dân có thể trồng những cây ngắn ngày như ngô, dong riềng xen dưới tán. Thế là chúng tôi quyết tâm đưa cây mận tam hoa về ươm trồng thử nghiệm để cây mận quen với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất mới, sau đó mới nhân giống và trồng đại trà. Tiếp đó, chúng tôi lên Sơn La để lấy thêm giống cây mận hậu về trồng khảo nghiệm ở bản Trà Đáy, xã Pà Cò. Mấy năm sau, diện tích mận tam hoa, mận hậu ở 2 xã Pà Cò, Hang Kia đã lên tới trên 300 ha.
Gần 25 năm bám dễ vùng đất này, cây mận đã phải trải qua bao thăng trầm. Có những thời điểm tưởng như phải chặt bỏ toàn bộ cây mận để tìm cây khác thay thế. Khoảng thời gian năm 2000 trở về trước, mỗi lần mùa mận chín, những đoàn công tác của tỉnh, huyện lên đây đều bị bà con chặn lại, mang những gùi mận mận bắt cán bộ mua. Giá mận khi đó xuống tới 2.000 đồng/kg cũng không có ai hỏi mua. Mận chín rụng đầy vườn. Ông Minh chia sẻ: Khi đó, nhìn thành quả, công sức của mình và nhiều cán bộ khác gắn bó với vùng đất này mà xót ruột, xót gan. Nhiều biện pháp được đưa ra, nhiều loại cây trồng được tính tới để dần thay thế cho cây mận. Một mặt chúng tôi động viên bà con là không nên phá bỏ cây mận, tỉnh và huyện sẽ tìm cách tiêu thụ mận cho bà con, một mặt nghiên cứu và trồng khảo nghiệm một số loại cây mới như: chè shan tuyết, đào Pháp, cây thảo dược… Bà con nghe lời cán bộ, không phá bỏ cây mận, tiếp tục tham gia cải tạo vườn, làm nương để trồng chè shan tuyết, đào Pháp và một số cây thảo dược. Đến nay, 2 xã Hang Kia và Pà Cò đã tạo thành vùng sản xuất chè shan tuyết lớn của tỉnh với diện tích khoảng 300 ha. Thương hiệu sản phẩm chè shan tuyết Pà Cò của Công ty TNHH Phương Huyền đã và đang chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng ưu chuộng.
Ông Hàng A Páo, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Pà Cò chia sẻ: Có thêm thu nhập từ những loại cây trồng khác nên rất may là bà con không phá bỏ cây mận. Chính vì thế mà những năm gần đây, thời tiết tốt nên mận thường xuyên được mùa. Giá mận tam hoa, mận hậu cũng dần dần nhích lên. Người tiêu dùng cũng biết đến sản phẩm mận của Pà Cò, Hang Kia nhiều hơn. Hai, ba năm gần đây, mùa mận chín là tư thương đến đặt mua cả vườn. Nhờ có mùa mận mà nhiều gia đình đã có tích lũy để làm nhà mới, mua sắm thêm những vật dụng đắt tiền phục vụ cuộc sống.
Ông Hoàng Quang Minh trăn trở: Cây mận có đặc tính là dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu được thời tiết khắc nghiệt và có thời gian sinh trưởng lâu. Đời sống kinh tế của người dân cũng được nâng cao nên dự báo là việc tiêu thụ mận những năm tới sẽ không khó khăn lắm. Tuy nhiên, cây mận ở đây cũng có khoảng thời gian gần 25 năm rồi, nếu như không được cải tạo hoặc phục tráng vài năm nữa là mận sẽ trở nên cằn cỗi, chất lượng quả giảm. Mong là trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh có biện pháp hỗ trợ người dân phục tráng dần những cây mận đã quá lâu năm để cây mận tiếp tục cho những mùa quả ngọt.
Ngọc Vinh