Ảnh: Đồng chí Hà Công Thẻ, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu(trái ảnh) tại hội nghị của UBND tỉnh về công bố quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030
Phóng
viên: Thưa đồng chí chủ tịch UBND huyện,
Mai Châu đã và đang có những tiềm năng, lợi thế gì để phát triển du lịch?
Đồng chí Hà Công Thẻ:Mai Châu là huyện vùng cao, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 60 km, địa hình đồi núi chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, song thiên nhiên đã ban tặng cho Mai Châu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, đây là điều kiện thuận lợi để Mai Châu phát triển du lịch. Huyện có diện tích tự nhiên 56.981,2 ha, dân số trên 55.000 người với 7 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Mông, Dao, Tày, Hoa, trong đó, dân tộc Thái chiếm gần 60%, là nơi hội tụ, đan xen bản sắc văn hóa các dân tộc tạo nên những nét văn hóa độc đáo, là những tài nguyên thiên nhiên để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Thiên nhiên,
không gian văn hóa, vùng đất và con người Mai Châu từ lâu nay đã ghi dấu ấn khó
phai trong lòng du khách. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành,
có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp còn đậm nét bản sắc văn hoá các dân tộc. Hiện
nay huyện Mai Châu đã công bố quy hoạch điểm du lịch Quốc gia và đang phấu đấu
đến năm 2020 đạt được các tiêu chí của điểm du lịch quốc gia sẽ đóng vai trò
quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình nói riêng, trong khu vực và cả
nước nói chung.
Ảnh: Thung lũng Mai Châu nhìn từ đỉnh Thung Khe
Phóng
viên: Nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch
trên địa bàn, 5 năm trở lại đây, Huyện ủy – HĐND – UBND huyện đã có những định
hướng, giải pháp cụ thể gì?
Đồng chí Hà Công Thẻ:Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trên cơ cở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động, Đề án để phấn đấu huyện Mai Châu trở thành Điểm du lịch quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với những định hướng cụ thể như:
Về Định hướng phát
triển thị trường khách du lịch: Các luồng khách chính của Mai Châu gồm luồng khách từ Hà Nội và
các đô thị lớn trong vùng đồng bằng song Hồng; luồng khách từ các tỉnh lân cận
trên tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 15. Các đối tượng khách là du khách chủ yếu đi
nghỉ, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…Ngoài ra còn có
khách du lịch từ các thị trường khác như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á… (Pháp,
Anh, Đức, Mỹ, Nhật…)
Về Định hướng
phát triển sản phẩm: huyện chủ trương phát triển du lịch đặc thù như: tìm hiểu thăm
quan bản làng, trải nghiệm cuộc sống tại bản, thưởng thức ẩm thực địa phương,
tham gia các lễ hội truyền thống, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông, ngư
nghiệp, mua sắm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tắm thuốc lá dân tộc... Đồng thời phát
triển các sản phẩm bổ trợ phục vụ khách du lịch như: lưu trú, ẩm thực, thể thao
mặt nước, vui chơi giải trí... Đặc biệt từng bước hình thành các tuyến du lịch
liên kết quốc tế, liên tỉnh, liên vùng, nội tỉnh, du lịch đường thủy và nội vùng.
Định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú: Các loại hình
lưu trú tại huyện Mai Châu bao gồm: Resort, bungalow, khách sạn, nhà nghỉ, nhà
nghỉ cộng đồng(Homstay)…Các cơ sở lưu trú phân bố khá đều tại các điểm đáp ứng
nhu cầu của du khách.
Định hướng phát
triển hệ thống cơ sở vui chơi giải trí: Tập trung phát
triển các loại hình vui chơi giải trí theo hướng hình thành các công viên
chuyên đề, công viên vui chơi khám phá, hệ thống các khu vui chơi giải trí.
Định hướng phát triển nguồn nhân lực và giáo dục
cộng đồng: đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, tạo điều
kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý hiện tại được nâng cao trình độ chuyên môn và
nhận thức về du lịch thông qua các chương trình phối hợp với cơ sở đào tạo tổ
chức tham quan, học tập kinh nghiệm. Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp
cho ngành du lịch, đặc biệt là nhân lực làm việc trong các điểm du lịch, khách
sạn, nhà hàng…
Để thực hiện tốt những định hướng trên huyện
đưa ra một số giải pháp như:
Ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước để
hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn vốn
đầu tư, ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng
phục vụ du lịch, kêu gọi các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú,
thu hút đầu tư khu vực tư nhân và phát huy vai trò năng động của thị trường tài
chính trong nhân dân.
Tăng cường phối hợp liên ngành giải quyết những
vấn đề có liên quan đến quản lý phát triển du lịch như đầu tư phát triển sản phẩm,
xúc tiến quảng bá du lịch, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên du lịch, quản
lý sử dụng đất, cơ sở hạ tầng.
Duy trì và xây dựng các điểm du lịch cộng đồng
mới; Đầu tư bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa,
danh lam thắng cảnh. Tăng cường các sản phẩm du lịch và hoạt động về đêm để kéo
dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực du lịch, khuyến khích đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực địa
phương. Cần có chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp
và chất lượng cao nhất là cho du lịch cộng đồng.
Tăng cường quảng bá trên các kênh truyền thông
uy tín trong lĩnh vực du lịch, lĩnh vực tìm kiếm trên mạng internet. Tiếp tục đẩy
mạnh công tác quảng bá xúc tiến về du lịch bằng nhiều hình thức có trọng tâm,
trọng điểm, đi vào chiều sâu, đảm bảo thiết thực hiệu quả.
Phóng viên: Đến thời điểm này, Mai Châu đã đạt được những
thành quả bước đầu gì trong hoạt động du lịch? Đồng chí chia sẻ những kết quả về
hoạt động du lịch huyện nhà năm 2016 và năm 2017.
Đồng chí Hà Công Thẻ:Tranh thủ sự giúp đỡ, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, trong thời gian qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu đã đạt được kết quả quan trọng, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện.
Hiện nay, trên
địa bàn huyện có 146 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trong đó có 07 khách sạn,
22 nhà nghỉ, 117 nhà nghỉ cộng đồng. Toàn huyện có 13 xóm, bản có hoạt động du
lịch cộng đồng, các điểm du lịch có hiệu quả như: Resort Mai Châu Ecolodge (xã
Nà Phòn), Villas Mai Châu (xóm Cha Lang, xã Mai Hịch), bản Lác (xã Chiềng Châu),
bản Pom Cọng (Thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch)....
Trong năm
2016, huyện Mai Châu đã đón 301.500 lượt khách đến tham quan du lịch đạt 105% kế
hoạch, trong đó khách quốc tế: 112.000 lượt, khách nội địa: 189.500 lượt, doanh
thu từ du lịch đạt trên 75 tỷ đồng. Đến năm 2017, ước đón 324.536 lượt khách,
trong đó khách quốc tế là 99.314 lượt, khách nội địa là 225.222 lượt, tổng
doanh thu ước đạt 84 tỷ 379 triệu đồng.
Ảnh: Mùa vàng ở thung lũng Mai Châu
Ảnh: Bản Lác, điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện Mai Châu tiếp tục được biết đến là điểm tham quan, nghỉ ngơi thân thiện, hấp dẫn đối với du khách gần xa
Phóng viên: Để nâng
tầm chất lượng du lịch huyện Mai Châu, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai
các hoạt động, chương trình gì và với mục tiêu cụ thể nào?
Đồng chí Hà Công Thẻ:Để nâng tầm chất lượng du lịch huyện Mai Châu, trong thời gian tới huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết, Chương trình hành động, Đề án về phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kêu gọi các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú, thu hút đầu tư khu vực tư nhân và phát huy vai trò năng động của thị trường tài chính trong nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước về du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí. Tăng cường thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành lập Ban quản lý điểm du lịch Mai Châu để thống nhất quản lý. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý và vận hành các hoạt động du lịch. Nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch văn hóa. Các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển được triển khai đồng bộ ở nhiều cấp độ. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch.
Phấn đấu đến
năm 2020, huyện đạt các tiêu chí của điểm du lịch quốc gia như: Có hạ tầng giao
thông thuận tiện đến các điểm du lịch; có các dịch vụ bãi đỗ xe, khu vệ sinh công
cộng, phòng cháy - chữa cháy, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và các dịch vụ
khác đáp ứng yêu cầu của khách du lịch; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, vệ
sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Số buồng cơ sở lưu trú đạt 680 buồng;
tạo việc làm cho 3.000 lao động, trong đó, 1.000 lao động trực tiếp; đón
530.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế 163.000 lượt khách; tổng thu từ du
lịch đạt 220 tỷ đồng… Đến năm 2030, số buồng cơ sở lưu trú đạt 1.460 buồng; tạo
việc làm cho 6.900 lao động, trong đó, 2.300 lao động trực tiếp; đón 1, 1 triệu
lượt khách, trong đó, khách quốc tế 400.000 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 1.340
tỷ đồng…
Phóng viên:
Xin cám ơn đồng chí.