Sự độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc Mường được người dân xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) bảo tồn để làm du lịch cộng đồng. Nếp nhà sàn, tiếng chiêng, điệu múa xòe; ẩm thực hay phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Mường tạo nên sức hút đặc biệt đối với khách du lịch. Hiện nay, tại xóm Đá Bia có 5 hộ làm du lịch cộng đồng, nhưng 100% người dân trong xóm đã cùng hỗ trợ các hộ làm du lịch với mong muốn quảng bá sự độc đáo của văn hóa Mường Ao Tá tới du khách.
Những cô gái Mường duyên dáng đón khách đến thăm quan xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc).
Bất kỳ ai khi đặt chân đến với Đá Bia (Tiền Phong) đều muốn tìm hiểu về phong tục tập quán, các truyền thuyết độc nhất của người Mường Ao Tá. Người Mường Ao Tá có nhiều truyền thuyết độc đáo chứa đựng sự huyền bí mà không ai có thể giải thích được đó là "Quán tự giác”. "Quán tự giác” được coi là "Siêu thị đầu tiên của người Mường Hòa Bình”. Mọi người buôn bán, mua hàng theo tính tự giác: Tại Quán tự giác có một bảng giá chi tiết cho từng sản phẩm được người bán treo tại quán. Người mua chỉ cần nhìn vào bảng giá rồi tự giác bỏ tiền mua hàng vào giỏ. Các mặt hàng chủ yếu được bà con đem bán là sản phẩm địa phương như trứng gà, thịt trâu khô, rau, củ, quả, một số mặt hàng lưu niệm. Theo các cụ cao niên trong xóm: Nếu ai đến mua hàng không tự giác bỏ tiền vào giỏ mà có ý đồ gian lận không trả tiền sẽ không ra khỏi được xóm Đá Bia. Cứ như thế, theo thời gian, quán tự giác được người Mường Ao Tá giữ gìn để bán sản phẩm. Khách du lịch cũng rất thích thú với hoạt động trải nghiệm đi siêu thị của người Mường.
Với mong muốn giới thiệu tới du khách những nét văn hóa truyền thống của người Mường, người dân Đá Bia đã thành lập được đội văn nghệ riêng, đầu tư bài bản từ trang phục, nhạc cụ tới các tiết mục để phục vụ du khách. Khi mới đặt chân tới xóm, người dân trong xóm với trang phục truyền thống của người Mường sẽ đón khách bằng tiếng chiêng. Tiếng chiêng trầm bổng hân hoan thay cho lời mời của gia chủ đón khách vào nhà.
Khách đến Đá Bia được ngủ trong những ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường. Sự độc đáo trong kiến trúc nhà sàn là di sản văn hóa được người Mường giữ gìn. Nhà sàn người Mường được mô phỏng theo hình dáng "con rùa”, 4 chân là 4 cột cái, mái sương là mái nhà, xương sống là đòn nóc, đầu rùa là cửa chạn. Lối kiến trúc này thể hiện sự trường tồn và nét đặc trưng văn hóa của người Mường. Chính sự độc đáo đó mà xóm Đá Bia luôn nỗ lực vận động người dân trong xóm giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống. Những ngôi nhà sàn nằm sát nhau không cần sự ngăn cách của tường bao hay hàng rào tạo nên một không gian thân thiện, gắn bó giữa các gia đình với nhau. Tìm hiểu về các sinh hoạt văn hóa diễn ra trong không gian nhà sàn sẽ tạo cho du khách một cơ hội để có được những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Bên cạnh đó, ẩm thực của người Mường cũng được người dân Đá Bia khai thác để phục vụ khách du lịch. "Homestay của gia đình tôi tiếp đãi khách bằng những món ăn truyền thống có hương vị đậm đà, ấn tượng. Những món ăn của người Mường hướng tới mục đích chữa bệnh cho người dân. Các món ăn như: rau đồ, cá đồ, măng rừng luộc... 5 hộ làm du lịch cộng đồng của xóm Đá Bia đã tận dụng, khai thác những thực phẩm truyền thống, sẵn có của địa phương như cá sông, rau rừng, gà vườn… Đồ dùng sử dụng trong mâm cơm chúng tôi sử dụng hướng tới sự chan hòa với thiên nhiên như đũa tre, giỏ tre đựng xôi, ống đựng đũa, niêu đựng canh. Các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch đi hái rau, hái măng, bắt cá… Vào bếp chế biến món ăn cùng gia chủ thực sự hấp dẫn khách du lịch” - Chị Lò Thị Trang, chủ Lake View Homestay chia sẻ.
Với sự độc đáo trong văn hóa, sự thân thiện trong giao tiếp, ứng xử xóm Đá Bia trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Tháng 1/2019, khu du lịch cộng đồng xóm Đá Bia vinh dự nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN. Từ năm 2014 đến năm 2018, khu du lịch xóm Đá Bia đã đón 183 đoàn khách, thu hút 2.110 lượt khách trong nước và quốc tế. Trong 4 tháng đầu năm 2019, xóm Đá Bia đón 785 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 451 lượt; khách lưu trú là 300 lượt.
Thu Thủy