(HBĐT) - Là 1 trong 5 huyện, thành phố nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình, huyện Cao Phong có 2 xã vùng hồ là Bình Thanh và Thung Nai có phong cảnh hữu tình, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo là những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch khu vực hồ Hòa Bình.


Đảo Dừa là điểm dừng chân thú vị trên hồ Hòa Bình thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Trên địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch mang lại ấn tượng cho du khách. Xã Thung Nai nằm trong vùng lõi quy hoạch khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, khu vực hồ có nhiều đảo nhỏ xếp lớp giữa hồ là sự kết hợp hài hòa, nên thơ giữa núi rừng trùng điệp, không gian mây nước trong xanh như chốn bồng lai, tiên cảnh, được coi là "vịnh Hạ Long trên cạn”. Đảo Dừa là một trong những hòn đảo đẹp nhất khu vực hồ Hòa Bình, được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của địa phương. Đảo có chuỗi nhà sàn lớn theo kiến trúc cổ truyền của người Mường, người Thái, mỗi nhà có thể ở được từ 30 - 50 người và 8 ngôi nhà sàn nhỏ với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, là nơi nghỉ ngơi, thư giãn; khu vực nhà ăn có thể phục vụ cùng một lúc hàng trăm suất ăn, có chỗ vui chơi giải trí, giao lưu văn nghệ cộng đồng, có nơi ngắm cảnh, đốt lửa trại, chỗ hái quả, đánh lưới, chèo thuyền, câu cá... Động Thác Bờ nằm trong quần thể di tích Chúa Thác Bờ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đang tạo sự hấp dẫn cho du khách đến chiêm bái, thăm quan, trải nghiệm. Bản Mường cổ Giang Mỗ, xã Bình Thanh là điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng, thu hút nhiều đoàn khách du lịch quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, tại các xóm, bản ven hồ trên địa bàn huyện Cao Phong như xóm Tiện, xóm Nai (xã Thung Nai), các chòm xóm, bản thuộc xã Bình Thanh có phong cảnh thiên nhiên đẹp, người dân còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường trong sinh hoạt, sản xuất đang mở ra cơ hội để Cao Phong phát triển các loại hình du lịch, xây dựng các tua, tuyến du lịch kết nối trên khu vực hồ Hòa Bình.

Đồng chí Bùi Yến Minh, cán bộ Phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát quy hoạch, xây dựng, triển khai giải pháp khuyến khích, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch hồ Hòa Bình theo quy hoạch; tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu tổ chức thi công tuyến đường 435 qua địa bàn các xã Bình Thanh - Thung Nai; xây dựng và nâng cao năng lực cảng bến Thung Nai, chú trọng tuyên truyền, quảng bá, thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh dựa trên tiềm năng riêng có nhằm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, mở ra cơ hội mới cho công tác xóa đói - giảm nghèo. Chị Bùi Yến Minh, cán bộ Phòng VH-TT huyện cho biết thêm: Vừa qua, Sở VH-TT&DL phối hợp với huyện tổ chức khảo sát một số điểm như bến cảng Thung Nai, bản Tiện, xã Thung Nai đi các điểm du lịch xã Ngòi Hoa và một số điểm du lịch trên hồ Hòa Bình; triển khai kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân làm du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó kết nối, xây dựng các tua, tuyến du lịch hồ Hòa Bình. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh như: quần thể khu hang động núi Đầu Rồng, đền Bồng Lai (thị trấn Cao Phong); Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam tại xóm Tiềng, xã Bắc Phong; các điểm du lịch khu vực hồ Hòa Bình... đang có sức hấp dẫn đối với du khách. Quý I/2019, toàn huyện đón 210.217 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 15,1 tỷ đồng, trong đó có 2/3 du khách đến với các điểm du lịch trên hồ Hòa Bình.

Lê Chung


Các tin khác


Thu hút dự án đầu tư du lịch tại phân khu Ngòi Hoa hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, phân khu Ngòi Hoa thuộc xã Ngòi Hoa (Tân Lạc). Đây là phân khu trung tâm của Khu du lịch hồ Hòa Bình, nơi có các hoạt động du lịch chính, có không gian mang tính biểu tượng đặc trưng của Khu du lịch hồ Hòa Bình. Phân khu có diện tích 1.200 ha, được quy hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ, khách sạn, nhà hàng, công viên chuyên đề, khu thể thao dã ngoại, thể thao dưới nước, trang trại sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng…

Khai thác giá trị văn hóa dân tộc Mường để xây dựng sản phẩm du lịch

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có phong cảnh non nước hữu tình, đặc biệt có nhiều xóm, bản đồng bào dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt đời sống, sản xuất là cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách xa gần. Thực hiện định hướng phát triển du lịch hồ Hòa Bình của tỉnh, các địa phương, tổ chức đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển các loại hình du lịch, hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng mang lại cảm nhận tốt đẹp, ngày càng có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Khai thác giá trị văn hóa dân tộc gắn với sinh thái hồ để phát triển du lịch

(HBĐT) - Với tài nguyên du lịch và nhân văn, lợi thế đặc thù, hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Để thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia.

Chú trọng đầu tư hạ tầng cảng, bến phục vụ du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cảng bến là một trong những định hướng quan trọng thực hiện chủ trương, mục tiêu, giải pháp phát triển xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Hồ Hòa Bình non nước hữu tình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng con người được tạo ra trong quá trình trị thủy xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Hồ có phong cảnh non nước hữu tình đẹp đến hoàn mỹ với những bản làng thơ mộng, con người đôn hậu thật thà, có hàm lượng văn hóa cao, có sức lôi cuốn lạ kỳ cho bất cứ ai muốn khám phá, thưởng ngoạn.

Xây dựng hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia có sức hút với du khách

(HBĐT) - LTS: Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Hòa Bình đến năm 2030, ngày 22/6/2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Niềm, TUV, Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh nội dung này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục