(HBĐT) - Ngày nay, con sông Đà không còn dữ dội với 130 thác, 170 ghềnh "đá núi sắc nhọn như nanh vuốt và những cái hút nước cuồn cuộn luồng gió gùn ghè như chực nuốt người”. Con sông hung hãn khi xưa, giờ đã trở nên hiền hòa như một chú sư tử được thuần phục. Giữa lòng hồ mênh mang nước và lồng lộng gió, trên chiếc thuyền máy nổ giòn hướng thẳng tới Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Thác Bờ (xã Vầy Nưa, Đà Bắc), tôi được nghe kể câu chuyện ly kì về một bậc quân vương khi xưa từng phạt đá đề thơ, ghi lại dấu ấn bằng lưỡi kiếm và những vần thơ như chứa gang, chứa thép.


Nơi bậc quân vương phạt đá đề thơ

Sau bước chòng chành, rồi cũng ổn, chiếc thuyền sắt lao về phía trước như mũi dao cắt lên miếng thạch khổng lồ màu ngọc bích đặc trưng của sông Đà. Lẫn trong tiếng gió, tiếng máy nổ giòn tan loang trên mặt hồ, Cường - anh lái thuyền ở vùng sông nước Thung Nai bảo, thuận gió nên từ bến Thung Nai đến khu di tích Đền Thác Bờ cũng nhanh thôi. Đây là khu di tích lịch sử văn hóa mới được tôn tạo, đến nay cơ bản hoàn thành và sẵn sàng chào đón du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái. Điểm nhấn quan trọng nằm trong quần thể khu di tích là bia đá đề thơ Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ hay Thái Tổ Cao Hoàng Đế) - chứng tích lịch sử ghi đậm dấu ấn của một bậc quân vương hào kiệt, khiến bất cứ ai cũng cảm thấy tự hào khi đặt chân đến nơi này.

Qua tìm hiểu được biết, công trình tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Đền Thác Bờ được đầu tư xây dựng trên đỉnh đồi Hang Thần (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) có diện tích khoảng 4.500m2. Vị trí này trước đây cũng là nơi Chợ Bờ mới tụ họp sau khi Chợ Bờ cũ đã bị nhấn chìm sâu dưới hàng trăm mét nước. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mở ra với sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ. Hiện nay, công trình đã hoàn thiện các hạng mục đền chính, 2 dãy nhà tả vu - hữu vu, tam quan cùng một số hạng mục phụ trợ, bệ đặt bia đá đề thơ của vua Lê Lợi... Công trình được xây dựng trên cơ sở những truyền thuyết, tài liệu lịch sử có thật để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và tìm hiểu văn hóa, lịch sử của nhân dân. Trong đó, giá trị nhất là tảng đá mà vua Lê Thái Tổ đã phạt đá đề thơ sau khi dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn nơi biên viễn xa xôi trở về. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến cố thời gian, cùng sự bào mòn khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng đến giờ, những nét chữ được khắc trên đá vẫn còn giữ nguyên vẹn.

Sử sách còn ghi: Sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, vào năm 1432, Bình Định Vương Lê Lợi đã thân chinh dẫn quân lên miền biên viễn xa xôi để dẹp loạn Đèo Cát Hãn với vùng Mường Lễ (nay thuộc tỉnh Lai Châu), giữ yên vùng biên cương, phên dậu hiểm yếu nhất của đất nước. Sau khi dẹp loạn xong, giành thắng lợi trở về, vua dừng chân tại khu vực thác Bờ xưa trập trùng ghềnh thác. Cảm hứng trước thế núi, dáng sông, người anh hùng đã rút gươm, phạt đá, đề khắc một bài thơ bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, có tên là "Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê” (Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy). Bài thơ được khắc trên một mỏm đá vôi lớn ở ngay bên ghềnh đá thác Bờ, thuộc xã Hào Tráng (cũ) của huyện Đà Bắc. Mỏm đá nhô cao hơn 5m, được mài nhẵn ở lưng chừng, tạo thành một mặt phẳng, bề dài gần 1,5m, cao gần 1m, bia khắc trên mặt phẳng này. Nội dung bia khắc bài tiểu dẫn và bài thơ của vua Lê Lợi.


Khu di tích mới được tôn tạo với các giá trị văn hóa - lịch sử - tâm linh đầy ý nghĩa sẵn sàng chào đón du khách đến thăm quan và chiêm bái.

Lạc khoản đề rằng: "Năm Nhâm Tý, Thuận Thiên thứ 5 (1432) tháng 3, ngày tốt. Ta đi đánh Đèo Cát Hãn qua đây, làm một bài thơ, nói về đường lối phòng Nhung Địch cho đời sau biết: Man Mường Lễ mặt người dạ thú, ngạch trở giáo hóa, phải tiêu diệt ngay. Nên nghĩ sinh dân thiên hạ, chẳng ngại lam chướng, mà phương lược xuất chinh tiến quân bằng đường thủy hai sông Thao, Đà là hơn cả”.

Bài thơ đề rằng:

"Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan,

Già vẫn nguyên còn sắt đá gan.

Hào khí nghìn mù đều sạch quét,

Tráng tâm muôn núi cũng bằng san.

Biên phòng tất khéo mưu phòng lược,

Xã tắc nên trù kế cửu an.

Ghềnh thác ba trăm năm lời cổ ngữ,

Như nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn”.

Khối đá khắc ghi bài thơ này hiện vẫn được lưu giữ và mới đây được chuyển về khu di tích Đền Thác Bờ - Bia Lê Lợi như một chứng tích lịch sử đầy tự hào của dòng sông trước khi thác Bờ ngập chìm sâu dưới hàng trăm mét nước.

Truyền thuyết Chúa thác Bờ và cuộc chinh tây dẹp loạn của vua Lê

Những dấu tích rõ nét nhất của vua Lê Thái Tổ không chỉ ở bài thơ còn khắc ghi trên tảng đá núi hiện nay được đặt trang trọng tại nơi nó đã từng thuộc về. Thêm vào đó, cuộc hành binh lên miền viễn tây xa xôi dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn của vua tôi nhà Lê vẫn còn lưu dấu đậm nét trong những câu chuyện kể, trong huyền thoại có thật về hai Bà Chúa Thác Bờ.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Vào mùa đông, tháng 11 năm Tân Hợi (1431), vua Lê Lợi đem quân đi dẹp loạn Đèo Cát Hãn, Thổ tù châu Mường Lễ (Lai Châu). Theo truyền thuyết, khi vua kéo quân theo đường thủy, bộ, qua hai đạo sông Thao, sông Đà, đến Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy chảy xiết, phía trước thác ghềnh hiểm trở, nước xô bọt trắng bờ, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên không thể tiến quân lên. Khi ấy, có người con gái dân tộc Mường là Đinh Thị Vân xã Hào Tráng (cũ) và cô gái người Dao, xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc); đã đứng lên vận động dân bản đóng góp lương thảo giúp nhà vua nuôi quân. Đồng thời, các bà vận động thanh niên trai tráng trong vùng lên rừng chặt tre, nứa kết thành bè mảng, xẻ ván đóng thuyền chở quân sĩ vượt qua thác Bờ đi đánh giặc.


Nổi bật trong quần thể khu di tích là tấm bia đá đề thơ Lê Lợi – dấu ấn một thời hào kiệt của Thái Tổ Cao Hoàng Đế.

Sau chiến thắng trở về, vào tháng 3, năm Nhâm Tý (1432), vua Lê Lợi dừng chân nghỉ tại Chợ Bờ, đề thơ khắc bia kỷ niệm. Khi ấy, cô gái Đinh Thị Vân và cô gái người Dao lại vận động bà con dân bản góp cơm lam, thịt muối, rượu cần, múa hát để mừng đoàn quân chiến thắng. Sau này hai bà mất, thường hiển linh phù trợ giúp đỡ người dân vượt qua ghềnh đá thác Bờ được an toàn. Cảm kích trước công lao của hai bà, nhà vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ hai bà. Cũng từ đó, nhân dân tôn thờ hai bà là Chúa Thác Bờ, phù hộ độ trì cho dân bản, cho thuyền bè qua lại thác ghềnh trên sông Đà được bình an vô sự.

Theo những người cao tuổi thì trước đây tại xã Hào Tráng có một ngôi Đền và một ngôi Miếu đều thờ Chúa Thác Bờ. Năm 1979, Nhà nước xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, giải phóng lòng hồ, Thủ nhang ngôi Đền di chuyển lên xây dựng trên đất Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, nay là đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa. Còn Thủ nhang ngôi Miếu di chuyển lên xây dựng trên đất Thung Nai, huyện Cao Phong và trở thành đền Chúa Thác Bờ Thung Nai. Hai ngôi đền nằm ở 2 phía bờ cách nhau khoảng 10 phút đi thuyền. Hiện nay, đền thờ Chúa Thác Bờ bên phía Vầy Nưa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Có thể nói, truyền thuyết về bà Chúa Thác Bờ là sự hóa thân của người mẹ Việt Nam, của hai người phụ nữ Mường - Dao và là tình đoàn kết lâu đời giữa hai dân tộc Mường, Dao ở Hòa Bình. Đền Chúa Thác Bờ được cộng đồng tín ngưỡng Thờ Mẫu sùng kính, trong các dịp lễ hội về dự rất đông. Ngày nay, cùng với đền thờ Vua Lê Thái Tổ, đền Chúa Thác Bờ ở Vầy Nưa và Thung Nai đã và đang trở thành những điểm nhấn quan trọng trong không gian văn hóa - tâm linh của vùng lòng hồ sông Đà, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa - tinh thần của đồng bào Mường, Dao nơi đây. Chắc chắn, đó là những điểm nhấn đầy ý nghĩa sẽ được giữ gìn và phát triển trên lộ trình xây dựng hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia.


Thu Trang

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục